Gỡ khó thiếu giáo viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới

18/09/2023 13:10

Thông tin năm học mới 2023 - 2024 này, toàn tỉnh còn thiếu 836 giáo viên (nhiều nhất là bậc mầm non thiếu 437 giáo viên, tiểu học thiếu 237 giáo viên, THCS thiếu 140 giáo viên, THPT thiếu 22 giáo viên) so với sự gia tăng học sinh hằng năm trên địa bàn toàn tỉnh khiến cho nhiều người băn khoăn.

­Băn khoăn bởi lẽ hầu như đầu năm học mới nào cũng vậy, chuyện thiếu giáo viên vẫn diễn ra, nếu không giải quyết được căn cơ sẽ khó mà đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Băn khoăn nữa là năm học mới đã bắt đầu, với con số 836 giáo viên còn thiếu chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc bố trí, sắp xếp giáo viên đứng lớp và tất yếu đi kèm là ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Cùng với các địa phương trong cả nước, tỉnh ta hiện đang triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Ngoài các lớp 12, 9, 5 đang dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành (Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2006), thì các khối lớp còn lại đều đã triển khai theo chương trình mới với nhiều điểm mới: phương pháp và hình thức giáo dục/dạy học, một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, dạy học tích hợp, đổi mới trong kiểm tra, đánh giá học sinh... Và tất nhiên, chủ thể để thực hiện công cuộc đổi mới này không ai khác ngoài đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Thiếu giáo viên, một số giáo viên phải dạy liên trường, tăng tiết đứng lớp. Ảnh: NP

 

Để thực hiện đảm bảo chương trình giáo dục phổ thông mới, thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh, các huyện, thành phố đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học hợp lý nhằm giải quyết tình trạng thừa, thiếu cục bộ; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, nhất là đối với lớp 3, 7, 10 và lớp 4, 8, 11. Theo thống kê, đến nay, toàn ngành có 11.863 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 929 cán bộ quản lý, 9.476 giáo viên, 1.458 nhân viên. Qua đánh giá, xếp loại, có 90% cán bộ quản lý, giáo viên xếp loại khá trở lên theo chuẩn hiệu trưởng, giáo viên mầm non, phổ thông, cơ bản đáp ứng việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học.

Mặc dù đã có những nỗ lực như vậy nhưng như đã nêu, vào đầu mỗi năm học mới, chuyện thiếu giáo viên luôn là nỗi băn khoăn, trăn trở không chỉ của riêng ngành Giáo dục, của từng trường học, từng địa phương mà còn của cả toàn xã hội. Vì như một lẽ thường tình khi mà yêu cầu đổi mới giáo dục với hàng loạt điểm mới mà chủ thể triển khai thực hiện thiếu thì chắc chắn sẽ khó đáp ứng được yêu cầu.

Hơn nữa, mặc dù thiếu giáo viên với số lượng lớn như vậy nhưng trên thực tế ở một số địa phương có chỉ tiêu biên chế lại không tuyển được giáo viên (phải đảm bảo yêu cầu đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019 hoặc không có hồ sơ đăng ký). Đã khó lại thêm khó khi một số giáo viên vì nhiều lý do như lương chỉ đủ sống, hàng loạt công việc phải đảm nhiệm thêm ngoài việc chính giảng dạy, lại thêm áp lực từ xã hội, áp lực từ phụ huynh, điều kiện sinh hoạt, ăn ở của các giáo viên ở vùng sâu, vùng xa khó khăn đã xin nghỉ việc.

Ngoài giảng dạy, giáo viên vùng sâu, vùng xa còn đến từng nhà huy động học sinh ra lớp. Ảnh: NP

 

Không chỉ thiếu giáo viên mà thực tế còn cho thấy cơ cấu và năng lực thực tiễn của một số giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu, chưa bắt kịp yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, chưa khắc phục được lối dạy học truyền thụ một chiều, chưa vận dụng có hiệu quả các phương pháp dạy học phát huy được tính tích cực chủ động của học sinh. Công tác bồi dưỡng, đào tạo giáo viên theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với một số bộ môn mới còn những lúng túng.

Trong khi chỉ tiêu, công tác tuyển dụng, giữ chân giáo viên còn khó khăn,  cơ cấu và năng lực thực tiễn của một số giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu thì qua từng năm số lượng học sinh trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, cộng thêm đặc thù tỉnh miền núi chia cắt có nhiều điểm trường, điểm lớp đã khiến cho chuyện thiếu giáo viên đầu mỗi năm học mới thêm nan giải.

Trong 12 nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới 2023 -2024 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra thì nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và chương trình giáo dục phổ thông mới là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Bởi vậy, cùng với các giải pháp mang tính tình thế, ngắn hạn như: bố trí giáo viên dạy liên trường, giáo viên và cả ban giám hiệu nhà trường dạy tăng tiết, hợp đồng giáo viên, thì giải pháp lâu dài và mang tính bền vững mà ngành Giáo dục và các địa phương trong tỉnh mong muốn là sớm được bổ sung số lượng giáo viên còn thiếu và có cơ chế chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo sự ổn định, yên tâm trong công tác.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác