Giúp dân thay đổi nhận thức trong làm kinh tế

16/09/2021 06:04

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm sẽ giúp bà con DTTS vùng biên sớm từ bỏ những tư tưởng lạc hậu, tiếp cận phương thức canh tác mới, tiến bộ trong lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi) có 1.479 hộ, 6.131 nhân khẩu; trong đó, hộ DTTS chiếm 83%. Trước đây, do nhiều hộ đồng bào DTTS vẫn còn duy trì tập quán canh tác lạc hậu nên sản xuất không phát triển, chưa thật sự thoát nghèo bền vững.

Làm thế nào để người dân có thể thay đổi nhận thức trong phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng là điều trăn trở của cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Sa Loong (xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi). Bởi vậy, từ khi có kế hoạch của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh về triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bên vững”, cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Sa Loong đã triển khai thực hiện một cách quyết liệt.

Trung tá Phan Trọng Bình - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sa Loong cho biết: Trước tiên, Đồn đã phối hợp với chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, vận động bà con từng bước chuyển đổi nhận thức, từ bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, biết sử dụng có hiệu quả nguồn lực của gia đình, nguồn vốn của xã hội để phát triển kinh tế; tích cực đổi mới sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất, triển khai các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả và tham gia vào tổ hợp tác sản xuất, cung ứng dịch vụ, từng bước nâng cao đời sống gia đình, tự lực vươn lên thoát nghèo.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sa Loong hướng dẫn người dân cách trồng cây lúa nước. Ảnh: D.Đ.N

 

Để triển khai cuộc vận động trên, Đồn chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xã Sa Loong thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đề ra chủ trương, giải pháp nhằm phát triển kinh tế theo thế mạnh của địa phương gắn với chương trình mỗi thôn một sản phẩm, thúc đẩy các mô hình phát triển kinh tế tạo ra nhiều việc làm, tăng năng suất lao động.

Đồng thời, khi triển khai cuộc vận động này, Đồn gắn với việc triển khai thực hiện các phong trào, chương trình, mô hình nhiều năm trước đó như phong trào “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Bộ đội Biên phòng chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; chương trình “Nâng bước em tới trường”; mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”; “Đảng viên đội công tác địa bàn tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, kết nghĩa giúp đỡ hộ gia đình trên khu vực biên giới vươn lên thoát nghèo”; “Đảng viên đồn Biên phòng phụ trách hộ gia đình trên khu vực biên giới”… để góp phần từng bước làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS tại đây.

Theo đó, Đồn tập trung vào các hộ gia đình có điều kiện hoàn cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn tại các thôn Đăk Vang, Giang Lố I, Giang Lố II, Bun Ngai để xây dựng các mô hình điểm như trồng lúa nước, nuôi heo đen, trồng cây công nghiệp có kinh tế cao… Sau đó, cử cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống tận cơ sở để hướng dẫn bà con lựa chọn loại cây, con, giống đảm bảo chất lượng; tổ chức hướng dẫn, kiểm tra kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi… theo đúng quy trình kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Trong quá trình triển khai, Đồn trích hàng chục triệu đồng để mua cây, con, giống… và cử cán bộ phụ trách, hướng dẫn kỹ thuật với phương châm không làm tràn lan, không bao biện làm thay để người dân có thể tự nhận thức dần về nếp nghĩ, cách làm mới trong sản xuất, sau đó nhân rộng ra nhiều hộ khác, theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

Việc triển khai “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” trên vùng biên giới của Đồn Biên phòng Sa Loong tuy mới được triển khai được vài tháng, nhưng bước đầu có những chuyển biến tích cực. Với cách làm của Đồn Biên phòng Sa Loong cùng với sự tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật tận tình của cán bộ, chiến sĩ của Đồn, bà con DTTS ở đây sẽ từng bước xóa bỏ những tư tưởng lạc hậu, tiếp cận phương thức canh tác mới, tiến bộ trong lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác