Giữ mảnh hồn làng

16/02/2020 13:04

“Không cần biết đói hay no, sung túc hay nghèo khổ, cứ nhìn thấy nhà rông cao, to sừng sững giữa làng là vui trong lòng rồi. Từ xa xưa, nhà rông đã gắn bó trong đời sống tinh thần, như một phần máu thịt; bởi vậy, dù cuộc sống hiện đại có bộn bề công việc, bà con trong làng vẫn quyết giữ lấy nếp làng, giữ lấy mái nhà rông bằng tranh với những thân cột gỗ như bao đời trước” - chỉ về phía nhà rông, già Kring Hồng, người cao tuổi làng Đăk Hú, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi nói với giọng đầy tự hào.

1. Được dựng lên từ thuở lập làng, nhà rông là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của bà con ở làng Đăk Hú, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi. Từ bao đời nay, dưới nắng, gió, nhà rông cùng bà con trải qua những thăng trầm, chứng kiến sự phát triển, ấm no từng ngày của dân làng.

Cứ gặt xong, bà con lại phấn khởi đến nhà rông, gởi những chén cơm mới, báo với Yàng kết thúc một vụ mùa. Và cũng dưới mái nhà rông, họ nhờ Yàng mang lại mưa thuận, gió hòa, để mùa màng được bội thu, cuộc sống được ấm no, hạnh phúc.

Đâu chỉ có lễ hội mừng lúa mới, nhà rông còn là địa điểm để tổ chức tất cả những ngày hội làng. Bên cây nêu, dưới lá cờ Tổ quốc bay phấp phới, trong trang phục truyền thống, bà con Giẻ - Triêng hòa mình vào những điệu xoang trong tiếng cồng chiêng ngân vang; cùng trao nhau những cang rượu cần nồng ấm. Rồi những cuộc họp nhỏ cho đến lớn, hay cả những lần phạt vạ cũng được người dân đưa đến nhà rông để tổ chức.

Chẳng thở than phiền hà, nhà rông cứ thế là điểm đến, che nắng, che mưa, hòa theo những nhịp sống văn hóa của bà con. Và, dưới mái nhà rông che bóng mát, dân làng đoàn kết, cùng nhau giữ gìn những nét văn hóa truyền thống tự bao đời.

Dân làng Đăk Hú xem nhà rông như một phần máu thịt. Bởi thế, khi làm nhà rông, không chỉ tỉ mẩn từ việc chọn tranh tre, khắc họa những nét hoa văn, chọn cặp sừng trâu to để treo trong nhà rông…, bà con còn lựa chọn những gì tinh túy nhất, đẹp nhất, đậm chất truyền thống của dân tộc để bày biện. Từ chiếc gùi với những hoa văn sắc sảo, những chiếc trống, những bộ cồng chiêng quý giá, những tấm giấy khen của làng, những bức ảnh tập thể làng… đều được trân trọng đặt tại nhà rông. Bởi thế, nhà rông như bảo tàng thu nhỏ, lưu giữ những khoảnh khắc, những nét đẹp văn hóa của bà con dân làng.

Đứng sừng sững giữa trời, trước cái nắng gắt, trước những trận mưa bão, bao phen nhà rông cũng “lăn đùng ra ốm”. Mái tranh dột nát, cây gỗ không còn nguyên vẹn. “Năm 2016, nhà rông bị hư hỏng, bà con lo trong bụng lắm, ăn không ngon, ngủ không yên đâu. Dù bận rộn tới đâu, cả làng cũng hợp sức, sửa lại nhà rông cho đàng hoàng” - nhấp ngụm nước trà, già làng Xiêng Lăng Nghiêm nhớ lại.

Trong những cuộc họp làng, việc sửa nhà rông luôn được nhấn mạnh và nhận được sự quan tâm của mọi người. Không thể chần chừ, cả làng bàn bạc, thống nhất ý kiến, phân công công việc để tu sửa.

Các sự kiện quan trọng, lễ hội, các cuộc họp làng...đều được bà con làng Đăk Hú tổ chức tại nhà rông. Ảnh: HT 

 

Công việc được vạch ra, mỗi người một tay, ai nấy đều tất bật lên tận những cánh rừng xa xôi để tìm, hái lá tranh làm mái; chặt tre để đan lạt, làm phên… “Cỏ tranh ngày càng hiếm nhưng bà con mình vẫn quyết làm mái nhà rông bằng tranh chứ không làm mái nhà rông bằng tôn. Làm mái tôn, cột bê tông sẽ nhanh hơn nhưng nhìn nhà rông trơ lắm, mất đi hồn làng”- già Nghiêm bộc bạch.

Với sự đoàn kết, đồng lòng, mất tầm chục ngày, ngôi nhà rông được sửa sang đẹp đẽ, như ý của bà con dân làng. Lửa lại bập bùng, cồng chiêng lại ngân vang, dưới mái nhà rông, trong điệu xoang nhịp nhàng, bà con, từ già, trẻ, gái trai, ai nấy đều tự hào, nguyện chung sức chung tay giữ gìn mái nhà rông truyền thống.

2. Từ bao đời nay, bà con tại các làng trên địa bàn xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy vẫn luôn xem nhà rông là linh hồn của làng, là nơi khí thiêng của đất trời tụ lại để bảo vệ cho dân làng. “Đã có làng là phải có nhà rông” - già làng A Reo (thôn 10) bảo vậy. Già nói, làng không có nhà rông chẳng khác nào nhà không có bếp. Nhà rông là sức sống, là cội nguồn, là chốn linh thiêng để các vị thần về trú ngụ, là nơi trung gian kết nối giữa người và Yàng, bởi vậy, dù làm việc gì của làng, từ việc nhỏ đến việc lớn, bà con đều tổ chức tại nhà rông. Và dù đường sá hiện đại, xe cộ bon bon chở xi măng, cốt thép vào tận nơi, bà con vẫn một mực giữ gìn mái nhà bằng tranh, bằng gỗ như sự kết nối của con người với thiên nhiên. 

Không như già làng A Réo, thôn trưởng A Vá chưa được 30 mùa rẫy. Cũng như bao người cùng trang lứa, từ ngày sinh ra, A Vá đã nhìn thấy mái nhà rông cao, to, sừng sững. Qua lời kể của người già, qua những mùa Tết làng, qua những hoạt động cộng đồng của thôn, làng được tổ chức dưới mái nhà rông, A Vá hiểu được rằng, nhà rông hùng vĩ vươn lên bầu trời là biểu hiện sức mạnh của cộng đồng làng; là nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống của bà con.

Bởi thế, ở những ngôi làng tại Đăk Kôi, đâu chỉ có người già, những người trẻ như thôn trưởng A Vá cũng nặng lòng với nhà rông truyền thống. Và ai nấy đều chung tay, chung sức bảo tồn, giữ gìn mái nhà rông như chính ngôi nhà của mình.

Đã bao phen nhà rông hư hỏng do thời tiết, do khí hậu, người dân vẫn một lòng giữ lại mái nhà rông truyền thống. Như mới đây, khi mái nhà rông thôn 7 bị dột nát, hư hỏng, bà con trong làng bàn nhau tạm gác công việc đồng áng, cùng nhau đi hái tranh, chặt tre về để sửa sang nhà rông.

“Mọi lễ hội, các hoạt động như chào cờ, họp làng… chúng tôi đều tổ chức tại nhà rông. Chúng tôi trồng hoa, trồng cây xung quanh nhà rông; hàng tuần bà con đều tổ chức quét dọn, nhặt rác để giữ gìn nhà rông sạch sẽ” - chị Y Thai - thôn trưởng thôn 7 bộc bạch.

Trưa, những ngôi nhà rông vươn thẳng lên bầu trời, đón nắng xuân vàng lộng lẫy. Trong nhà rông, người dân bảo ban nhau xây dựng mối đại đoàn kết; cùng bàn kế làm ăn, cùng giữ gìn những nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc…      

Hoài Tiến

Chuyên mục khác