Gìn giữ nguồn vật liệu tự nhiên

06/01/2023 06:09

Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc, cộng đồng các thôn (làng) dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực chung tay bảo vệ rừng, gìn giữ nguồn vật liệu tự nhiên phục vụ công tác sửa chữa, dựng mới nhà rông, nhà sàn truyền thống và tổ chức các hoạt động văn hóa gắn liền với nhà rông, nhà sàn truyền thống.

Chúng tôi đến thăm thôn Peng Ploong (xã Đăk Long, huyện Đăk Glei)  vào một ngày đẹp trời cuối tháng 12/2022. Dưới ánh nắng vàng và tiết trời se lạnh đầu mùa khô Tây Nguyên, ngồi bên gốc cổ thụ cạnh ngôi nhà rông được dựng bằng vật liệu tự nhiên kết hợp với vật liệu nhân tạo, ông A Chả-Trưởng thôn Peng Ploong nhâm nhi ly trà nóng rồi bộc bạch, ngày xưa, lúc ông còn bé, nhà rông của thôn Peng Ploong được dựng hoàn toàn bằng vật liệu tự nhiên, gồm: thân gỗ lớn, cỏ tranh, tre, nứa, song mây. Dù độ bền của các vật liệu tự nhiên này không được lâu, dễ bị hư hỏng sau 3-5 năm sử dụng, nhưng người dân trong thôn vẫn động viên nhau, cùng lên rẫy, vào rừng tìm kiếm các vật liệu tự nhiên để đem về sửa chữa, dựng mới nhà rông.

Đến năm 2014, được sự quan tâm của các đơn vị, ngành và chính quyền địa phương, nhà rông của thôn Peng Ploong được dựng mới với phần trụ, khung, phên vách được làm bằng gỗ, còn phần mái được lợp bằng tôn và phần nhà chồ được xây bằng bê tông xi măng. Nhà rông có kiến trúc theo đúng truyền thống của dân tộc Giẻ- Triêng, cao khoảng 15m và sàn rộng hơn 30m2.

Cộng đồng thôn Peng Ploong gìn giữ nguồn vật liệu tự nhiên trong diện tích rừng được Nhà nước giao bảo vệ để sau này sửa chữa nhà rông. Ảnh: ĐT

 

“Ngôi nhà rông mới được khánh thành và đưa vào sử dụng từ đó cho đến nay. Ngôi nhà rông to và lớn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng nên người dân trong thôn Peng Ploong đều phấn khởi. Tâm sự với tôi, các hộ dân trong thôn đều mong muốn nhà rông phải dựng hoàn toàn bằng vật liệu tự nhiên, nhưng qua giải thích, mọi người hiểu rằng, tự ý vào rừng lấy gỗ hay các vật liệu tự nhiên khác là vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, ông A Chả cho biết. 

Năm 2020, cộng đồng thôn Peng Ploong đã tổ chức trồng 6.000 cây thông để phủ xanh 3ha đất chưa có rừng trên địa bàn xã. Hiện nay, cộng đồng thôn Peng Ploong đang quản lý, bảo vệ 175ha rừng được Nhà nước giao và hơn 2.000ha rừng được Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Glei khoán.

Ông Trần Đức Hùng- Kiểm lâm địa bàn xã Đăk Long cho hay, cộng đồng thôn Peng Ploong luôn thực tốt công tác quản lý, bảo vệ các diện tích rừng được giao, khoán. Tại tiểu khu 129 và tiểu khu 133 thuộc diện tích rừng được Nhà nước giao cho cộng đồng Peng Ploong quản lý, bảo vệ có trữ lượng lâm sản là song mây và tre, nứa khá lớn. Bên cạnh đó, tại khu vực Tiểu khu 135, thuộc diện tích do UBND xã Đăk Long quản lý cũng đang có nguồn cỏ tranh phát triển dồi dào. Đây đều là những nguồn vật liệu tự nhiên có trong kiến trúc nhà rông truyền thống của người Giẻ- Triêng.

“Khi biết được các cấp, ngành và chính quyền địa phương lựa chọn, khoanh vùng các diện tích có trữ lượng song mây, tre nứa và cỏ tranh để bảo vệ, phục vụ công tác bảo tồn nhà rông truyền thống cho các thôn DTTS trên địa bàn, người dân trong cộng đồng thôn Peng Ploong và trong cộng đồng các thôn khác của xã Đăk Long đều rất phấn khởi. Chúng tôi tích cực triển khai công tác tuyên truyền đến cộng đồng các thôn nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia bảo vệ các diện tích có nguồn vật liệu tự nhiên. Khi cần vật liệu tự nhiên để phục vụ nhu cầu sửa chữa hoặc dựng mới nhà rông, cộng đồng các thôn phải xây dựng phương án khai thác nguồn vật liệu tự nhiên đảm bảo đúng, đủ, có tính bền vững trình cấp thẩm quyền phê duyệt”- ông Hùng cho biết thêm.

“Sau nhiều năm mong mỏi, đến nay, cộng đồng thôn Peng Ploong đã có nguồn vật liệu tự nhiên để sử dụng cho việc sửa chữa nhà rông. Thôn dự định, vào thời điểm thích hợp sẽ thay lại phần mái cho ngôi nhà rông bằng cỏ tranh. Qua các buổi họp, dân làng Peng Ploong đều thống nhất sẽ bảo vệ thật tốt các diện tích có nguồn vật liệu tự nhiên. Có như vậy, thế hệ con cháu của chúng tôi mới tiếp tục gìn giữ được tính truyền thống cho ngôi nhà rông của thôn”, ông A Chả cho biết. 

Tại thôn Vi Ô Lắk (xã Pờ Ê, huyện Kon Plông), trong những năm qua, người dân tộc Hrê nơi đây luôn có ý thức bảo vệ rừng rất cao, bởi mọi người đều nhận thức được rằng, tham gia bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn nước, nguồn đất, khí hậu, đa dạng sinh học và bảo vệ các nguồn vật liệu tự nhiên, gồm song mây, tre, nứa, lá dứa rừng, phục vụ cho việc bảo tồn, gìn giữ nghề đan lát gắn liền với các hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc tại ngôi nhà sàn, nơi sinh hoạt cộng đồng của thôn.

Không giống các dân tộc tại chỗ khác trên địa bàn tỉnh, như Gia Rai, Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ-Triêng, Brâu hay Rơ Măm, dân tộc Hrê không có nhà rông cộng đồng. Tuy nhiên, người Hrê lại có nghề đan lát rất độc đáo và các vật dụng được đan lát như giỏ, gùi, rổ, nia hay chiếu, sử dụng trong các lễ cúng, gồm cúng hồn lúa, cúng thần đất, thần nước.

Ông Đinh Văn Sứt- Bí thư chi bộ thôn Vi Ô Lắk cho biết, người Hrê luôn có ý thức gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đối với nghề đan lát, hiện nay, trên địa bàn thôn Vi Ô Lắk có 5 hộ dân đang duy trì nghề để bán các sản phẩm kiếm thêm thu nhập.

Cộng đồng thôn Vi Ô Lắk trưng bày các sản phẩm đan lát trong nhà sàn. Ảnh: ĐT

 

Dẫn chúng tôi ra ngôi nhà sàn, nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân thôn Vi Ô Lắk, ông Sứt tự hào giới thiệu, trên các phên vách của ngôi nhà sàn, ngoài treo các giấy khen, danh hiệu thôn văn hóa còn treo các sản phẩm được làm từ đan lát mà người dân tộc Hrê hay sử dụng trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của mình. Có sản phẩm vừa được các hộ dân làm ra gần đây, nhưng phần lớn các sản phẩm đều được làm ra từ cách đây rất lâu.

Ông Sứt cho biết, việc trưng bày các sản phẩm được làm từ đan lát tại nhà sàn sinh hoạt cộng đồng của thôn nhằm giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa của dân tộc Hrê đến mọi người và giáo dục các giá trị truyền thống, phục vụ việc trao truyền nghề đan lát cho thế hệ trẻ trong thôn.

Cộng đồng thôn Vi Ô Lắk hiện nay có 85 hộ dân, tất cả các hộ dân đều tham gia bảo vệ 240 ha rừng được Nhà nước giao cho cộng đồng thôn. Thời điểm trước năm 2020, cộng đồng thôn Vi Ô Lắk còn tham gia nhận khoán bảo vệ diện tích hơn 300ha rừng cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham, nơi có trữ lượng lớn các nguồn vật liệu tự nhiên.

Ông Phan Quốc Vũ- Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham cho biết, trong số tổng diện tích 29.620ha rừng đang được đơn vị quản lý, bảo vệ có hơn 10.000ha có cây song mây. Hằng năm, đơn vị đều chỉ đạo các lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng ở 6 Trạm QLBVR phối hợp với chính quyền các xã tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân tại cộng đồng các thôn không được khai thác cây song mây và các lâm sản ngoài gỗ khác, như tre, nứa trong diện tích rừng thuộc đơn vị, quản lý bảo vệ.

“Đối với cộng đồng thôn Vi Ô Lắk, hiện nay, dù không còn tham gia nhận khoán bảo vệ rừng cho đơn vị, nhưng người dân trong cộng đồng thôn vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt việc bảo vệ cả diện tích rừng được Nhà nước giao bảo vệ lẫn diện tích rừng của đơn vị giáp ranh với thôn”, ông Vũ đánh giá.

Tham gia nhận, khoán bảo vệ rừng, ngoài việc được khai thác các lâm sản phụ, cộng đồng các thôn còn được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng và tiền hỗ trợ từ các chương trình, nguồn hợp pháp khác. Nguồn kinh phí này được nhiều cộng đồng thôn sử dụng trong việc sửa chữa, dựng mới nhà rông, nhà sinh hoạt cộng đồng và tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội của thôn.

Với lợi ích to lớn từ rừng mang lại, cộng đồng các thôn (làng) DTTS trên địa bàn tỉnh đang tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng, khoanh nuôi các diện tích có nguồn vật liệu tự nhiên được quy hoạch. Qua đó, giúp người dân khơi dậy được tinh thần đoàn kết, gìn giữ phong tục tập quán tốt đẹp, duy trì và phát triển nghề truyền thống, cùng thực hiện việc sửa chữa, dựng mới nhà rông, xây dựng cộng đồng thôn giàu bản sắc văn hóa dân tộc./.

 ĐỨC THÀNH

Chuyên mục khác