Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình

28/06/2019 06:11

Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Từ đó đến nay, trải qua 18 năm, Ngày Gia đình Việt Nam đã dần trở thành một khái niệm gần gũi với nhiều người dân. Kết quả này là nhờ sự nỗ lực không ngừng của các ngành chức năng qua việc dày công sắp xếp tổ chức các hoạt động, nỗ lực tuyên truyền, vận động, nhắc nhở mỗi người hướng về gia đình, cùng có những suy nghĩ, việc làm thiết thực để bảo vệ, nâng niu mái ấm gia đình.

Nếu như nhân cách con người được hình thành gồm hai mặt đức và tài, thì gia đình chính là nơi nuôi dưỡng đạo đức và gieo mầm trí tuệ. Trong cuộc sống thời kỳ công nghiệp hóa, các gia đình Việt Nam có nhiều cơ hội để tiếp cận tri thức, các giá trị tốt đẹp của các dân tộc, các nền văn hóa khác nhau cũng như kỹ năng tổ chức cuộc sống trong xã hội hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của mỗi gia đình không ngừng được cải thiện. Bên cạnh đó, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao, bình đẳng giới và quyền trẻ em được pháp luật thừa nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, cuộc sống hiện đại cũng tác động không nhỏ đến mỗi gia đình Việt Nam trong bối cảnh chuyển hóa từ gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại, với quy mô gia đình hạt nhân hai thế hệ là chủ yếu. Sự chuyển đổi đó đã tạo nên những mâu thuẫn, thách thức đối với mỗi gia đình về bảo tồn các giá trị, đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục truyền thống với việc tiếp thu những yếu tố mới của xã hội hiện đại.

Có thể nói, hai tiếng “gia đình” tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng bao điều thiêng liêng và ý nghĩa. Bởi vậy, Ngày Gia đình Việt Nam là ngày lễ tôn vinh mái ấm gia đình Việt Nam, là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không còn bố mẹ; là dịp các cặp vợ chồng cùng nhìn lại để hiểu và trân trọng giá trị tổ ấm, cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc; để mỗi cá nhân và cả cộng đồng chung tay đấu tranh phòng chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, trên cơ sở thực thi pháp luật gắn với bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc...

Các gia đình tham gia phần thi Bữa cơm gia đình nhân ngày Gia đình Việt Nam. Ảnh: QĐ

 

Ông Trương Xuân Nhật - Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hoá và gia đình (Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch) cho biết: Ngày Gia đình năm nay có chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”. Theo đó, các cấp chính quyền và các cơ quan, đơn vị có liên quan cần tổ chức tuyên truyền chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam năm 2019 thông qua các hình thức mít tinh, hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên đề, tập huấn, tuyên truyền cổ động trực quan, chủ động tổ chức các hoạt động, nội dung tuyên truyền phù hợp với đặc thù của địa phương. Các cơ quan truyền thông đại chúng ưu tiên thời lượng, tin bài và các chương trình truyền hình tuyên truyền về chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam năm 2019, ý nghĩa của văn hóa ứng xử trong gia đình để xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, bền vững.

Cùng với đó, một nội dung quan trọng khác của công tác gia đình năm 2019 là hoạt động phòng chống bạo lực gia đình. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên nguồn lực triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về phòng chống bạo lực gia đình; đôn đốc chính quyền các cấp tổ chức thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng chống bạo lực gia đình; chỉ đạo cơ quan có chức năng thực hiện bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng can thiệp, hỗ trợ về phòng chống bạo lực gia đình cho đội ngũ cán bộ làm công tác này; quan tâm phổ biến luật pháp, chính sách về phòng chống bạo lực gia đình lồng ghép trong nội dung sinh hoạt của thôn, làng, tổ dân phố, cụm dân cư; tăng cường công tác kiểm tra tình hình thực thi nhiệm vụ phòng chống bạo lực gia đình tại các cơ quan, tổ chức và UBND cấp dưới trong phạm vi quản lý.

Chủ đề truyền thông và Tháng hành động Quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình năm 2019 là “Phòng chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội”. Nội dung hướng tới chỉ tiêu mỗi tỉnh, thành có trên 95% hộ gia đình được tiếp cận thông tin về phòng chống bạo lực gia đình. CC

Cao Cường

 

Chuyên mục khác