Gió đã ở lại trong những ngôi nhà trống

23/01/2020 06:22

Những ngày cuối năm chúng tôi có dịp về công tác tại xã biên giới Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Lương Văn Huân - Phó Chủ tịch UBND xã nói như khoe: Mặc dù đời sống người dân còn nhiều khó khăn, song năm nay là năm đầu tiên xã có tới 12 hộ gia đình viết đơn tự nguyện xin thoát khỏi diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tuy còn khá khiêm tốn so với tổng số hộ nghèo trên địa bàn, song phần nào cho thấy rõ sự đổi thay tích cực về cách nghĩ của bà con.

Từ những lá đơn tự nguyện thoát nghèo

Như để chứng minh cho lời nói của mình, ông Huân trực tiếp dẫn chúng tôi xuống gặp gỡ các hộ gia đình vừa có đơn xin thoát nghèo.

Hộ gia đình đầu tiên chúng tôi ghé thăm là ông A Bốc (sinh năm 1937), dân tộc Xơ Đăng ở thôn Đăk Long. Trong căn nhà nhỏ, ông đang lụi cụi với đống nan tre chuẩn bị đan những chiếc gùi mới. Ở tuổi 82, ông không rành tiếng Kinh nên việc giao tiếp giữa ông và chúng tôi đều phải thông qua người cháu làm phiên dịch.

Ông cho biết, đã ba năm nay, vào dịp cuối năm ông đều có đơn xin thoát khỏi diện hộ nghèo, nhưng mãi đến năm nay mới được UBND xã chấp thuận, “mình già rồi, ăn uống tiêu pha chẳng bao nhiêu, mỗi tháng lại có 270 ngàn đồng của Nhà nước hỗ trợ người cao tuổi, rồi 2-3 ngày lại đan được một chiếc gùi, bán đi cũng có vài trăm ngàn rồi, vậy sao nghèo được”, vừa giải thích cho chúng tôi, ông vừa cười móm mém.

Rời nhà ông A Bốc, chúng tôi ghé thăm gia đình vợ chồng ông Hứa Quốc Khìn và bà Lương Thị Lùng, dân tộc Nùng ở thôn Đăk Pil. Đây cũng là một trong những hộ gia đình chính sách đặc biệt khó khăn của xã với “thâm niên” gần 10 năm nằm trong danh sách hộ nghèo. Bản thân ông Khìn vốn là bộ đội xuất ngũ và là nạn nhân chất độc da cam/điôxin, năm 2012 sau một lần bị tai biến, ông gần như mất khả năng lao động. Kể từ đó, mọi công việc đều do một tay bà Lùng quán xuyến, bà vừa chăm sóc ông, vừa chăm 2 người con, trong đó cô con gái 30 tuổi bị thiểu năng trí tuệ từ nhỏ do ảnh hưởng di chứng chất độc da cam/điôxin.

Khi người con trai lớn lập gia đình ra ở riêng, ông bà đã bàn bạc và quyết định xin xã cho gia đình mình ra khỏi diện hộ nghèo. Bà Lùng nói: Mặc dù còn nhiều khó khăn song nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương và sự động viên về vật chất lẫn tinh thần từ dân làng, cuộc sống của gia đình tôi đến nay cũng tạm ổn. Bên cạnh đó, còn có con cái hỗ trợ nên vợ chồng tôi viết đơn xin thoát nghèo, để dành suất hỗ trợ cho các hộ khó khăn hơn.

Ông A Bốc - dân tộc Xơ Đăng ở thôn Đăk Long. Ảnh: MT

 

Tại thôn Ngọc Tiền, câu chuyện về vợ chồng anh Vũ Quốc Long và chị Hoàng Thị Trang tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo được bà con trong thôn truyền tai nhau như một điển hình vượt khó vươn lên. Theo lời kể của chị Chu Thị Xuân - thôn trưởng thôn Ngọc Tiền, trước đây, kinh tế của gia đình anh Long cũng thuộc diện khá trong thôn. Tuy nhiên, sau đó anh lâm vào tình trạng bệnh tật, phải chạy chữa thuốc men, con cái còn nhỏ nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, vợ chồng anh đã biết vượt qua khó khăn, biết tính toán làm ăn và chi tiêu hợp lý, đến nay mặc dù mức sống của gia đình anh vẫn nằm trong thang điểm diện hộ nghèo, song anh chị đã nhất quyết viết đơn đề nghị được thoát nghèo, việc làm này chúng tôi rất trân trọng. Trong cuộc sống hàng ngày, anh chị cũng rất lạc quan và sống rất tình cảm, chúng tôi lấy đây là tấm gương để tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn luôn biết phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững.

Anh Long cho biết, sau 5 năm nằm trong danh sách hộ nghèo của xã, gia đình anh đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần của các cấp, ngành, đoàn thể địa phương, đây chính là động lực để gia đình anh nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. “Trong xã còn có nhiều gia đình khó khăn hơn mình nên vợ chồng quyết định viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo để những gia đình khác được hưởng các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước” - anh Long chia sẻ.

Ba gia đình mà chúng tôi được gặp là ba hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ đều có chung ý chí và nghị lực vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Đến sự lan tỏa tinh thần vượt khó

Ông Lương Văn Huân - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Xú cho biết: Việc xét công nhận hộ nghèo, hộ thoát nghèo tại địa phương trong những năm trước đây gặp nhiều khó khăn, bởi từ lâu trong tư tưởng của người dân đã tồn tại ý nghĩ trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, đây cũng là rào cản lớn trong việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo ở địa phương. Vì vậy, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương và các hội đoàn thể xã đã vào cuộc một cách quyết liệt tuyên truyền, vận động để người dân nỗ lực trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền địa phương, sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tự vươn lên thoát nghèo của các hộ gia đình khó khăn. Từ 1 đến 2 lá đơn ban đầu, đến cuối năm 2019 toàn xã Đăk Xú đã có 12 hộ gia đình tự nguyện viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo và cận nghèo. Qua kết quả rà soát, hiện nay xã Đăk Xú chỉ còn 59 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,2%, giảm 0,9% so với năm 2018.

Gia đình bà Lương Thị Lùng là một trong những hộ gia đình chính sách đặc biệt khó khăn của xã. Ảnh: MT

 

“Người ta hay nói tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, nhưng bây giờ làn gió mới trong việc thoát nghèo đã khác, những đồng vốn vay đã được các hộ sử dụng một cách hiệu quả vì vậy có thể nói rằng bây giờ... gió đã ở lại trong những ngôi nhà trống” - ông Huân ví von.

Năm 2019, tính trên địa bàn toàn huyện Ngọc Hồi đã có 24 lá đơn xin rút khỏi hộ nghèo, hộ cận nghèo; ngoài 12 hộ ở Đăk Xú, còn có 10 hộ ở xã Pờ Y và 2 hộ ở xã Đăk Dục. Tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 791 hộ, chiếm tỷ lệ 4,96%, giảm 0,92% so với năm 2018; hộ cận nghèo 679 hộ, chiếm tỷ lệ 4,26%. Ông Vương Văn Tuyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho biết: Những năm qua các chính sách xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước đang dần phát huy hiệu quả. Cùng với đó, sự giúp sức của cộng đồng đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của người dân ở các vùng khó khăn. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước đang dần được xóa bỏ. Những tấm gương tự nguyện làm đơn thoát khỏi danh sách hộ nghèo sẽ là động lực để các hộ nghèo khác nỗ lực vươn lên. Có thể xem đây là một tín hiệu tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện Ngọc Hồi.

Minh Trung

Chuyên mục khác