Giúp xã kết nghĩa bằng việc làm thiết thực

18/10/2016 14:03

Trong những cơn mưa bất chợt ngày tháng 10, chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác của Ban Dân vận Tỉnh ủy vượt nhiều đoạn đường lầy lội, đầy những “ổ voi” để về thăm xã kết nghĩa Đăk Kôi (huyện Kon Rẫy).

Nhấm nháp ly trà nóng ở phòng làm việc của Bí thư Đảng ủy A Vai, ông Nguyễn Văn Nguyên – Phó trưởng Ban Dân vận kiêm Phó Ban chỉ đạo 04 của Tỉnh ủy chia sẻ, từ khi nhận kết nghĩa với xã, cán bộ Ban đã thường xuyên đi cơ sở tuyên truyền, vận động các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho nhân dân; qua đó, kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân trong quá trình thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời tham mưu, định hướng, giúp địa phương có những hướng đi, bước phát triển phù hợp.

Bí thư A Vai tiếp lời: Cũng từ chỗ gần gũi với cơ sở mà Ban Dân vận Tỉnh ủy làm được nhiều việc rất ý nghĩa cho địa phương và hộ nghèo nơi đây; đặc biệt, trong năm 2015 đã hỗ trợ 2 hộ nghèo ở làng Tear Riang (thôn 9) phát triển mô hình chăn nuôi bò tập thể, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 3 hộ nghèo ở làng Ngọc Rang (thôn 5).

Nghe chúng tôi nói muốn vào làng Ngọc Rang, Bí thư A Vai nói: Mùa này vào xã Đăk Kôi đã khó nhưng để đến được làng Ngọc Rang - làng đặc biệt khó khăn của xã còn khó khăn hơn gấp nhiều lần bởi mặc dù làng cách xã chừng 3km nhưng có nhiều đoạn đường dốc rất cao, trơn trợt.

Thăm gia đình U Thành - Y Say. Ảnh: T.Q

 

Thấy ông nói vậy, tôi đem câu chuyện nghe được từ Thượng tá Nguyễn Văn Tuyên - Phó Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 10 (Quân đoàn III) cùng đi trong chuyến hành trình kể lại “năm ngoái, gần cả tháng, 50 cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 10 đã kéo gỗ, kéo tôn từ thành phố Kon Tum lên xã rồi từ xã kéo vào tận làng để làm nhà cho dân”. Lúc này Bí thư A Vai hào hứng “Nhà báo nghe việc gì hay hay là lại muốn tìm hiểu ngay việc ấy. Đúng là muốn biết rõ thì phải xuống tận nơi mới được”.

Bí thư A Vai mượn mấy chiếc xe máy cùng chúng tôi xuống làng. Vượt qua 2 cầu treo, cuốc bộ thêm mấy bận băng qua những con dốc trơn trợt, cuối cùng chúng tôi cũng đến được làng Ngọc Rang nằm trên triền đồi.

Nhà đầu tiên được Bí thư A Vai dẫn đến là của vợ chồng Đinh A Hà - Y Nga. Ngôi nhà rộng 40m2, khung gỗ, lợp tôn bao quanh với 4 phòng rộng rãi, phía sau có cả vườn rau trông rất khang trang, sạch đẹp.

Chị Y Nga từ trong nhà chạy ra tay bắt mặt mừng khi gặp lại những “vị khách” quen thuộc đã lên đây ở lại làng cả tháng để giúp đỡ cho gia đình chị dựng căn nhà.

Rưng rưng xúc động, chị kể: Năm 2009, vợ chồng chị cưới nhau. Sau khi sinh con đầu lòng, vợ chồng ra riêng dựng nhà tạm để ở. Mùa mưa nhà cửa dột nát. Năm ngoái, may mắn được Ban Dân vận Tỉnh ủy và bộ đội Sư đoàn 10 kéo cây, kéo tôn rồi trực tiếp lên ở đây giúp đỡ dựng nhà nên vợ chồng mới thoát được cảnh sống tạm bợ.

“Có được nhà mới, ý thức thoát nghèo càng cao. Bây giờ, ngoài ruộng lúa, rẫy mì, vợ chồng mình còn phát triển chăn nuôi heo, gà với hy vọng năm tới sẽ thoát nghèo.” - Chị Y Nga tâm sự.

Băng lên một đoạn dốc cao hơn là nhà của vợ chồng U Thành - hộ gia đình cũng được Ban Dân vận Tỉnh ủy và Sư đoàn 10 giúp đỡ xây dựng nhà. Thượng tá Nguyễn Văn Tuyên nhớ lại, để làm được căn nhà cho vợ chồng U Thành, 50 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã rất vất vả tìm cách hạ chiều cao diện tích đất chọn làm nhà của gia đình nằm trên triền đồi xuống 3m để lấy mặt bằng.

U Thành vui mừng: Về nhà mới, cuộc sống cũng có nhiều cái mới. Ngoài vườn rau do các chú bộ đội làm giúp, vợ chồng còn phát triển thêm nhiều loại rau xanh quanh vườn nhà để cải thiện bữa ăn; rồi mới đây còn tích góp tiền mua được con dê, gà, vịt phát triển chăn nuôi…

Nhìn cuộc sống mới của những gia đình trong căn nhà mới khang trang, Thượng tá Nguyễn Văn Tuyên cho biết, trước khi phối hợp làm nhà ở cho hộ nghèo nơi đây, ngoài việc xác định trước phải vượt qua những khó khăn về địa hình, đơn vị đã cử 50 cán bộ chiến sĩ vận chuyển nguyên vật liệu tôn, gỗ lên tận nơi và ở lại đây để trực tiếp xây nhà cho bà con; đồng thời hỗ trợ thêm kinh phí giúp hộ nghèo mua gạch, xi măng để lát nền nhà, xây dựng công trình vệ sinh… Chỉ trong vòng 20 ngày, cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 10 đã hoàn thành 3 căn nhà đoàn kết quân dân, bàn giao cho hộ nghèo.

Đã xế chiều, khi cơn mưa rừng dần ngớt, Bí thư A Vai dẫn chúng tôi về lại làng Tear Riang thăm mô hình chăn nuôi bò tập thể của hộ gia đình A Vin, A Hoàng cũng được hỗ trợ từ Ban Dân vận Tỉnh ủy và Sư đoàn 10.

Chia sẻ về ý tưởng xây dựng mô hình nuôi bò tập thể tại xã kết nghĩa của đơn vị, ông Nguyễn Văn Nguyên cho biết, qua nhiều lần xuống cơ sở, nhận thấy Tear Riang có nhiều diện tích đồng cỏ, thuận lợi cho việc phát triển gia súc, đặc biệt là chăn nuôi bò nên đã phối hợp với Sư đoàn 10 và chính quyền địa phương quyết tâm xây dựng mô hình.

Hỗ trợ bò giúp người dân xã Đăk Kôi phát triển mô hình chăn nuôi bò tập thể. Ảnh: T.Q

 

Điểm đặc biệt của mô hình là với 2 con bò giống hỗ trợ ban đầu, các hộ gia đình sẽ chăn nuôi đến khi bò giống sinh sản được con thứ 2 mới luân chuyển cho hộ nghèo khác. Việc luân chuyển bò do chính hộ gia đình tự lựa chọn dưới sự giám sát của chính quyền địa phương để nâng cao ý thức cho người dân.

A Vin cho biết, lập gia đình ra riêng vợ chồng anh chỉ có 5 sào lúa rẫy và mì nên cuộc sống rất khó khăn. Cuộc sống của vợ chồng A Hoàng cũng không đỡ hơn người bạn hàng xóm.

Từ ngày được hỗ trợ 2 bò giống sinh sản, 2 gia đình đã được địa phương hỗ trợ làm chuồng trại, hướng dẫn cách chăn nuôi, đến nay mỗi con bò giống đều đã sinh được bò con. Thấy chăn nuôi bò dễ dàng, phù hợp với điều kiện gia đình nên A Vin, A Hoàng phấn khởi lắm, hy vọng rồi đây sẽ sớm thoát nghèo từ việc chăn nuôi.

Bí thư A Vai cho biết, để mô hình mang lại hiệu quả, chính quyền địa phương vận động 2 hộ gia đình tích cực trong việc chăm sóc đàn bò, định kỳ tiêm phòng, thường xuyên vệ sinh chuồng trại và thu hoạch rơm rạ của vụ mùa để về dự trữ thức ăn cho mùa khô. Trong thời gian tới, xã sẽ nhân rộng mô hình ra toàn xã khi có các chương trình dự án, hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất.

Cũng theo Bí thư Đảng ủy A Vai, hiện nay, cả xã chỉ khoảng 30% số hộ gia đình chăn nuôi có chuồng trại, còn lại chủ yếu là thả rông ở đồi núi, vì vậy, mục tiêu của mô hình hỗ trợ từ đơn vị kết nghĩa rất ý nghĩa, sẽ giúp bà con trên địa bàn dần thay đổi tập quán chăn nuôi không chuồng trại, không tiêm phòng, không có thức ăn dự trữ như lâu nay.

Tú Quyên

Chuyên mục khác