04/03/2019 13:02
Dự án “Hòa nhập người khuyết tật trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và đa dạng hóa thu nhập” (gọi tắt là dự án DIDRR), được Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ kinh phí 11,059 tỷ đồng, giai đoạn 2015-2018. Từ nguồn tài trợ này, Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp với UBND thành phố Kon Tum triển khai ở 11 xã phường, với mục đích trang bị, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ cơ sở về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương có sự quan tâm đến hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng trong giảm thiểu rủi ro thiên tai. Đối với người dân và người khuyết tật nằm trong vùng dự án được tham gia các hoạt động truyền thông, được dạy nghề và hỗ trợ nguồn vốn cơ bản để tạo kế lập nghiệp, tiến đến giảm nghèo...
Với định hướng thực hiện như trên, 3 năm qua, Ban tiếp nhận dự án của thành phố Kon Tum và các thành viên của Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp đã tập trung phối hợp với chính quyền 11 xã, phường tăng cường công tác tuyên truyền, kêu gọi khoảng 1.000 lượt cán bộ cơ sở và 1.000 hộ dân, trong đó 536 hộ dân có người khuyết tật tham gia 5 hạng mục của dự án: Nâng cao năng lực về hòa nhập người khuyết tật trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai; nâng cao nhận thức về hòa nhập người khuyết tật trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai; đa dạng hóa thu nhập của người dân, bao gồm cả người khuyết tật; tăng cường truyền thông và vận động chính sách về hòa nhập người khuyết tật trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai; tài liệu hóa các tài liệu dự án về hòa nhập người khuyết tật trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Đồng thời, các đối tượng trên còn tham gia 13 lớp đào tạo, truyền đạt kỹ năng, kiến thức về hòa nhập người khuyết tật trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
|
Anh Mai Thu Nhi A - Cán bộ công tác văn hóa xã hội xã Chư Hreng (cán bộ hỗ trợ kỹ thuật của dự án DIDRR) nói: Tham gia dự án, tôi đã được truyền đạt nhiều kiến thức mới, phương pháp nghiên cứu, khảo sát, cách đặt câu hỏi và làm việc với người khuyết tật. Từ đó, tôi đã biết cách như thế nào để giao tiếp, tiếp cận với đối tượng khuyết tật để họ cởi mở và mạnh dạn nói lên ý kiến cá nhân, nêu nguyện vọng hòa nhập trong cộng đồng. Những kiến thức được bồi dưỡng này đã giúp tôi có nhiều ý tưởng, sự tham mưu giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ cho người khuyết tật gắn với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của xã được chủ động, tích cực hơn.
Bên cạnh những lợi ích của dự án dành cho đội ngũ quản lý, cán bộ cơ sở ở 11 xã, phường, thì có khoảng 1.000 người dân và người khuyết tật vùng dự án còn được đào tạo sinh kế, hỗ trợ nguồn vốn để xây dựng 156 mô hình kinh tế tiêu biểu đang cho kết quả khả quan.
Tại hội nghị tổng kết dự án DIDRR được tổ chức tháng 2 vừa qua, ở phần nội dung đánh giá đa dạng hóa thu nhập cho người khuyết tật, mô hình làm chổi đót của nhóm tự lực ở xã Đoàn Kết được xem là hiệu quả nhất. Anh Lê Văn Thạch - Trưởng nhóm tự lực tự hào: “Nhóm tự lực gồm 13 thành viên đều là người khuyết tật. Tháng 11/2016 đến nay, các đối tượng khuyết tật của nhóm tham gia dự án được hỗ trợ đào tạo làm chổi và cơ sở vật chất, công cụ cơ bản, một phần nguyên liệu thô để sản xuất. Sau thời gian hỗ trợ của dự án, nhóm tự lực đã làm ra các sản phẩm chổi đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố, một số huyện lân cận trong tỉnh. Hàng tháng, cơ sở không còn hàng tồn kho. Thu nhập trung bình của thành viên 1,5-2 triệu đồng/tháng/người. Có được kết quả này, nhóm đã nhận được sự hỗ trợ thường xuyên từ chính quyền địa phương và các ngành của tỉnh Kon Tum, ban quản lý DIDRR. Đối với cá nhân tham gia dự án, ai cũng tâm sự việc học nghề làm chổi, đến lao động tự kiếm được thu nhập là sự thành công. Nhờ vậy, anh chị em khuyết tật của nhóm đều vui vẻ, thêm niềm tin vượt lên khó khăn để sống tích cực hơn”.
Ngoài mô hình trên, ở xã Đăk Năng và phường Thắng Lợi, dự án còn hỗ trợ cho người khuyết tật triển khai 5 mô hình trồng nấm. Cuối năm 2018, các mô hình đã thu hoạch được 3 đợt, đưa sản phẩm nấm ra thị trường tiêu thụ khả quan, với tổng doanh thu 48,5 triệu đồng và đang trong quá trình phát triển phôi đợt thứ 3. Cùng đó, có 9 mô hình chăn nuôi bò ở các xã, phường vùng dự án với 45 con bò ban đầu, đến cuối năm 2018, phát triển tổng đàn lên 51 con bò. Các mô hình khác như trồng rau sạch, làm mộc... đang dần phát huy hiệu quả.
Theo UBND thành phố Kon Tum, hiện tại, các mô hình kinh tế do người khuyết tật đảm trách đang được địa phương đánh giá rút kinh nghiệm, sắp tới đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nhân rộng cho khoảng 2.000 người khuyết tật trên địa bàn 21 xã, phường học tập, làm theo.
Mai Trâm