“Giỏi việc nước - đảm việc nhà”

20/10/2023 06:10

Tại sao chỉ có phụ nữ mới phải phấn đấu “đảm việc nhà”, trong khi vẫn phải “giỏi việc nước”, còn đàn ông lại không? Phải chăng đã đến lúc đàn ông cũng nên nghĩ đến việc “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Phụ nữ ''nặng gánh'' khi phải ''giỏi việc nước, đảm việc nhà''. Ảnh: HL

 

Tôi nhớ mãi ánh mắt buồn rười rượi và dáng đi tất tưởi của Lan- một phụ nữ bán trái cây ở chợ tạm. Trước đây, Lan ở cùng xóm với tôi, cô bán trái cây bên đường, anh chồng đi làm thợ xây. Sau vì lý do gì đó, vợ chồng cô bán nhà trả nợ, đi thuê nhà ở khu khác.

Thỉnh thoảng, tôi vẫn ghé vào sạp trái cây của Lan bên đường Trần Phú (thành phố Kon Tum) mua “ủng hộ”. Chiều nay cũng vậy. Nhưng vừa đến thì đã được cô “giao việc”.

Cô nói: Anh vừa lựa trái cây vừa trông hàng giúp em. Em chạy ù đi đón con bé, nó tan học khá lâu rồi, không thể để cháu nó đứng chờ mãi ở cổng trường được anh ạ.

Thế chú Tùng đâu? Tôi hỏi.

Ôi giời! Ông Tùng nhà em ấy à? Chiều nào làm xong việc cũng như chiều nào. Không chủ nhà giữ lại uống rượu thì cũng đi nhậu với mấy anh em bạn thợ đến muộn mới về. Mọi việc cứ gọi là đổ hết lên em- cô than, rồi tất tả lên xe chạy đi. Tiếng máy xe to như máy cày.

Tôi sẽ không kết luận rằng, đây là tình trạng phổ biến hiện nay trong đời sống xã hội, nhưng ít nhất, nó đang phổ biến ở những gia đình xung quanh nhà tôi, trong xóm tôi.

Nơi ấy, trong khoảng 30 nóc nhà, đa số phụ nữ vừa phải tham gia công việc xã hội, phải tìm việc làm có thu nhập để góp phần nuôi sống bản thân và gia đình, vừa phải chu toàn việc nhà.

Tôi nhận thấy, sau khi đi làm về, cánh đàn ông trong xóm khá tự do. Có người đi bộ rèn sức khỏe, có người chăm cây cảnh, đa số đi nhậu với bạn, nếu không cũng xem ti vi, chơi điện thoại chờ đến bữa cơm.  

Trong khi đó, chị em đang túi bụi với “núi việc”, từ dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo đến giúp con cái học bài, vì ban ngày không có thời gian.

Đôi lúc “trà dư tửu hậu”, cánh đàn ông khen “chị em xóm mình đúng là giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Trước cảnh ấy, tự nhiên tôi nảy ra câu hỏi cắc cớ: Tại sao chỉ có phụ nữ mới phải phấn đấu “đảm việc nhà”, trong khi vẫn phải “giỏi việc nước”, còn đàn ông lại không?

Phong trào thi đua “giỏi việc nước, đảm việc nhà” được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động từ năm 1989.

Đây là phong trào mang tính đặc thù về giới nhằm phát huy được vai trò, tiềm năng to lớn của nữ công nhân viên chức, lao động trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Không thể phủ nhận rằng, trong những năm qua, phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã trở thành nét đẹp truyền thống trong nữ công chức, viên chức lao động, góp phần nâng cao vị trí vai trò của người phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực công tác, xã hội và gia đình.

Nhưng để có thể “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, đòi hỏi nữ công nhân, viên chức, lao động đã phải nỗ lực rất nhiều, hy sinh rất nhiều.

Từ nhỏ, phụ nữ đã được dạy phải vào bếp và làm việc nhà. Ở bất cứ gia đình nào, các bé gái đều được dạy để hình thành nếp nghĩ “trách nhiệm của mình là phải vào bếp, khéo việc nhà”.

Dù ngày nay, phần lớn phụ nữ cũng phải gánh vác kinh tế và trách nhiệm xã hội, nhưng vẫn tồn tại “hệ quy chiếu” truyền thống phân loại trách nhiệm dựa trên giới tính là “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”.

Theo nếp nghĩ này, công việc nhà - những việc không được trả lương - sẽ do những người mẹ, người vợ, chị em gái chịu trách nhiệm. Thậm chí, đó còn được coi là thiên chức của phụ nữ.

Họ vẫn cần và phải biết quán xuyến việc gia đình, chăm chỉ, sáng tạo trong lao động, khéo léo tổ chức cuộc sống gia đình đầm ấm, gắn kết các thành viên, hiếu kính với ông bà, cha mẹ, quan tâm, chăm sóc chồng con.

Số liệu công bố tháng 5/2023 của Tổ chức World Bank Vietnam cho thấy, gần 1/3 phụ nữ ở Việt Nam không có thời gian giải trí trong ngày; hầu hết nữ giới phải dành thời gian hằng ngày cho công việc nhà, trong khi tỷ lệ này ở nam giới chỉ là 55%. Thậm chí, hơn 20% nam giới không dành chút thời gian nào cho việc nhà.

Trong khi đó, báo cáo nghiên cứu do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam thực hiện cho hay, phụ nữ đang phải tham gia lao động ở tất cả các lĩnh vực không khác nam giới.

Còn ở Kon Tum, theo Cục Thống kê tỉnh, đến cuối năm 2022 tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động là 48,22% (tương ứng 156.883 người), chênh lệch lao động có việc làm giữa nam và nữ không đáng kể, chỉ 0,35 điểm phần trăm (99,49% và 99,14%).

Tôi sẽ không sa đà vào việc đề nghị chính quyền, các nhà hoạch định chính sách cần làm gì, nên làm thế nào để cải thiện tình hình, bởi đến nay, nước ta đã có luật và cả một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giới và bình đẳng giới.

Tôi cũng không phản đối quan điểm khi chị em làm tốt việc nước sẽ có điều kiện hỗ trợ việc nhà, tăng thêm nguồn thu nhập, có thêm kỹ năng sống, tăng cường uy tín với các thành viên trong gia đình.

Tôi chỉ muốn nhân cơ hội này nhắn nhủ cánh nam giới rằng, vấn đề “xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” không chỉ là nhiệm vụ của phụ nữ, cũng như việc nhà không của riêng ai, mà là của bất cứ thành viên nào trong gia đình.

Đừng lấy cớ đàn ông làm không khéo để ngụy biện cho việc không chịu làm việc nhà và chụp cái mũ "đảm đang, chịu thương, chịu khó" để phụ nữ phải làm hết việc nhà.

Đã đến lúc đàn ông cũng phải “đảm việc nhà”. Ảnh: HL

 

Ông bà ta thường nói "trăm hay không bằng tay quen". Đàn ông không vụng về, phụ nữ không phải sinh ra đã giỏi việc nội trợ, nếu có ý thức học hỏi thì cả phụ nữ và đàn ông đều làm tốt.

Thật ra, những người đàn ông sẵn sàng chia sẻ việc nhà cũng không hiếm. Nhưng để từ điều không hiếm trở thành quan điểm phổ biến trong xã hội thì cần quan tâm tới việc định hướng trẻ ngay từ nhỏ, đặc biệt là với bé trai về việc sẻ chia.

Ngay từ nhỏ, trong gia đình hay nhà trường, các bé trai cần được giáo dục rằng, công việc gia đình là của tất cả mọi người, dù là phụ nữ hay nam giới, trai hay gái đều có trách nhiệm đóng góp vào việc chăm sóc những người thân yêu của mình.

Tôi quen một chủ doanh nghiệp có 2 đứa con trai. Dù điều kiện gia đình “không phải dạng vừa”, nhưng anh chị dạy 2 cháu làm hết việc nhà từ nhỏ. Chúng không chỉ biết làm mà còn làm giỏi mọi việc, từ giúp mẹ đi chợ, nấu ăn, rửa chén bát đến giặt đồ, lau nhà. Thậm chí, chúng thấy vui khi giúp được mẹ.

Khách đến nhà chơi, thấy vậy ai cũng khen, chưa có ai chê bai “sao lại bắt con trai làm việc nhà” cả.

Đã đến lúc, đàn ông cũng phải “đảm việc nhà”. Tại sao không?

Hồng Lam

Chuyên mục khác