Giỗ Tổ và cội nguồn

10/04/2022 13:27

Dù trong Nam hay ngoài Bắc, dù miền xuôi hay miền ngược, mỗi người Việt Nam vẫn luôn nhớ mình có chung một ngày Giỗ Tổ, đều là con một mẹ, là cây một cội, là hoa một cành. Niềm tự hào ấy đã được gìn giữ qua mấy ngàn năm lịch sử đến hôm nay và sẽ truyền mãi ngàn sau.

1. Tôi sẽ luôn nhớ mãi cảm giác lâng lâng tự hào về cội nguồn dân tộc Việt Nam tràn về trong tôi khi dõi theo hình ảnh Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Phú Thọ dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương 2022 tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng sáng 10/4 (tức mùng 10 tháng 3 âm lịch).

Nhìn dòng người hành hương về Đất Tổ trong những ngày này, tôi lại nhớ đến lễ Giỗ Tổ năm Kỷ Hợi 2019.

Hôm ấy, tôi hòa vào dòng người thắp nén tâm nhang lên bàn thờ Tổ tại đình Lương Khế (thành phố Kon Tum), lặng lẽ và thành kính. Và không chỉ có ở đình Lương Khế, còn rất nhiều, rất nhiều nơi tổ chức Giỗ Tổ.

Hôm ấy, lễ vật dâng lên các Vua Hùng có đầy đủ bánh chưng, bánh dày, trầu cau, xôi, chè và nhiều sản vật đặc trưng của địa phương như rượu Ngọc Linh, cà phê và những món ăn nổi tiếng của Kon Tum.

Hôm ấy, trong dòng người đang hướng về đình Lương Khế, sắc màu thổ cẩm của những chàng trai, cô gái Ba Na, Xơ Đăng; khăn chàm của người Tày; tà áo dài thướt tha của cô gái Kinh… hòa lẫn với nhau.

Trong dòng người, ta có thể gặp một bà mẹ có đạo, một cụ bà tay mân mê chuỗi tràng hạt cùng nhau kính cẩn thắp nhang lên bàn thờ Tổ.

Nén tâm nhang trên bàn thờ Tổ đã khơi dậy cảm xúc, gắn kết tình đồng bào, nhân lên lòng tự hào nguồn cội trong mỗi người.

Lúc này, bất cứ ai cũng đều là con Rồng cháu Tiên; đều thành kính tri ân công đức tổ tiên, tâm tưởng hướng về quê cha đất tổ.

Đã 2 năm nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên các địa phương trên địa bàn tỉnh không thể tổ chức lễ Giỗ Tổ theo nghi thức bài bản, nhưng tôi tin, trong tâm khảm mỗi người đều đang hướng về ngày Giỗ Tổ.

Tôi càng tin rằng, ngày hôm nay, trong mỗi mái nhà, ở nơi trang trọng nhất, đều có mâm cỗ, dù sang trọng hay đơn sơ, dâng lên tổ tiên, và nén tâm nhang được thắp lên với lòng thành kính, biết ơn.

Bạn tôi, một người chuyên nghiên cứu về văn hóa Việt chia sẻ rằng, xuất phát từ quan niệm “con cháu ở đâu, ông bà tổ tiên ở đó” của người Việt, nên tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã có sức lan tỏa vô cùng rộng lớn. Người Việt lập làng ở đâu, sẽ xây đền thờ Tổ Hùng Vương ở đó, cúng Giỗ Tổ ở đó để cùng nhau tri ân công đức tổ tiên.

Và Vua Hùng, trong tín ngưỡng nguồn cội của người Việt, đã trở thành niềm tin thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

Giỗ Tổ, không chỉ là ngày hội quần tụ của cả dân tộc, còn là ngày để chúng ta, mỗi người dân Việt, khẳng định sức mạnh giống nòi, và sức trường tồn mãnh liệt của văn hóa dân tộc.

Tín ngưỡng Giỗ Tổ luôn được truyền từ đời này sang đời khác một cách tự nhiên và bền vững. Từ khi mới sinh ra, những đứa trẻ đã được cha mẹ, ông bà truyền cho lòng tự hào về nguồn cội. Vì vậy, cùng với những tín ngưỡng tốt đẹp khác, Giỗ Tổ góp phần đặc biệt quan trọng làm nên văn hóa Việt, trở thành “vòng bảo vệ” vững chãi trước mọi sự “xâm lược” văn hóa khác- anh chia sẻ.

Nghe vậy, tôi chợt nhớ đến lời thơ da diết của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: “Dặn dò con cháu chuyện mai sau. Hằng năm ăn đâu làm đâu. Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ” (Đất Nước).

Tình yêu đất nước và lòng tự hào dân tộc là những thứ tồn tại vĩnh hằng trong mỗi người. Cùng nhau nhớ về tổ tiên, hướng về đất Tổ cũng chính là để nhắc nhở nhau trách nhiệm tiếp tục giữ gìn và phát huy thành quả của cha ông bền vững cho muôn đời sau.

Dọn bàn thờ gia tiên chuẩn bị cho lễ Giỗ Tổ. Ảnh: TH

 

2. Nếu ai đã từng quen những người con Phú Thọ đang làm ăn, sinh sống ở Kon Tum hẳn sẽ không quên rằng, năm nào cũng vậy, họ luôn tổ chức Giỗ Tổ với tất cả sự thành kính.

Rời xa quê hương vào Kon Tum lập nghiệp, đã bao năm nay, kể cả những đận khó khăn nhất, anh Bùi Hữu Trình (đường Huỳnh Thúc Kháng) và những người cùng quê luôn giữ gìn nghi thức Giỗ Tổ.

Ý thức đây là dịp đặc biệt, họ chuẩn bị Giỗ Tổ rất trân trọng, chu đáo. Với một tấm lòng thành kính, thiêng liêng, những bậc cao niên luôn tin rằng, khi thắp nhang lên bàn thờ Tổ sẽ bớt đi bệnh tật, con cháu khỏe mạnh, lúa trúng đầy bồ, làm ăn khá giả.

Theo anh Trình, bản sắc văn hóa uống nước nhớ nguồn lại được bà con giữ một cách hồn nhiên. Những hộ gia đình từ đất Tổ vào Kon Tum có cách giáo dục truyền thống vào hàng “siêu”. Từ khi sinh ra, những đứa trẻ luôn được kể về quê hương, về đất Tổ. Nên mới tí tuổi đầu, trong lòng đã có lòng tự hào về nguồn cội.

“Đất Tổ, với các thế hệ chúng tôi xa mà gần. Bởi hàng ngày, trong lời cha ông mình truyền dạy, Kon Tum là nhà, đất Tổ là nguồn cội. “Con người có tổ có tông. Những ai ăn ở mất gốc, không biết nguồn cội cũng không nên người đâu, các cụ thường dạy con cháu như vậy”- anh Trình kể. 

Chính vì vậy, cùng với giáo dục lòng tự hào về quê cha đất tổ, chúng tôi luôn nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình, đóng góp xây dựng quê hương mới Kon Tum; trong dạy dỗ con cái; giữ gìn, phát huy truyền thống quê hương- anh Trình tự hào chia sẻ.

Không hiểu sao, lúc ấy, trước mắt tôi lại hiện lên hình ảnh Giỗ Tổ được tổ chức khắp miền đất nước.

Và tôi tin rằng, với lòng tự hào ấy, chúng ta sẽ không cần nhắc nhau về tình yêu đất nước.

Với lòng tự hào ấy, bất cứ kẻ thù nào cũng phải e dè mỗi khi có ý định thách thức sự đồng lòng của cả dân tộc Việt Nam.

Thành Hưng

Chuyên mục khác