Giữ vệ sinh chung

02/10/2023 13:07

Để góp phần xây dựng môi trường sống sạch, đẹp, ai cũng biết cần tự giác nêu cao ý thức giữ vệ sinh chung. Ấy thế mà, xung quanh chuyện giữ vệ sinh chung này cũng còn nhiều điều đáng suy ngẫm.

Đang đi trên đường, bất chợt một chiếc xe ô tô từ phía sau lao lên, rồi vượt qua rất nhanh, An hoảng hốt bẻ tay lái xe, ngoặt gấp vào lề đường. Cô chưa kịp hoàn hồn thì lại giật nảy mình vì mấy bì ni lông đựng rác từ đâu bay đến ụp thẳng vào mặt.

Phản xạ nhanh, vừa đưa tay hất chiếc bịch ni lông ra khỏi tầm mắt, An vừa ngước nhìn về phía trước: À, thì ra điểm xuất phát của mấy bì ni lông này là chiếc xe ô tô vừa chạy qua. Không chỉ có mấy cái bì xém tí nữa ụp vào mặt An, mà từ cánh cửa kính hạ thấp kia còn lả tả bay ra nào bì, nào khăn giấy.

Cô bé ức lắm, nhưng chẳng biết làm sao, chỉ biết lầm bầm trong miệng: “Sao mà vô ý thức quá”.

Hành động vứt rác thiếu ý thức như vậy không phải là mới mẻ gì. Tôi cũng đã có lần gặp phải. Phải nói rằng rất là khó chịu và khó chấp nhận cho hành vi này. Nhưng đúng là chẳng biết kêu ca, phàn nàn với ai để xử lý.

Nhiều nơi có dán hẳn tờ giấy trong khu vệ sinh yêu cầu giữ vệ sinh chung. Ảnh: SC

 

Tôi cũng đã từng bắt gặp sự bức xúc của nhiều người vì hành động thiếu ý thức trong giữ gìn vệ sinh chung tại các khu nhà vệ sinh ở bệnh viện, cơ quan, trường học. Rõ ràng, phía trong nhà vệ sinh có dán hẳn tờ giấy với những yêu cầu rất lịch sự: “Vui lòng không đặt chân lên bồn cầu”, “Giữ vệ sinh chung, không giẫm lên bệ cầu, bỏ giấy vào sọt rác”, “Vui lòng không vứt giấy, rác, vật thể lạ xuống bồn cầu”, “Vui lòng không hút thuốc trong nhà vệ sinh”, “Đẹp từ trong trứng, sạch từ trong đây”, “Đi vệ sinh không dội nước là có tội với lao công”…

Ấy vậy mà, thực tế cho thấy, ý thức giữ gìn vệ sinh chung của nhiều người vẫn còn hạn chế. 

Tôi từng rất ức chế với hành động hay la mắng, to tiếng với những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân của cô nhân viên tạp vụ của bệnh viện làm nhiệm vụ dọn dẹp nhà vệ sinh. Đành rằng, vì công việc nặng nề, cô nhân viên ấy cũng mệt, có thể thông cảm cho điều đó. Nhưng ai đến đây, kể cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cũng đều rất mệt mỏi, vì vậy, nên ứng xử với nhau bằng những lời nói dễ nghe hay chỉ là một nụ cười thân thiện, thay vì tỏ “thái độ”, hành động cáu gắt, to tiếng với mọi người.

Cần vứt rác đúng nơi quy định. Ảnh minh họa

 

Nhưng thật ra thì có ở lâu, quan sát kỹ mới hiểu, mới biết rằng, mọi chuyện đều có lý do của nó. Rõ ràng khu vệ sinh có ghi yêu cầu, nhắc nhở rất rõ, rất cụ thể trên tường là phải giữ vệ sinh chung; vui lòng hãy bỏ rác vào thùng, ấy vậy mà, sau khi cô tạp vụ dọn xong mươi phút bước ra rồi quay lại đã thấy rác vương vãi khắp sàn nhà vệ sinh, rồi có người đi vệ sinh xong không dội nước... Bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải mỗi ngày, công việc nặng nhọc, đồng lương ít ỏi, làm sao cô nhân viên ấy không áp lực, không nhăn nhó hay to tiếng cho được?

Mà nói gì đến bệnh viện, ngay cả nhà vệ sinh ở các cơ quan, trường học cũng còn khá nhiều người thiếu ý thức khi sử dụng nhà vệ sinh chung. Tình trạng giẫm đạp lên bệ cầu, đi vệ sinh không dội nước, vứt rác bừa bãi khá phổ biến.

Những chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày vậy thôi nhưng là nỗi ám ảnh và bức xúc của rất nhiều người. Bởi nhà vệ sinh là nơi rất cần được giữ vệ sinh, vì nơi đây có rất nhiều vi khuẩn, mầm bệnh dễ phát sinh, nếu không giữ vệ sinh sạch sẽ.

Giữ vệ sinh chung, chuyện tưởng nhỏ nhưng không nhỏ, đó là một trong những hành vi ứng xử văn hóa.

Nhưng để thực thi và biến thành một thói quen hàng ngày là điều không dễ. Nó đòi hỏi mỗi cá nhân trong một tập thể phải quyết tâm thực hiện và duy trì thực hiện hàng ngày, hàng tuần, vừa giúp giữ gìn sạch sẽ, vừa tăng cường ý thức cá nhân của mỗi người và cũng làm tăng hiệu quả công việc, giúp mọi người duy trì sức khỏe tốt.

Sông Côn

Chuyên mục khác