Góc khuất lao động tự do

10/09/2018 20:37

​Tìm được một công việc làm ổn định với thu nhập thỏa đáng là nhu cầu và mong ước của nhiều lao động trên địa bàn tỉnh hiện nay. Nhưng, trái ngược với những ước mong, những dự định ban đầu, không ít lao động (lao động trong nước và cả xuất khẩu lao động) lại đối mặt với không ít rủi ro, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Rõ ràng, hành trình tìm việc của lao động tự do đang có những góc khuất, đòi hỏi các cấp, các ngành phải tăng cường công tác quản lý.

Những câu chuyện buồn

Dư luận mới đây không khỏi bức xúc, phẫn nộ trước câu chuyện của chị Y Nhiêu ở làng Pêng Siêl, xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei bị chủ nhà hành hạ, đánh đập dã man.

Theo bạn bè sang tỉnh Gia Lai làm thuê, chị được một người tên Nguyễn Thị Hà (thường gọi là Nga), tạm trú tại phường Thống Nhất, thành phố Pleiku gọi về làm việc nhà, dọn dẹp, nấu cơm mỗi tháng 3,5 triệu đồng. Trong thời gian làm việc cho bà Nga, chị Y Nhiêu liên tục bị bà đánh đập, hành hạ. Đỉnh điểm của những trận đòn roi là vào đầu tháng 6/2018, khi bà Nga kêu mất hơn 1 tỷ đồng. Mặc dù khẳng định không lấy và liên tục kêu oan, nhưng chị Y Nhiêu vẫn bị bà Nga dùng nhiều cực hình như: lấy cây sắt đập lên đầu lên người, lấy bàn là làm nóng lên rồi ủi lên người, lấy dao lam rạch mặt, lấy búa đập vào ngón tay… hành hạ. 

Đại diện Báo Người lao động trao tiền hỗ trợ cho chị Y Nhiêu. Ảnh:N.P

 

Đến nay, Công an thành phố Pleiku (Gia Lai) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với bà Nga về hành vi cố ý gây thương tích. Còn chị Nhiêu được các cấp, các ngành, cộng đồng quan tâm, động viên, hỗ trợ, nỗi đau thể xác, tinh thần dần nguôi nhưng đâu đó những trận đòn roi sẽ vẫn còn là nỗi ám ảnh với chị.

Chưa kịp nguôi với câu chuyện của chị Y Nhiêu,  cuối tháng 7, 2 em A Jơng (15 tuổi) và A Trưng (19 tuổi) cùng ở làng Kon Hngo Klah (xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum) bị ép làm ngư phủ không công trên biển do nạn cò mồi lao động được giải thoát nhưng chưa trở về nhà lại một lần nữa dấy lên mối lo. Người thân các em đứng ngồi không yên, lo cho con em mình không biết ra sao. Những gương mặt thẫn thờ, những tiếng thở dài và cả nỗi ngóng trông chờ đợi…

Rồi, không chỉ các lao động trong nước, Báo Kon Tum cũng nhận đơn thư trình bày, phản ánh của một số lao động đi xuất khẩu lao động ở Ả Rập Xê Út đề nghị giúp đỡ để sớm được về nước, trước thời hạn hợp đồng. Nguyên do, lao động bị chủ sử dụng lao động nước sở tại yêu cầu làm quá thời gian quy định, bị bạo hành…

Chẳng hạn như anh Nguyễn Quốc Duy, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum đã có đơn trình bày với Báo Kon Tum về việc mẹ anh – bà Tăng Thị Liên ký hợp đồng đi xuất khẩu lao động ở Ả Rập Xê Út 2 năm. Hơn 18 tháng làm việc, mẹ anh liên tục điện thoại phản ánh bị chủ sử dụng lao động bắt làm việc nhà 17 tiếng/ngày (hợp đồng ký kết thời gian làm việc tối thiểu 9 tiếng liên tục/ngày và được nghỉ một ngày thứ 6 trong tuần). Bà còn bị chủ sử dụng lao động bạo hành, không cho ăn uống đầy đủ, không được trả lương 3 tháng đầu tiên; còn bị chủ nhà cũ bán sang chủ nhà mới trong lúc đang bị ốm nặng…  

Tăng cường công tác quản lý                  

Bị hành hạ, bị ngược đãi, bị bắt làm việc quá sức, bị lừa, hay không nhận được sự quan tâm, chăm sóc khi ốm đau… là những gì mà không ít lao động tự do phải hứng chịu trên hành trình đi tìm kiếm việc làm.

Để tìm được một công việc ổn định với thu nhập thỏa đáng đang là nhu cầu và mong ước của rất nhiều lao động tự do, đặc biệt là lao động khu vực nông thôn. Trong số họ, có trường hợp tranh thủ khi nông nhàn, có trường hợp có công việc nhưng không ổn định, có trường hợp vì gia đình quá đông con trong độ tuổi lao động nhưng công việc ruộng rẫy lại ít…

Điểm chung của những trường hợp này đều là cuộc sống khó khăn, thiếu tay nghề, không được ký hợp đồng lao động hoặc có ký nhưng điều khoản thiếu rõ ràng, thậm chí là bị lừa. Cũng có những trường hợp lao động dù đã được cảnh báo nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, vì thiếu hiểu biết… nên vẫn chấp nhận mức thu nhập thấp, chấp nhận rủi ro chỉ để có việc làm.

Và hậu quả là khi có tranh chấp, khi bị ngược đãi, thậm chí là vi phạm hợp đồng lao động… thì chịu thiệt vẫn luôn là người lao động.

Tất nhiên trên hành trình người lao động tìm kiếm việc làm, mưu sinh, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Chỉ riêng năm 2017, ngành LĐTB&XH đã tư vấn việc làm, học nghề cho 2.550 người; giới thiệu, cung ứng 590 lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tư vấn, giới thiệu 270 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn rộng khắp và mang lại nhiều kết quả khả quan...

Bên cạnh đó, trước các trường hợp lao động bị ngược đãi, bị lừa..., các cấp, các ngành đã có sự vào cuộc kịp thời. Chẳng hạn như mới đây, sau trường hợp A Jơng, A Trưng bị lừa đi làm việc không công, UBND thành phố Kon Tum đã thăm hỏi, nắm bắt tình hình, có biện pháp hỗ trợ; ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý địa bàn, giới thiệu tuyển dụng lao động đi làm việc trong và ngoài tỉnh…

Tuy nhiên, không ít người vẫn băn khoăn, liệu còn nhiều hơn những trường hợp như A Jơng, A Trưng, bà Tăng Thị Liên hay thậm chí như Y Nhiêu…  nhưng vì thiếu hiểu biết, vì mưu sinh mà đành im lặng?

Thực tế là lực lượng lao động tự do trên địa bàn tỉnh chiếm một tỷ lệ khá lớn. Họ, trong hành trình tìm kiếm công việc làm ở trong tỉnh, ngoài tỉnh hay cả với giấc mơ đổi đời từ xuất khẩu lao động còn gặp những khó khăn nhất định.

Không để lao động tự do chịu thiệt, thì cùng với việc tăng cường công tác quản lý địa bàn, quản lý lao động tự do, xử phạt nghiêm khắc với những trường hợp vi phạm, thì người lao động cần lắm sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc gắn đào tạo với cung cấp lao động, tạo cơ hội việc làm bền vững.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác