Giúp xã Măng Ri thoát khỏi đặc biệt khó khăn

16/02/2017 18:06

Măng Ri là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Tu Mơ Rông. Giúp địa phương từng bước thoát nghèo, nhiều năm qua, Ban Dân tộc tỉnh (đơn vị kết nghĩa với xã) đã có những việc làm mang ý nghĩa thiết thực, tham mưu, giúp đỡ địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới…

Tết Nguyên đán năm nay, bà con dân làng các thôn Ngọc La, Chung Tam, Đăk Dơn… của xã Măng Ri đón tết thật vui tươi, phấn khởi. Bởi ngoài được đón nhận hàng trăm phần quà do Nhà nước, đơn vị kết nghĩa với xã và các đoàn từ thiện trao tặng, người dân nơi đây còn vui hơn vì tuyến đường dẫn ra khu sản xuất lớn nhất xã với diện tích cả trăm hécta mỳ, lúa rẫy, cà phê, bời lời (nối từ thôn Ngọc La) được đầu tư bê tông hóa, mở rộng giúp nhân dân đi lại thuận tiện hơn.

Chúng tôi theo đoàn công tác của Ban Dân tộc tỉnh về xã Măng Ri những ngày cuối năm, không khí mùa xuân đang ngập tràn nơi đây. Người dân ở các thôn làng đang hối hả dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ; mọi gia đình đều chuẩn bị gạo nếp, củi, lá dong để nấu bánh chưng. Trên công trình đường dẫn vào khu sản xuất nối từ thôn Ngọc La, đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các công đoạn cuối cùng để bà con dân làng nơi đây có thể đi lại trên con đường mới trước Tết Nguyên đán.

Đường dẫn vào khu sản xuất xã Măng Ri nối từ thôn Ngọc La. Ảnh: T.Q

 

Đứng bên này cầu treo thôn Ngọc La nhìn qua bên kia khu sản xuất bạt ngàn mỳ, bời lời, cà phê xứ lạnh, anh A Róc - Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri nhớ lại: Trước đây, mỗi lần họp hành ở xã, nghe bà con đề xuất mở con đường này, chính quyền xã cũng rất trăn trở, bởi lợi ích cho dân sau khi mở con đường thì thấy rõ, nhưng kinh phí phân bổ của Nhà nước thì còn eo hẹp. Thật may mắn là sau khi chia sẻ trăn trở này với đơn vị kết nghĩa với xã, dự án đã nhanh chóng được triển khai - thông qua nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai Len…

Chị Y Hiền ở thôn Ngọc La kể với chúng tôi, trước kia, bà con các thôn làng trên địa bàn xã có đất rẫy ở khu sản xuất này đi lại rất khó khăn; muốn làm rẫy ở đây phải đi qua cây cầu treo rất hẹp nối từ thôn Ngọc La, rồi cuốc bộ men theo đường mòn hàng giờ đồng hồ mới vào được đến khu sản xuất. Đường đi đã khó khăn nhưng nông sản làm ra bán còn khó hơn vì thương lái không thể vào đến tận nơi thu mua mà bà con phải gùi về làng. Vì vậy, những gia đình không có sức lao động thì dù có rẫy cũng không dám trồng trọt nhiều; riêng gia đình chị Y Hiền cũng chỉ dám đầu tư trồng gần 1ha cà phê. Bây giờ, đường được mở rộng, bà con có đất rẫy bỏ hoang nơi đây đều muốn phục hóa trở lại; riêng gia đình chị Y Hiền cũng đang có ý định năm nay sẽ tiếp tục đầu tư trồng thêm 0,5ha bời lời, 0,5ha cà phê.

Phó Chủ tịch xã A Róc cho biết thêm, cũng nhờ đơn vị kết nghĩa với xã giúp đỡ mà dịp Tết Nguyên đán năm trước, bà con nhân dân 2 thôn Chung Tam và Đăk Dơn cũng đón tết trong niềm vui, phấn khởi vì trên con đường nối 2 thôn được đầu tư xây dựng cây cầu treo thật đẹp (dài 69m, rộng 1,2m).

Anh A Hà – người dân thôn Chung Tam kể: Trước đây, khi chưa có cây cầu treo, vào mùa nắng bà con phải lội suối, mùa mưa phải đi đường vòng hàng chục cây số vì nước rất lớn; trẻ em thì thường xuyên lội suối đến trường. Từ khi có cây cầu, bộ mặt nông thôn nơi đây khởi sắc hơn nhiều, người dân đi lại làm ăn thuận lợi gấp bội phần, nông sản của bà con nông dân làm ra không còn bị thương lái ép giá nhiều như trước kia.

Ông Ka Ba Thành - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về giúp đỡ xã kết nghĩa, nhiều năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, chính quyền địa phương nắm bắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị trên địa bàn để cùng triển khai các nghị quyết của Đảng ủy, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong 2 năm 2015-2016, Ban Dân tộc tỉnh đã giúp xã kêu gọi vốn đầu tư xây dựng cầu treo nối 2 thôn Chung Tam-Đăk Dơn và đường đi vào khu sản xuất của xã nối từ thôn Ngọc La với tổng mức đầu tư 4 tỷ đồng (2 tỷ đồng/công trình) từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai Len.

Ngoài ra, trong năm 2016, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã nhận đỡ đầu, giúp đỡ 2 hộ gia đình nghèo A Chúc và A Xâm ở thôn Chung Tam xây dựng mô hình trồng cà phê catimo, bời lời để phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững. Trong đó, mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 640 cây cà phê catimo, 500 cây bời lời, phân bón, kỹ thuật trồng và chăm sóc. Đồng thời, hỗ trợ xây 2 căn nhà tình nghĩa, tình thương cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo ở thôn Chung Tam và Đăk Dơn từ nguồn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi căn nhà trị giá 50 triệu đồng…

Theo ông Ka Ba Thành, thời gian tới cùng với việc kêu gọi các nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, đơn vị cũng sẽ tiếp tục làm tốt công tác phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương định hướng cho người dân lựa chọn các loại cây trồng, con giống phù hợp để phát triển sản xuất, tăng thu nhập.

 Tú Quyên

Chuyên mục khác