Gửi trọn niềm tin

04/09/2020 13:02

Những ngày tháng 9 này, mỗi người dân Kon Tum đang háo hức trông chờ sự kiện trọng đại: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI chính thức được tổ chức. Ai ai cũng kỳ vọng một nhiệm kỳ mới tiếp tục có nhiều thành tựu, đưa Kon Tum ngày càng phát triển.

"Kon Tum có nhiều tiềm năng để phát triển" là nhận định của nhiều nhà lãnh đạo, các chuyên gia nghiên cứu, các nhà khoa học... đã từng đến tham quan, nghiên cứu và làm việc tại tỉnh. Còn với nhiều người, Kon Tum như "nàng công chúa ngủ quên trong rừng" đến ngày được "đánh thức".

Là công dân sinh sống ở tỉnh Kon Tum, tôi nhận thấy Kon Tum quả thật đang có sự phát triển mạnh mẽ, tuy có thể chậm hơn so với nhiều tỉnh, thành phố khác nhưng theo kiểu "chậm mà chắc chắn". Không nôn nóng, vội vàng, Kon Tum lần lượt khai thác, tận dụng và phát huy được những tiềm năng và lợi thế vốn có của mình. Từ tập trung phát triển các vùng kinh tế động lực của tỉnh đến hàng loạt các chính sách như trồng cà phê xứ lạnh ở các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông; trồng dược liệu gắn với chế biến (sâm Ngọc Linh, sâm dây, đinh lăng...) ở huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông, Kon Rẫy, thành phố Kon Tum...; trồng rau, hoa xứ lạnh ở Măng Đen (Kon Plông); phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến...Và trên nhiều lĩnh vực khác, Kon Tum đã thu hút được các "ông lớn" triển khai nhiều dự án đầu tư như Vin Group, FLC, TH...

Toàn cảnh thành phố Kon Tum hôm nay. Ảnh: DUY TIÊN

 

Nổi bật về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bây giờ, ở những vùng phát triển dự án, người nông dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hướng đến sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Nếu bạn đã một lần nào đó ghé đến Măng Đen để tham quan các vườn rau, hoa xứ lạnh được trồng trong các nhà màng nơi đây chắc chắn sẽ có nhiều điều bất ngờ. Với tôi, bất ngờ lớn nhất là những người trực tiếp trồng, chăm sóc, thu hái nông sản ở những vườn rau, hoa này đa phần là những kỹ sư nông nghiệp thực thụ. Họ tốt nghiệp các trường đại học ở các thành phố lớn, nắm bắt được chủ trương của tỉnh nên đã về đây mua hoặc thuê đất để phát triển các dự án. Ở họ có kiến thức, kết hợp với trải nghiệm đã giúp tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm. Và cũng nhờ họ, nhiều người dân ở quanh vùng, ở các vùng khác trong tỉnh đến tham quan, học hỏi và cùng làm theo, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Điều đáng mừng nữa là đến nay hầu hết các sản phẩm hàng nông sản, dược liệu làm ra ở Kon Tum không còn xuất bán thô mà cơ bản đã được chế biến thành phẩm. Tôi thật tự hào khi đi đến đâu, từ Hà Nội cho đến Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ cần giới thiệu ở Kon Tum là nhiều người lại nhắc đến các sản phẩm nổi tiếng của vùng đất này. Cũng từ rất lâu rồi, tôi đã hãnh diện để khoe với bạn của mình rằng: "Bây giờ thì chỉ sợ không đủ tiền để mua quà tặng cho bạn phương xa, chứ đừng nói ở Kon Tum không có quà gì để mua biếu bạn như trước đây nữa nhé".

Dân làng Kon Rơ Wang (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) đánh cồng chiêng, múa xoang mừng ngày hội. Ảnh: Hồng Trúc

 

Tôi có quen một anh bạn làm giám đốc một HTX chuyên sản xuất các loại nấm dược liệu ở Đăk Hà. Mỗi lần gặp gỡ, trò chuyện, anh đều khoe với tôi, lúc thì sản phẩm của HTX anh làm ra được các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện tham gia ở hội chợ thương mại này, lúc thì được giới thiệu sản phẩm ở hội chợ thương mại kia, cả trong và ngoài tỉnh. Bây giờ thì sản phẩm của HTX đã "lên kệ" ở nhiều cửa hàng, siêu thị trong cả nước.

Tôi cũng biết một chị là cán bộ phụ nữ cơ sở ở Tu Mơ Rông. Có lần chị tâm sự, từ ngày phát triển mô hình trồng sâm dây do Hội Phụ nữ cấp trên hỗ trợ, chị không có thời gian rảnh rỗi. Chị ráng làm rẫy sâm dây của gia đình mình thật tốt, mang lại giá trị kinh tế cao để chị em phụ nữ trong thôn, trong xã cùng học hỏi và làm theo. Cuối cùng thì ở xã Măng Ri - nơi chị sinh sống, có rất nhiều gia đình cùng trồng sâm dây. Thương lái lên tận nơi thu mua đúng giá thị trường. Nhờ đó, cái nghèo ở xã vùng sâu, vùng xa này dần được đẩy lùi, đời sống người dân ngày càng được nâng cao hơn.

Phải khẳng định rằng, hỗ trợ phát triển sản xuất và tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng là những giải pháp, hướng đi đúng đắn của Kon Tum trong thời gian qua. Cùng với những quyết sách cụ thể và giải pháp linh hoạt trong lồng ghép các chương trình, nguồn vốn giảm nghèo, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 26,11% (năm 2015) xuống còn 13,62% (cuối năm 2019); thu nhập bình quân đầu người đạt 1.990 USD (cuối năm 2019), tăng 41,5% so với năm 2015. Đời sống nâng cao, người dân càng có ý thức xây dựng nông thôn mới; đến nay, toàn tỉnh đã có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới...

Thật phấn khởi, tại buổi làm việc của Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum để duyệt nội dung và phương án nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (diễn ra vào ngày  21/8, tại Hà Nội), đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao những kết quả tỉnh Kon Tum đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Kon Tum đã không ngừng vượt khó, đưa kinh tế tăng trưởng tốt, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, nhiều thế mạnh được hình thành và phát huy; kết cấu hạ tầng có nhiều thay đổi lớn; văn hóa xã hội có nhiều bước tiến đáng mừng, đặc biệt là tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao, số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 100%; an ninh chính trị được giữ vững.

Đặc biệt, đồng chí Trần Quốc Vượng đánh giá cao tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Kon Tum. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, từ bảo vệ rừng, giao khoán rừng đến trồng rừng, đến nay, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Kon Tum đạt 63%.

Trồng sâm dây ở thôn Tân Rát, xã Ngọc Linh. Ảnh: T.Q

 

Đây là những thành tựu có được từ sự nhiệt huyết, trách nhiệm, năng động và đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum. Trong đó, nhiệm kỳ 2015 -2020, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 8 nghị quyết chuyên đề về các lĩnh vực, tập trung phát triển toàn diện tỉnh Kon Tum, cụ thể: Nghị quyết 01-NQ/TU "về xây dựng nông thôn giai đoạn 2016-2020, có tính đến năm 2025"; Nghị  quyết 02-NQ/TU "về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ  cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh", Nghị quyết 03-NQ/TU "về nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng và tổ chức đảng trực thuộc đảng ủy cơ sở"; Nghị quyết 04-NQ/TU "về tiếp tục xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới"; Nghị quyết 05-NQ/TU "về tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS giai đoạn 2016-2020"; Nghị quyết 06-NQ/TU "về phát  triển lâm nghiệp theo hướng bền vững"; Nghị quyết 08-NQ/TU "về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh".

Mỗi nghị quyết chuyên đề đều là tâm huyết, là kết tinh của tinh thần, trí tuệ tập thể; thể hiện nỗ lực, quyết tâm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy với mong muốn đưa Kon Tum phát triển nhanh và bền vững theo đúng tinh thần Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020) đã đề ra.

Một nhiệm kỳ sắp kết thúc. Nhìn lại chặng đường đã đi, kết quả mang lại cũng đúng như kỳ vọng của mỗi người dân Kon Tum. Chắc chắn ai cũng sẽ vui mừng, phấn khởi, tự hào khi những quyết sách quan trọng của tỉnh nhà đã từng bước giúp đổi thay bộ mặt của tỉnh, từ nông thôn đến thành thị.

Những ngày này, đi trên những đường phố ở thành phố Kon Tum rợp bóng cờ hoa được trang trí chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, lòng tôi phơi phới một niềm vui, náo nức đến lạ. Bởi tôi, và chắc chắn cũng như bao người dân Kon Tum khác, đều mong muốn Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI sẽ thành công tốt đẹp.

Xin gửi trọn niềm tin về Đại hội, về một Kon Tum phát triển lên tầm cao mới.       

Tú Quyên

Chuyên mục khác