24/11/2017 18:08
Những câu chuyện buồn
Như các anh chị em khác trong Đội, phần lớn thời gian trong ngày làm việc của chị là trên đường, như chị nói vui “trực tiếp quản lý, bảo đảm vệ sinh môi trường trên 2 tuyến đường ông ạ. Oách nhé”.
Và cũng từ những ngày “ôm chổi, bám đường” ấy mà chị đã nghe, đã thấy không ít câu chuyện buồn xung quanh chủ đề bảo vệ môi trường đô thị, mà theo chị, những câu chuyện ấy phản ánh rõ phần nào ý thức của không ít người về môi trường còn hạn chế.
Đấy, như sáng nay, mới mở mắt ra, đã nghe tiếng cãi nhau của 2 chị hàng xóm. Mà chuyện cũng chỉ xoay quanh việc nhà nọ để rác trước cửa nhà kia, rồi chó mèo bới tung tóe, thế là lời qua tiếng lại. Trong khi điểm tập kết rác ở ngoài đường lớn, cách có mấy bước chân, người ta đã để sẵn xe rác ở đấy, thế nhưng không ai chịu đi, vẫn để rác ra ngõ và cãi nhau. Mà cái sự cãi nhau này mệt hơn nhiều so với việc xách rác đi thêm mấy bước, vứt vào đúng nơi quy định ấy chứ- chị kể.
Có mấy nhà đi chung một con ngõ hẹp, nhưng vấn đề vứt rác thì chưa bao giờ chấm dứt, nói gì đến những nơi công cộng? Tuyến đường chị phụ trách có một trường Tiểu học, tối nào đi làm cũng lại thấy đủ thứ rác trước cổng, nào là vỏ hộp sữa, vỏ bánh mì, túi nilon, giấy ăn, thức ăn thừa rơi vãi khắp dọc đường vào trường.
Bên cạnh đó, các cửa hàng ăn dọc hai bên đường cũng xả rác nhiều không kém. Hết khách, khi quét dọn cho sạch sẽ, vài ba chủ quán còn dồn rác vào túi nilon rồi để ra mép vỉa hè, nhưng không ít quán thì quét luôn rác xuống lòng đường, vun vào gốc cây, cột điện gì đó cho nhanh. Vậy là các mép hè, lòng đường từ sáng đã bất đắc dĩ trở thành nơi tập kết rác.
Buổi chiều, các quán nước được người bán cố tình bày sát mép vỉa hè để tiện phục vụ người dân. Rồi thì cốc nhựa, ống hút, kèm theo bã mía sẽ bị người mua lẫn người bán ném thẳng xuống lòng, lề đường.
Nhưng buồn nhất lại là những câu nói kiểu vô tình nhưng đau lòng ông ạ- chị tâm sự- Có những buổi, 9-10 giờ đêm, đẩy xe rác ngập đầu trên đường, bỗng vèo, một bì rác vứt ngay trước đầu xe, vỏ ốc văng tung tóe, còn người vứt rác đứng xoa tay trước cửa. Tôi cự nự: Sao chị không đem ra xe rác bỏ cho gọn, chị ta càu nhàu: Tôi đã đóng phí vệ sinh môi trường đầy đủ, muốn ném rác ở đâu mà chẳng được.
Ở một quán bán hàng ăn đêm khác, khi tôi tỏ ý nhờ chủ quán nhắc nhở khách, sau khi ăn uống, đừng vứt rác bừa bãi thì họ đáp trả lại: Chúng tôi không xả rác thì lấy việc đâu các cô làm?
Nghe mà buồn lòng.
Cần nhân rộng những việc làm hay
Đem những câu chuyện buồn ấy kể cho anh Nguyễn Đình Chương- Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Kon Tum nghe, anh trầm ngâm: Chuyện kiểu như vậy có kể cả ngày cũng không hết, nhưng điều an ủi, nguồn động viên lớn nhất đối với anh chị em công nhân môi trường là có rất nhiều người chia sẻ, cảm thông với công việc của họ. Nhiều cá nhân, tổ chức đã chung tay bảo vệ môi trường bằng những hành động đơn giản nhưng có sự lan tỏa lớn đến cộng đồng.
Và đó là những “đốm lửa”, cần được “góp gió” để lan nhanh, lan rộng và để mọi người thấy được rằng, bảo vệ môi trường đô thị không khó, ai cũng có thể làm được, cốt lõi là mình có nghĩ đến hay không mà thôi.
Có lần tôi chứng kiến chuyện này- anh kể- một nhóm thanh niên ngồi uống nước bên bờ kè sông Đăk Bla, có cả các cháu nhỏ. Một người đưa cho mấy cháu ít bánh kẹo, ăn xong, trong khi các cháu khác vứt giấy gói xuống ngay chỗ ngồi, thì còn một cháu vẫn cầm giấy gói, có người nhắc: Con ăn xong kẹo rồi thì vứt giấy đi thôi. Cháu nhỏ nói “Con phải đi tìm thùng rác đã”. Tôi cảm nhận rất rõ sự bất ngờ xen nét xấu hổ trên gương mặt của những người lớn ngồi đó.
Và, đúng như tôi dự đoán, sau đó, những cháu nhỏ khác, với sự hướng dẫn của người lớn, đã gom giấy gói kẹo bánh lại để đem đến thùng rác, cách đó khoảng 50 m. Cho nên, một việc làm cụ thể sẽ tốt hơn hô hào suông nhiều lắm.
|
Hay là chuyện ông Trần Thất và người dân tổ dân phố 4, phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum) vận động nhau dọn dẹp bãi rác tự phát ở khu vực ngã tư Nguyễn Huy Lung- Cao Bá Quát. Đây là bãi rác tự phát, rác được vứt xuống bất kể sáng trưa chiều tối, mặc dù bãi tập kết rác của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Kon Tum chỉ cách đó chưa đầy 50m.
Do rác vứt xuống không giờ giấc, thời tiết mưa nắng thất thường nên bốc mùi hôi thối, sinh ra ruồi nhặng, chó mèo tha đi lung tung, ô nhiễm môi trường vô cùng. Không thể để tình trạng này kéo dài mãi, ông Trần Thất đã vận động bà con tự tiến hành thu gom rác, chuyển đến điểm tập kết, vì ông nghĩ, muốn giữ gìn vệ sinh môi trường nơi mình ở, trước hết, chính mỗi người cần phải góp công, góp sức, không nên ỷ lại vào công nhân môi trường.
Để kết thúc bài viết, tôi xin dẫn một câu chuyện nhỏ ở ngay con hẻm nhà mình. Trước đây, trong hẻm, ngoài đường, lúc nào cũng có những bì nilon đựng rác ném lăn lóc, dù đầu hẻm (trên Quốc lộ 24) có đặt 2 thùng rác, việc thu gom rác được công nhân vệ sinh môi trường thực hiện hàng ngày.
Nhưng mọi việc thay đổi kể từ khi bà Sáu dọn về ở với con gái. Sáng sáng, chiều chiều, tôi hay gặp bà quét và nhặt rác. Ban đầu, bà quét dọn khu vực trước nhà con gái, dần dần bà quét luôn cho...hàng xóm. Ít ngày sau, đã thấy bà bắt đầu đi gom tất cả các bì rác vứt lăn lóc bên đường bỏ vào thùng rác. Đôi khi, bà dẫn cả mấy đứa cháu nhỏ ra làm cùng...
Những việc làm lặng lẽ của bà Sáu đã có tác dụng thấy rõ với con hẻm này. Những bì rác vứt lăn lóc đã giảm hẳn (nếu có cũng chỉ là lén lút); vệ sinh môi trường được cải thiện rõ, không còn ruồi nhặng, hôi hám. Rác thải sinh hoạt được đem ra thùng rác vứt rất đúng giờ. Mấy cháu nhỏ trong xóm giúp bà Sáu tích cực hơn cả. Chiều đi học về là hò nhau ra quét đường với bà Sáu...
Và đến bây giờ, có thể nói rằng, chính “câu chuyện rất nhỏ” ấy đã làm thay đổi môi trường của con hẻm.
Thành Hưng