“Góc học tập yêu thương” ở Trường THCS xã Ngọc Tụ

12/10/2023 14:11

Trong những năm qua, ngành GD&ĐT huyện Đăk Tô đã nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 6/5/2021 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện ngày càng nâng lên.

Tuy nhiên, nhiều nơi trên địa bàn huyện Đăk Tô do điều kiện kinh tế còn khó khăn dẫn đến kết quả học tập của các em còn chưa cao. Học sinh chưa được sự quan tâm từ gia đình, các em chưa có ý thức mang sách vở về sau khi tan học, không chuẩn bị bài trước khi đến lớp, đặc biệt nhiều gia đình không có góc học tập tại nhà. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện.

Nhận thấy thực trạng đó, Phòng GD&ĐT huyện Đăk Tô đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn huyện tuyên truyền, vận động và hỗ trợ để xây dựng cho các em học sinh có góc học tập tại nhà bằng các nguồn lực như: tận dụng các bàn ghế cũ ở các trường học, sử dụng các tấm ván gỗ, huy động sự chung tay của các nhà hảo tâm, nhà tài trợ…

Em Phạm Ngọc Trang, dân tộc Xơ Đăng, thôn Đăk Tông đang học bài. Ảnh: NVH

 

Đi đầu trong triển khai xây dựng mô hình góc học tập yêu thương này phải kể đến Trường THCS xã Ngọc Tụ. Nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cha mẹ học sinh, các nhà hảo tâm, quý thầy cô giáo chung tay xây dựng góc học tập cho các em học sinh. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, trước đây tại không gian gia đình, nhà ở của đồng bào DTTS thường không bố trí nơi để các em học tập, nếu có thì cũng chưa đảm bảo (thiếu bàn ghế, không đủ ánh sáng) điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của các em học sinh.

Qua quá trình vận động, hỗ trợ cùng với việc thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, các gia đình đã mua bàn mới hoặc tận dụng bàn cũ trong gia đình để sắp xếp góc học tập cho con em ở các nơi đảm bảo ánh sáng, thoáng mát. Một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã được các nhà hảo tâm, các thầy cô giáo trực tiếp mua tặng bàn để xây dựng góc học tập. Như các em Hà Thị Y Ngọc, Hà Tân Tiến, Hà Đại Nghĩa ở thôn Đăk Tông, gia đình thuộc diện hộ nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn đã được sứ giả Trang Sử tặng bàn học, giúp các em có được góc học tập tươm tất. Còn ở thôn Kon Pring, các cô giáo, thầy giáo đã dành một phần từ tiền lương của mình, giúp đỡ quần áo, sách vở, dụng cụ học tập cho các em học sinh trong mô hình “Chắp cánh ước mơ cho em”.

Đến nay, có trên 95% số học sinh ở xã Ngọc Tụ đã có góc học tập. Từ ngày có góc học tập tại nhà đã giúp các em học sinh trên địa bàn xã thêm ý thức tự học, ôn lại bài tập cũ, xem trước bài mới trước khi đến lớp, nắm chắc kiến thức được học, góp phần chuyển biến chất lượng giáo dục của nhà trường cũng như ở địa phương. Năm học 2022-2023, tỷ lệ học sinh khá, giỏi ở Trường THCS xã Ngọc Tụ đạt trên 43%, số học sinh yếu kém giảm xuống dưới 3%. Số học sinh tham gia các cuộc thi học sinh giỏi cấp trường, huyện, tỉnh tăng cao và đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Nhà trường có 3 học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện, có 1 học sinh đạt giải Nhất cấp huyện về cuộc thi thiếu nhi tuyên truyền và giới thiệu sách năm 2023; có em 1 đạt giải Nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp huyện và đạt giải Tư cấp tỉnh.

Các cô giáo, thầy giáo giúp đỡ học sinh thôn Kon Pring trong mô hình “Chắp cánh ước mơ cho em”. Ảnh: TVH

 

Việc xây dựng góc học tập cho học sinh ở vùng đồng bào DTTS có ý nghĩa hết sức quan trọng. Từ những kết quả tích cực tại xã Ngọc Tụ, các trường học trên địa bàn huyện đều nhận thấy tầm quan trọng của mô hình, là một trong những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương, giúp các em học sinh có điều kiện học tập tốt hơn, phát triển toàn diện nên đều triển khai nhân rộng.

Theo thầy Hồ Quốc Tuấn - Hiệu trưởng Trường THCS xã Ngọc Tụ, để phát huy những kết quả đã đạt được từ mô hình và cách làm trên, thời gian đến, nhà trường tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chính sách đối với học sinh DTTS nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập và phát triển. Nhà trường không ngừng đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng sát với đối tượng học sinh DTTS để khơi gợi niềm say mê học tập của các em. Bên cạnh đó, để hỗ trợ, động viên các em, nhà trường tiếp tục vận động cán bộ, giáo viên, các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ để giúp các em học sinh khó khăn về sách vở, quần áo, học bổng và xây dựng góc học tập đàng hoàng hơn. Thực hiện tốt các chính sách này sẽ là cơ sở giúp học sinh có thêm động lực và điều kiện để học tập tốt góp phần đạt được mục tiêu giáo dục và đào tạo.

Nguyễn Văn Hùng

Chuyên mục khác