Giọt mồ hôi đêm rằm

26/09/2018 06:59

​9h đêm. Tôi mệt nhoài trở về nhà trong rộn rã tiếng trống lân. Băng qua từng con phố sâu hun hút, mờ mờ dưới ánh đèn đường, tôi vẫn nghe tiếng chổi đều đặn của những nữ công nhân môi trường đô thị. Họ đang cần mẫn làm nhiệm vụ của mình, để ngày mai, thành phố đón bình minh trong sạch sẽ, tinh tươm...

Chiều muộn, trời bất ngờ mưa sầm sập khiến nhiều người buồn rười rượi. Mưa thế này thì hết Trung thu rồi còn gì- mấy đứa cháu cứ nhấp nha nhấp nhổm, lo lắng vì kế hoạch rước đèn khá hoành tráng đang đứng trước nguy cơ đổ bể.

Ấy vậy mà khoảng 7h thì mưa ngớt và dần tạnh hẳn, trăng tròn mờ ảo sau màn mây mỏng và hơi nước. Trên các tuyến phố lớn của thành phố Kon Tum như Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Phan Đình Phùng bắt đầu đông người. Gần như cùng lúc, mưa tạnh thì tiếng trống lân vang lên, thúc giục, kêu gọi người lớn, trẻ em ra đường.

Những nữ công nhân môi trường đô thị lặng thầm làm việc trên đường phố

 

Lúc này, trên các tuyến đường, anh chị em công nhân vệ sinh môi trường thành phố cũng bắt đầu căng mình với công việc quét dọn đường phố, thu gom rác thải.

Trên đoạn đường Duy Tân tấp nập người và phương tiện qua lại, 2 nữ công nhân môi trường Nguyễn Thị Chín và Lê Thảo đang cần mẫn làm việc. Tiếng chổi khua xào xạc, tiếng xe rác lộc cộc vang lên trong ánh sáng vàng vọt của đèn đường.

"Vừa mưa xong nên ngoài lượng rác thải sinh hoạt, lá cây mục... cần phải thu gom ra, chúng em còn dọn cả cát sỏi, đất đá bị nước mưa cuốn trôi dưới lòng đường nữa"- vừa hì hụi dồn cát lại thành đống, chị Nguyễn Thị Chín vừa nói.

Lúc này, tôi để ý tấm khẩu trang bịt kín khuôn mặt của 2 chị đã ướt đẫm mồ hồi!

Suốt mấy đêm nay rồi anh ạ, lượng người đổ ra đường vui đón rằm, xem lân đông lắm, nhất là đêm qua (13/8 Âm lịch), các em học sinh tổ chức đi rước đèn thành đoàn. Vui đáo để. Nhưng rác xả ra đường cũng nhiều hơn, nên tụi em phải làm việc cật lực- Lê Thảo cho hay.

Đi làm thế này thì thời gian đâu mà đưa con đi chơi Trung thu- tôi ướm hỏi. Chị Nguyễn Thị Chín cười hiền: Công nhân môi trường đô thị như tụi em làm gì có Trung thu hả anh. Công việc kéo dài hết đêm này qua đêm khác, càng vào ngày lễ, tết, công việc càng nặng. Ở đường này còn đỡ, nếu anh xuống đường Bạch Đằng (bờ kè sông Đăk Bla) hay Trung tâm thương mại thành phố mà xem, từ bao nilon, vỏ chai đến thức ăn thừa…của không ít người vứt lại sau khi sử dụng xong, khiến môi trường xung quanh ngổn ngang, bừa bộn.

Hồi chiều, thấy mẹ chuẩn bị đi làm, con em hỏi: Sao mẹ không ở nhà đưa con đi chơi Trung thu như các bạn? Thương con nhưng cũng phải chịu, nhiệm vụ mà- Nguyễn Thị Chín kể.

Hỏi ra mới biết, chị Chín có con học lớp 1, chị Thảo có con học lớp 2, và cả 2 bé đều phải ở nhà với ông bà vì mẹ phải đi làm trong đêm rằm Trung thu.

Ngay trước khu Trung tâm thương mại (đường Trần Hưng Đạo), mấy chú lân đang biểu diễn, người xem vòng trong vòng ngoài. Một cô công nhân môi trường ngồi bên mép vỉa hè, tay phe phẩy cái khẩu trang ướt rượt. “Bọn em làm từ khi ngớt mưa, giờ phải chờ cho hội múa lân xong, mọi người tản về hết mới thu gom tiếp, vì nếu có gom lại thì lát sau cũng vẫn đầy rác mà thôi anh ơi”- cô công nhân môi trường phân trần với tôi.

Ở mé đường Lê Hồng Phong, 2 công nhân đang cần mẫn gom nhặt từng túi rác. Công việc của họ chỉ kết thúc khi phố phường đã vắng vẻ; vỉa hè, lòng đường sẽ được quét sạch bong.

“Nhiều khi tụi em mới quét xong lại có người ném bịch rác ra đường, thế là phải quét lại. Nếu ai cũng có ý thức góp phần giữ gìn vệ sinh, để rác đúng chỗ thì có lẽ tụi em đỡ vất vả, có thể được về nhà sớm sum họp cùng gia đình, người thân hơn”- cô công nhân trẻ chia sẻ.

Một chị công nhân khác đẩy xe rác đến, tháo mũ, khẩu trang và cũng ngồi ghé xuống bên cạnh. Chị bộc bạch: Đối với công nhân vệ sinh môi trường tụi mình, ngày lễ, ngày tết vẫn ở ngoài đường đã trở thành chuyện thường. Càng ngày lễ, tết càng là cao điểm của công việc, phải tăng ca ngày đêm với khối lượng công việc cao gấp nhiều lần so với ngày thường...

Đôi khi nghĩ cũng tủi thân, nhưng sáng mai dậy, được đi trên những tuyến phố sạch sẽ là thấy được an ủi- hai chị em cùng cười.

Tôi lặng lẽ nhìn khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi của cô công nhân còn khá trẻ và suy nghĩ miên man.

Thực tế cho thấy, lượng rác thải đô thị ngày càng tăng, trong khi đó, một số cá nhân, tổ chức còn thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh nên thường xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi, làm ảnh hưởng mỹ quan và mất vệ sinh môi trường. Vì vậy, nhiệm vụ thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý của đội ngũ công nhân môi trường đô thị luôn nặng nề.

Trong đêm rằm Trung thu năm nay, lần đầu tiên tôi gặp, trò chuyện với chị em công nhân vệ sinh môi trường, được chứng kiến cảnh lao động vất vả của họ. Nhưng lạ một điều, suốt các cuộc trò chuyện, tôi không hề nghe một lời than vãn nào từ họ.

Đêm dần khuya. Tôi trở về nhà, mệt nhoài sau mấy tiếng đồng hồ dạo phố. Nhưng ở từng con phố, tôi vẫn nghe tiếng chổi đều đặn, kiên nhẫn, dẻo dai của những nữ công nhân môi trường đô thị. Họ đang cần mẫn làm nhiệm vụ của mình, để ngày mai, thành phố đón bình minh trong sạch sẽ, tinh tươm...

Thành Hưng

Chuyên mục khác