Giữ gìn bản sắc đô thị Măng Đen

01/11/2019 13:08

Cần có những tính toán khoa học với cái nhìn tổng thể trong quy hoạch phát triển đô thị Măng Đen; đừng bao giờ để đô thị Măng Đen đánh mất bản sắc như một số nơi trong hành trình phát triển, khi ngoảnh lại phục dựng thì đã quá muộn màng!

Ngày 5/2/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 298/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông, huyện Kon Plông đến năm 2030. Đây cũng là vùng bảo tồn sinh thái, rừng quốc gia, nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Vì vậy, trong quá trình chuyển dịch công năng, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng cho đô thị và các dự án để phát triển sản xuất, du lịch, thương mại… phải xử lý hài hòa các mâu thuẫn, không tạo nghịch lý giữa bảo tồn và phát triển để không đánh mất bản sắc của Măng Đen là nhiệm vụ của các cấp chính quyền và ngành chức năng tỉnh Kon Tum, mà trước hết thuộc về trách nhiệm của chính quyền huyện Kon Plông.

Theo tiến sĩ Nguyễn Chí Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu rừng và đất ngập nước thuộc Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Nam bộ, thế mạnh của Măng Đen là nét thiên nhiên hoang sơ và đây là tài sản đắt giá nhất của Kon Plông. Bức tranh thiên nhiên của Kon Plông ngoài màu xanh thẳm của các hệ sinh thái rừng, còn có hệ sinh thái đất ngập nước có giá trị cao về mỹ quan và kinh tế, như thác Pa Sỹ, thác Đăk Ke, hồ Ly Leng, hồ Zin, hồ Toong Đam… cùng nhiều di tích lịch sử cách mạng, lễ hội, làng văn hóa, sẽ tạo ra sức hấp dẫn tổng thể để cuốn hút du khách đến với điểm du lịch Măng Đen.

Hồ Đăk Ke - một địa điểm thu hút khách du lịch tại Măng Đen. Ảnh: Thế Binh

 

Nói một cách ví von, chúng ta có thể xem đô thị Kon Plông là đô thị trong rừng. Bởi, với điều kiện tự nhiên hiện có, thảm rừng che phủ đã như một “công trình kiến trúc tự nhiên” vô cùng hoàn hảo của tạo hóa tạo nên nét đặc trưng của Kon Plông mà hiếm đô thị nào có được. Rừng Kon Plông không những có cảnh quan ngoạn mục, lại nằm trong khu vực chuyển tiếp của khí hậu miền núi và đồng bằng nên tạo ra một dạng khí hậu độc đáo.

Ở đây, cùng với địa hình có sông suối bao bọc làm cho khu rừng già vừa được giữ nguyên vẹn, vừa trở thành nơi qui tụ hầu hết các động vật hoang dã đặc trưng vùng Tây Nguyên. Bức tranh thiên nhiên của Kon Plông ngoài màu xanh thẳm của các hệ sinh thái rừng, còn có hệ sinh thái đất ngập nước của các hồ và các lòng hồ thủy điện có giá trị cao về mỹ quan và kinh tế.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững (STDe) cho rằng, có hai nhóm nhu cầu chủ yếu mà du khách luôn hướng tới khi thực hiện hành trình tham quan du lịch của mình. Thứ nhất, họ muốn khám phá những gì thuộc về tương lai. Thứ hai, họ muốn tìm hiểu những điều thuộc về quá khứ. Trong hai loại nhu cầu này, Măng Đen sẽ đáp ứng được nhóm nhu cầu thứ hai - nhu cầu du lịch tìm về quá khứ. Đơn giản vì quá khứ là thứ họ không hề biết tường tận, nên thôi thúc họ khám phá và tìm hiểu các không gian đó thông qua các chuyến đi du lịch.

Vì vậy, trong bối cảnh đô thị hóa và toàn cầu hóa hiện nay, với xu hướng nhu cầu du lịch sinh thái đang ngày một phát triển mạnh mẽ, thì điều mà đô thị Kon Plông cần hướng tới trong quá trình phát triển là một đô thị xanh, một vùng nghỉ dưỡng, chữa bệnh, tham quan, giải trí… đúng với ý nghĩa đích thực của khu đô thị du lịch sinh thái và còn gìn giữ biểu tượng sống động của lịch sử, mỗi một vùng đất là một phần, mảng không thể thiếu trong dòng chảy ký ức dân tộc. Dòng ký ức đó có quãng buồn, quãng vui, có vinh quang và cũng lắm gian lao…

Sẽ không hề ngoa khi cho rằng, mỗi rừng cây, mỗi triền núi, từng tảng đá, từng hồ, từng suối, mỗi gốc cây cổ thụ hay chỉ là rặng cỏ lau ven triền suối… đều ẩn chứa trong mình những ký ức, những dấu ấn của năm tháng đi qua đã gắn với những câu chuyện kể về chặng đường gian lao, anh dũng mà các dân tộc Kon Plông trong quá trình đấu tranh sinh tồn và giữ đất.

Mai anh đào nở rộ ở Măng Đen. Ảnh: Ban Nguyễn

 

Như cách nhìn của chàng trai Su Giang người sinh ra và lớn lên ở Măng Đen, thì Măng Đen như một cô gái dễ cảm xúc. Một thay đổi bất kỳ về thời tiết dù ở miền Bắc hay miền Trung hoặc ngoài biển Đông thì Măng Đen cũng thay đổi theo…

Tôi có một anh bạn - người am hiểu, gắn bó với vùng đất này có lần đã ví von, khí hậu Măng Đen “nhạy như một phím dương cầm”, chỉ một chiếc lá rơi cũng thốt lên một thanh âm mới lạ, réo rắt làm xao xuyến lòng người.

Với câu chuyện xây dựng đô thị Kon Plông, các chuyên gia đều cho rằng các nhà hoạch định chính sách, các kiến trúc sư cần có kiến thức và tâm hồn, vừa có tầm nhìn quy hoạch vừa có bản lĩnh để xây dựng không gian đô thị Kon Plông đậm chất rừng, giữ cho được những nét hoang sơ của Măng Đen. Chính nét hoang sơ sẽ mang lại giá trị kinh tế cao nhất, lâu bền nhất và hấp dẫn nhất của vùng này. Một khi tìm được giá trị đặc thù của hệ sinh thái Măng Đen và xây dựng một không gian đô thị xanh phù hợp, cũng chính là nâng cao thương hiệu của du lịch Măng Đen.

Chính vì vậy, trong quá trình phát triển ấy, chúng ta làm sao phải giữ cho diện mạo đô thị Kon Plông luôn khắc họa các nét riêng in đậm dấu ấn thời gian cùng hòa điệu với hình ảnh sinh động của hiện tại. Những kết cấu, bố cục và phong cách kiến trúc của đô thị Kon Plông phải theo địa hình, cảnh quan và bắt đầu từ phố chợ, từ góc rừng đến bến nước bên hồ, bên suối... Đặc biệt tầng lớp thị dân hình thành, phát triển trong tương lai phải song hành cùng nông dân, nông thôn vùng Măng Đen. Nếu có sự can thiệp thô bạo vào đất đai, vào cảnh quan rừng sẽ làm mất đi bản sắc nguyên sơ, hoang dã của Măng Đen. Thiết nghĩ, đó là nhiệm vụ các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các chuyên gia trên các lĩnh vực cần có những tính toán khoa học với cái nhìn tổng thể trong quy hoạch phát triển đô thị Măng Đen; đừng bao giờ để đô thị Măng Đen đánh mất bản sắc như một số nơi trong hành trình phát triển, khi ngoảnh lại phục dựng thì đã quá muộn màng!

Dương Lê

Chuyên mục khác