Góp Tết cho học sinh nghèo

03/02/2024 06:20

Hằng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều trường ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS thường tổ chức những phiên chợ 0 đồng cho các em học sinh và người dân trong vùng. Món quà từ phiên chợ hay các phần quà nhân ái tuy có giá trị không lớn, nhưng thật ấm áp tình người, góp thêm niềm vui cho các em học sinh và người dân trong dịp Tết.
Trao tặng các phần quà cho các em học sinh. Ảnh: BA

 

Tôi nhớ như in nụ cười của anh bạn là Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở (TH&THCS) xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei khi kể về việc tổ chức thành công hoạt động trải nghiệm phiên chợ tết cho các em học sinh trong trường. Thật ấn tượng bởi chương trình vừa tạo sân chơi cho học sinh trong dịp Tết đến Xuân về, vừa giúp các em có các phần quà, góp phần đón Tết an vui.

Gắn bó với học sinh và người dân, anh bạn hiểu rõ những khó khăn của các em học sinh và bà con ở các làng. Do đó, dù những ngày cuối năm bận bịu công việc, ban giám hiệu nhà trường vẫn bàn bạc và dành thời gian, tâm huyết để tổ chức chương trình thật ấm áp và đầy ý nghĩa.

Từ nhiều ngày trước, sau những giờ giảng dạy, thầy cô và các em học sinh cùng góp sức trang trí khuôn viên trường thật rực rỡ. Cùng với đó, thầy cô còn đóng góp và huy động các nhà hảo tâm tham gia ủng hộ kinh phí để tổ chức phiên chợ 0 đồng. Với nguồn kinh phí có được, nhà trường đã mua các nhu yếu phẩm như bột ngọt, mắm, muối, dầu ăn, mì tôm, đồng thời thông báo cho học sinh và bà con, mỗi người được tự chọn 2 sản phẩm để mang về nhà.

Đặc biệt, trong ngày hội, các lớp cũng xây dựng các gian hàng và đưa các sản phẩm từ vườn nhà (rau lủi, sâm dây, bí, bầu…) để giới thiệu, bán cho mọi người, giúp bố mẹ có thêm “đồng vào” để chi tiêu trong dịp Tết. Ngày hội ấm áp với những niềm vui rạng ngời của bà con và học sinh. Càng ý nghĩa hơn khi trong ngày hội, trường trao tặng hơn 80 suất quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn, động viên các em đón Tết an vui và nỗ lực hơn trong học tập.

Khi yêu thương đủ đầy, người ta có thể làm được những việc ý nghĩa. Câu chuyện ở ngôi trường vùng sâu, vùng xa trên là một ví dụ. Những phần quà có thể có giá trị không lớn, nhưng thật đáng trân quý, bởi nó được tạo nên từ cả tấm lòng, tấm chân tình của thầy cô dành cho học sinh.

Các em học sinh trải nghiệm gói bánh chưng. Ảnh: Văn Tùng

 

Những năm gần đây, vào dịp Tết, nhiều trường trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều sân chơi, chương trình ý nghĩa. Ngoài việc xây dựng các hoạt động hướng về truyền thống: thi gói bánh chưng, trang trí mâm cỗ, xây dựng các gian hàng đậm chất Tây Nguyên, các trường còn huy động nhiều phần quà để gửi đến các em học sinh khó khăn, học sinh DTTS, góp thêm món quà xuân để các em cùng gia đình đón Tết vui vẻ.

Tết là sum vầy, Tết cũng là để sẻ chia. Mỗi nơi sẽ có một cách tổ chức hoạt động khác nhau, nhưng dù nhỏ, dù lớn, đều thật trân quý. Qua đó, giúp các em học sinh, đặc biệt là học sinh DTTS hiểu rõ ý nghĩa của dịp Tết cổ truyền. Đồng thời xuyên suốt các hoạt động, các em học sinh được học về lòng nhân ái, biết chia sẻ, giúp đỡ, biết cảm thông với những hoàn cảnh, số phận chưa may mắn trong cuộc sống. Đó cũng là tiền đề giúp thế hệ tương lai sau này hiểu hơn, yêu hơn những phong tục, nét đẹp trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã về. Những món quà gói ghém yêu thương cũng được các em học sinh mang về nhà. Một chai dầu ăn, một bao gạo, bộ quần áo mới không hẳn sẽ giúp Tết đủ đầy, nhưng thật ấm áp nghĩa tình. Đó cũng là niềm động viên tinh thần lớn lao để các em học sinh tiếp tục đoàn kết, gắn bó, sẻ chia và cùng nhau vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Bình An

Chuyên mục khác