15/07/2024 15:36
Hơn 7 giờ ngày thứ Bảy, 13/7, Hội trường Ngọc Linh (thành phố Kon Tum) đã đông nghịt người tham gia hiến máu trong Chương trình “Hành trình đỏ - Giọt hồng yêu thương” lần thứ 8. Ai nấy đều vui vẻ, mong chờ được tới lượt mình hiến máu.
Không phải lần đầu tiên đi hiến máu, nhưng chúng tôi đều hồi hộp, nôn nao và mong đợi. Vào hội trường, chúng tôi di chuyển tới bàn số 1 để nhận phiếu đăng ký hiến máu tình nguyện, điền các thông tin cá nhân như tên, tuổi, đơn vị công tác, nơi ở và một số thông tin về tiền sử bệnh, tình hình sức khỏe hiện tại. Rồi tới bước tiếp theo là đo huyết áp, lấy mẫu máu. Khi bác sĩ kết luận sức khỏe tốt, đủ điều kiện hiến máu thì sẽ di chuyển về khu vực hiến máu.
Trong 350 tình nguyện viên tham gia Chương trình, tôi ấn tượng với Sengphachan Souksakhone - sinh viên năm 3, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum đến từ tỉnh Chăm-pa-sắc (Lào) bởi sự nhanh nhẹn, vui vẻ, thân thiện của em.
|
Sengphachan Souksakhone cho hay, được Đoàn trường thông tin về buổi hiến máu này, em đăng ký tham gia ngay, với mong muốn những giọt máu của mình có thể giúp đỡ những người bệnh đang cần máu.
Còn Lê Trung Phương (công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) tham gia buổi hiến máu cùng vợ. Phương bắt đầu hiến máu từ năm 2008, đến nay đã hiến được 35 lần, có năm hiến tới 5-6 lần.
Phương chia sẻ rằng, là thành viên của Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện và Ngân hàng máu sống, nên thường tham gia hiến máu đột xuất, khi có người bệnh cấp cứu cần máu. Phương muốn góp một phần sức nhỏ để mong cứu được người bệnh đang cần máu, và đã động viên vợ cùng tham gia hiến máu cứu người, đến nay vợ Phương đã hiến máu 3 lần.
“Qua đây, em cũng mong các bạn trẻ nói riêng và mọi người có đủ điều kiện hiến máu nói chung, hãy tích cực tham gia hiến máu để cùng lan tỏa thông điệp “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” và thể hiện truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc”- Lê Trung Phương bày tỏ.
Với những cống hiến vì cộng đồng, Lê Trung Phương vinh dự là 1 trong 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc được Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tôn vinh vào năm 2022; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen 30 lần hiến máu vào năm 2023 và 2 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.
|
Cùng 5 đồng nghiệp ở Hạt Kiểm lâm thành phố Kon Tum đi hiến máu lần này, Nguyễn Ngọc Khanh ghi dấu ấn với 17 lần hiến máu tình nguyện. Khanh vui vẻ trao đổi: Em bắt đầu hiến máu cách đây hơn 10 năm. Em thấy việc hiến máu ngoài góp phần làm cho ngân hàng máu sống của tỉnh được đảm bảo để cứu người, thì mỗi lần đi hiến máu là thêm một lần được kiểm tra sức khỏe, bản thân em thấy khỏe hơn.
Chương trình Hành trình đỏ năm 2024 được tổ chức tại 50 tỉnh, thành trong cả nước. Năm nay, là lần thứ 8 tỉnh Kon Tum vinh dự được tổ chức với mục đích đẩy mạnh công tác truyền thông về hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của việc hiến máu cứu người.
Trong những năm qua, UBND tỉnh luôn quan tâm tới công tác hiến máu tình nguyện. Theo đó, đã chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể tích cực hưởng ứng các phong trào hiến máu do Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động. Kết quả đã góp phần rất quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn, lượng máu tiếp nhận được tăng cao trong những năm gần đây.
Năm 2023, đã vận động và tổ chức được 35 đợt hiến máu tình nguyện, tiếp nhận được 6.498 đơn vị máu, đáp ứng nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã tổ chức được hơn 22 đợt hiến máu tình nguyện và nhiều đợt hiến máu đột xuất tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; kết quả tiếp nhận được 3.292 đơn vị máu, đạt 55% chỉ tiêu Kế hoạch của Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện giao năm 2024. Trong Chương trình Hành trình đỏ được tổ chức vào ngày 13/7, 350 tình nguyện viên đã hiến được 273 đơn vị máu.
Để đảm bảo hiến máu tình nguyện ngày càng lan tỏa, phục vụ kịp thời công tác cấp cứu và điều trị trong điều kiện bình thường cũng như vào thời điểm khan hiếm máu và các tình huống khẩn cấp về máu, thiết nghĩ các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp cần đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, giá trị của việc hiến máu cứu người.
Cùng với đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ tuyên truyền viên về chăm sóc, tư vấn trước, trong và sau cho người hiến máu; đảm bảo đầy đủ chế độ cho người hiến máu theo quy định và kịp thời khen thưởng, tôn vinh những đơn vị, cá nhân và gia đình điển hình trong thực hiện vận động và hiến máu tình nguyện.
Dương Nương