Giữ “lửa” cho trang phục truyền thống

17/02/2021 06:04

Gắn bó với nghề báo, tôi thường xuyên đến các thôn, làng để trải nghiệm đời sống, văn hóa của đồng bào các DTTS. Trong những chuyến đi ấy, tôi rất ấn tượng với hình ảnh các em học sinh xúng xính trong trang phục của dân tộc mình tung tăng đến trường. Và trường học cũng thân thiện hơn, đẹp hơn với sắc màu thổ cẩm.

Giờ ra chơi, khuôn viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Kon Plông nhộn nhịp hẳn lên. Giữa những hàng cây xanh rực rỡ sắc màu thổ cẩm. Để tôi ngắm một lúc lâu, Phó Hiệu trưởng Đinh Su Giang mới vui vẻ chia sẻ: Các em học sinh yêu trang phục truyền thống lắm! Nhà trường chỉ quy định mặc sắc phục dân tộc vào thứ 2 và thứ 6 hàng tuần, nhưng nhiều em vẫn mặc đến trường mỗi ngày.

Theo thầy Đinh Su Giang, nhà trường luôn coi trọng việc giáo dục cho các em về nét đẹp văn hóa, biết bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Việc quy định mặc trang phục dân tộc là một trong những hoạt động cụ thể hóa chủ trương ấy, được nhà trường duy trì từ nhiều năm nay, qua đó, các em hiểu được ý nghĩa của từng bộ trang phục, thêm yêu, thêm tự hào trang phục truyền thống của dân tộc mình, tạo động lực để phấn đấu học tập, rèn luyện tốt; đồng thời, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. 

Các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Kon Plông trong trang phục truyền thống. Ảnh: TT 

 

Để giáo dục học sinh ý thức gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, trang phục truyền thống của từng dân tộc nói riêng, Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Kon Plông chỉ đạo các thầy, cô giáo lồng ghép nội dung này vào từng môn học, qua các bài giảng trên lớp, hoặc qua sự nhắc nhở, động viên trực tiếp. Được tiếp thu những kiến thức giảng dạy của nhà trường về văn hóa truyền thống dân tộc, em Y Hương, học sinh lớp 9, Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Kon Plông tâm sự: Trong môn Mỹ thuật, thầy, cô giáo giúp em biết được những những màu sắc chủ đạo, những họa tiết, hoa văn được dệt trên váy, áo của dân tộc Xơ Đăng mình. Ở môn Ngữ văn, em hiểu được ý nghĩa và vẻ đẹp trang phục truyền thống của dân tộc qua từng lời văn, ý thơ dưới góc nhìn của mỗi tác giả. Trong môn Âm nhạc, em được học các giai điệu cồng chiêng, các điệu nhảy trong lễ hội, khi mọi người quây quần bên nhau trong những bộ trang phục truyền thống… Qua từng môn học, em cảm thấy thêm yêu quý và tự hào hơn về văn hóa của dân tộc mình nói chung và trang phục truyền thống nói riêng.

Không chỉ dừng lại ở các giờ học chính khóa, nhà trường còn triển khai nhiều hoạt động ngoại khóa, xây dựng các mô hình trực quan sinh động giúp các em nâng cao nhận thức về văn hóa truyền thống. Trong tháng 10/2020, thầy và trò nhà trường đã xây dựng một không gian văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện trong khuôn viên của trường. Thầy Đinh Su Giang giới thiệu: Đây là nơi chúng tôi trưng bày nét văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn huyện. Ngoài những mô hình về  nhà rông, đàn đá, cây nêu, tượng gỗ, còn có trang phục truyền thống của người Xơ Đăng, Hrê. Không gian này nhắc các em học sinh luôn nhớ về cội nguồn của mình; đồng thời, đây cũng là niềm tự hào của học sinh và giáo viên nhà trường.

Cùng với việc xây dựng không gian văn hóa, hàng tuần, nhà trường tổ chức cho 2 lớp đi tham quan các làng đồng bào DTTS trên địa bàn để tìm hiểu, khám phá văn hóa truyền thống các dân tộc. Khi tham quan, các em đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc tộc mình.

Vui khi học sinh nâng cao ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, trang phục truyền thống nói riêng, nhưng thầy Đinh Su Giang cũng chia sẻ: Việc gìn giữ và bảo tồn các trang phục truyền thống của đồng bào DTTS tại các trường học trên địa bàn huyện vẫn còn những khó khăn nhất định. Đặc biệt là hiện nay, trên địa bàn huyện đang dần mai một các làng nghề, các nghệ nhân may, dệt thổ cẩm. Đây là một trong những yếu tố quan trọng, tác động trực tiếp đến việc bảo tồn, lưu giữ trang phục truyền thống các dân tộc. Do vậy, rất cần được sự quan tâm của các cấp, các ngành hữu quan.

Tạm biệt Măng Đen “lắm mưa, nhiều gió”, tôi trở về phố thị Kon Tum ghé thăm Trường Tiểu học Đặng Trần Côn ở xã Ngọc Bay- ngôi trường có gần 100% học sinh  dân tộc Ba Na.

Dẫn tôi đi tham quan trường, thầy Đặng Ngọc Hiếu- Tổng phụ trách Đội cho biết: Theo sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu nhà trường, chúng tôi luôn cố gắng để đưa các em gần hơn những giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là trang phục truyền thống của dân tộc mình. Trong đó, hàng tuần, vào thứ 2 và thứ 5, chúng tôi duy trì cho các em mặc trang phục truyền thống đi học. Tại các góc đọc sách của nhà trường, chúng tôi trang trí, vẽ các bức tranh về trang phục truyền thống, tạo cho các em sự yêu thích, tự hào về trang phục của dân tộc mình.

Cùng với việc quan tâm giảng dạy những kiến thức về các trang phục truyền thống của đồng bào Ba Na cho học sinh, nhà trường còn thành lập các đội cồng chiêng ở các khối lớp. Vào định kỳ hàng tháng, nhà trường tổ chức cho học sinh mặc trang phục truyền thống, múa xoang, đánh cồng chiêng dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân, già làng.

Khác với Trường Tiểu học Đặng Trần Côn, Trường Phổ thông DTNT tỉnh là nơi học tập của học sinh đến từ nhiều địa phương trong tỉnh, với nhiều thành phần dân tộc khác nhau. Thầy Lưu Thế Vinh - Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Hiện tại có 464 học sinh thuộc 15 dân tộc đang học tập và sinh hoạt tại trường. Vào những dịp lễ, chúng tôi tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ với nhiều hoạt động thú vị như Liên hoan ẩm thực các dân tộc; biểu diễn múa, hát truyền thống; thiết kế mô hình… thu hút rất đông học sinh tham gia. Trong các hoạt động này, các em sẽ mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, cùng nhau trải nghiệm những sắc màu văn hóa. Qua đó, trang phục truyền thống trở nên gần gũi, là tình yêu, niềm tự hào của các em.

Em Bùi Thúy Quỳnh (dân tộc Mường, học sinh lớp 12, Trường Phổ thông DTNT tỉnh) hào hứng:  Em rất thích mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Mang trên mình bộ trang phục truyền thống, chúng em thêm trân trọng văn hóa truyền thống, tự hứa sẽ nỗ lực học tập tốt để sau này đóng góp công sức xây dựng quê hương giàu đẹp. Thông qua các hoạt động của nhà trường, chúng em được giao lưu, tìm hiểu về  trang phục truyền thống của các dân tộc anh em khác.

Bà Đinh Thị Lan - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Thời gian qua, chúng tôi luôn chú trọng việc bảo tồn và lưu giữ các trang phục truyền thống của đồng bào DTTS tại hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh. Qua những phương pháp hay, cách làm sáng tạo, các trường học đã tạo môi trường để các học sinh người DTTS có điều kiện nắm bắt, hiểu biết hơn về những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, trong đó có nét đẹp về trang phục… Nhờ vậy, các em biết trân trọng, kế thừa và nuôi dưỡng tình yêu đối với những giá trị truyền thống, tinh hoa của dân tộc./.

TẤT THÀNH

Chuyên mục khác