Hai cuộc đời - Một quyết định

29/04/2017 14:02

“Cho đến bây giờ, tôi vẫn thấy mình đúng khi quyết định ở lại, bởi đây là nhà tôi, chỉ ở lại quê hương, tôi mới là người có ích”- những lời bộc bạch chân thành của 2 nhân sĩ, trí thức từng làm việc dưới chế độ cũ trong không khí hân hoan chào mừng ngày đại thắng 30/4 làm tôi bất ngờ. Bởi trước nay, ít ai nhắc đến cảm xúc của họ vào những ngày này...

1. Bước vào cửa hàng nhỏ chuyên cung cấp các loại đàn ghita trên đường Trần Hưng Đạo (số nhà 323), tiếng đàn thánh thót như xua tan đi bao lo toan, phiền muộn đời thường. Nghe tiếng đàn mê hoặc ấy, liệu có mấy ai nghĩ rằng, người đánh đàn và cũng là chủ nhân cửa hàng - ông Nguyễn Hữu Nghĩa, năm nay đã 84 tuổi.

Khi tôi trình bày mục đích đến thăm, ông cười hiền: Mấy hôm nay sức khỏe mình yếu, mới đi khám bệnh về, có lẽ không nói được nhiều đâu.

Nhưng rồi, câu chuyện cứ kéo dài mãi, về đời tư, về cuộc di tản và ngày trở về, thậm chí cả những chuyện ông vẫn giấu kín trong lòng...

Tôi sinh năm 1933 tại Kon Tum, năm 1953, theo học trường sư phạm tại Đà Lạt (Lâm Đồng); ra trường, về dạy học tại Quảng Nam, năm 1963 thì chuyển về dạy tại Kon Tum. Năm 1964-1969, làm Trưởng ty Tiểu học Kon Tum (hồi ấy Kon Tum chưa có bậc trung học). Bị bắt lính 3 năm, trở về tiếp tục làm trong ngành giáo dục. Sau giải phóng, tôi dạy học, sau đó chuyển sang công tác ở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị xã Kon Tum, rồi Hợp tác xã mành trúc 19/8, sau đó nghỉ chế độ.

Cũng nói thêm, bố vợ tôi là cụ Võ Da Du - từng bị Pháp bắt và bắn trước sân vì treo ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhà hồi kháng Pháp; mẹ vợ là cơ sở tiếp tế thuốc men, lương thực cho cán bộ cách mạng nằm vùng ở H5. Vì có mối liên hệ với phía cách mạng như vậy nên gia đình vợ tôi từng bị trục xuất khỏi Kon Tum mấy năm.

Nói thật, do ảnh hưởng từ gia đình, nhất là từ gia đình vợ nên tôi rất chán ghét chiến tranh, mong mỏi ngày ta chiến thắng. Rồi ngày ấy cũng đến. Khi bộ đội giải phóng Buôn Ma Thuột thì chính quyền Ngụy ở Kon Tum đã rung rinh lắm rồi, cho đến khi nghe đạn pháo Quân giải phóng bắn vào thị xã Kon Tum thì bắt đầu tháo chạy. Vì sợ “bom đạn không có mắt”, hơn nữa thấy thiên hạ rùng rùng chạy nên nhiều gia đình, trong đó có gia đình tôi, bỏ nhà cửa chạy theo. Nhưng đến cầu Phú Bổn, gặp được bộ đội ta, nên gia đình tôi quyết định quay về Kon Tum. Sau khi trình diện, tôi được dạy học trở lại.

Trưa 30/4, qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi nghe tin quân ta chiếm dinh Độc Lập, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, vừa hấp tấp chạy ra ngoài thì đã nghe tiếng hò reo khắp nơi. Thoáng cái, cờ đỏ sao vàng được treo trước nhiều ngôi nhà. Mẹ vợ tôi thì cứ lẩm bẩm: Nhanh thế! Chiến thắng nhanh thế! Tôi cười: Nhanh là phải thôi. Mẹ không nhớ hôm trở về, gặp bộ đội hành quân đấy à, pháo lớn, xe tăng, ô tô chạy ầm ầm...

Nói thì nói vậy, nhưng tôi cũng thấy bất ngờ. Nhớ lại hôm ấy, nhìn thấy vũ khí của bộ đội mà khấp khởi, lâu nay chỉ nghe tụi nó tuyên truyền bên ta chỉ có mấy “chú địa phương” với vài ba cây súng lẹt đẹt. Ai ngờ lớn mạnh như vậy...

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa chăm sóc cửa hàng đàn của gia đình

 

Nhắc lại chuyện cũ, giọng ông trầm lại: Sau ngày toàn thắng, tôi có không ít bà con, anh em, bạn bè ở nước ngoài. Nghĩ cho cùng thì cũng không lạ, thời buổi ấy nó thế. Sau này, có người hỏi thẳng tôi: Sao hồi ấy ông không đi, ở lại chi cho khó khăn như vầy? Ngay cả cậu em vợ theo dòng người di tản vào Sài Gòn hồi ấy, rồi ra nước ngoài định cư, cũng thắc mắc như vậy và từng tỏ ý bảo lãnh tôi sang. Tôi trả lời: Khoảng thời gian đó đúng là thời gian khó khăn nhất trong đời tôi, nhưng cho đến bây giờ, tôi vẫn không hối hận vì mình đã quyết định ở lại. Bởi vì đây là nhà tôi, và quan trọng hơn, vì truyền thống gia đình và còn vì tôi thấy mình vẫn có ích cho quê hương.

2. Căn nhà nhỏ nằm trên đường Bà Triệu có mái lợp ngói âm dương, cột gỗ, cửa gỗ, 2 gian 3 chái... Nghe đâu căn nhà chỉ kém chủ nhân là ông Trần Văn Tắc 3 tuổi.

Ông Trần Văn Tắc thủng thẳng: Đúng là căn nhà này được làm từ năm 1942, nó gắn bó suốt cuộc đời tôi, từ khi lẫm chẫm chạy cho đến tận bây giờ. Cái đận di tản năm 1975, nháo nhào chạy theo người ta, chẳng kịp đem theo thứ gì, đói khát, mệt mỏi, vạ vật trên đường mà cứ lo cho ngôi nhà. Thật may mắn, hay đúng hơn là thật tuyệt vời, hôm trở về đến nhà thì thấy có bộ đội đang đóng quân.

Mới bước vào, các em ấy nhận ngay ra tôi là chủ nhà vì có nhiều ảnh treo trên vách. Chuyện trò vui vẻ, tôi nhận thấy mấy chú bộ đội trẻ măng ấy cũng dễ thương lắm, đâu có dữ dằn, hung tợn như tụi nó tuyên truyền đâu. Mấy em nói là bộ đội thông tin, ở nhờ nhà tôi mấy ngày rồi sẽ chuyển đi. Cũng nhờ mấy em đến ở mà nhà tôi được giữ gìn nguyên vẹn.

Nhắc về cái đận di tản ấy, ông Tắc cứ cười mãi về cái sự “non nớt” - như cách ông gọi - của mình. Học xong đại học, năm 1967, ông Tắc về dạy học tại Kon Tum, khi quân ta tiến đánh giải phóng Kon Tum thì ông đang làm Hiệu trưởng Trường Trung học Hoàng Đạo (vị trí Trường THCS thực hành sư phạm Lý Tự Trọng ngày nay).

Ông Trần Văn Tắc khẳng định: Tôi đã có quyết định đúng

 

Ông kể: Ngày 14/3/1975, thị xã Kon Tum đã vắng bóng ngụy quân, ngụy quyền. Khi rút chạy, họ tuyên truyền “phải tản cư, ở lại cộng sản tới sẽ giết chết hết”, nhiều gia đình nhẹ dạ nghe theo, hoảng hốt bồng bế nhau chạy. Theo dòng người di tản đêm 15/3 có gia đình tôi, khi ấy vợ tôi đang mang bầu đứa con thứ tư, tôi chở theo cậu em út. Đến cầu Phú Bổn thì bị tắc, bỏ xe chạy bộ, nhưng trong đầu tôi cứ quanh quẩn suy nghĩ: Sao mình lại phải bỏ chạy? Nhà mình ở đó, bây giờ biết chạy đi đâu? Với lại, mình là giáo chức, chỉ biết dạy học trò, có hại ai bao giờ... Trăn trở mãi, rồi tôi quyết định quay về.

Khi về đến Kon Tum, tôi thấy cờ giải phóng phấp phới tung bay trong niềm vui tràn ngập khí thế chiến thắng, bà con reo mừng hân hoan đón chào cán bộ, chiến sĩ giải phóng, trong đó có hàng xóm, bạn bè, học trò mình. Ông thở phào nhẹ nhõm, thấy mình trở về là đúng.

Ít ngày sau, ông được Ủy ban Quân quản mời đến đề nghị góp sức khôi phục lại trường lớp. Ông hăng hái nhận lời, đi triệu tập từng giáo viên của trường còn ở lại, rồi tổ chức mở lớp, tiếp nhận học sinh... bận tối tăm mặt mũi. Trong không khí ấy, một lần nữa, ông thấy mình đã có quyết định đúng.

Khi niềm vui được trở lại làm việc chưa vơi thì miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tôi nhận được tin Quân giải phóng chiếm dinh Độc Lập, bắt nội các Tổng thống Dương Văn Minh qua sóng phát thanh - ông nhớ lại - Ngay sau đó, bộ đội, nhân dân Kon Tum đã đổ ra đường reo hò, phất cờ, mừng chiến thắng. Bước ra đường, tôi đã thấy mọi người hoan hô, vỗ tay, và hét vang: Chiến thắng rồi!

Rồi suốt những ngày sau đó, dường như cả Kon Tum không ngủ, qua sóng phát thanh, tôi biết không chỉ Kon Tum mà cả nước không ngủ mừng chiến thắng, mừng lịch sử dân tộc sang trang mới.   

Và cuộc đời tôi cũng đã bắt đầu những trang mới, từ sau quyết định trở lại. Tôi tin mỗi người có một số phận, nhưng trong chiến tranh, qua chiến tranh, số phận mỗi người lại giống nhau: được sống, được gặp nhau và có khởi đầu mới, dù gian khó nhưng tốt đẹp.

Bài, ảnh: Hồng Lam

Chuyên mục khác