Gìn giữ nghề dệt thổ cẩm

08/03/2020 06:15

Trước sự đổi thay của cuộc sống và thói quen sinh hoạt, tại thành phố Kon Tum, dệt thổ cẩm vẫn được sự chung tay góp sức của cộng đồng, sự hỗ trợ tích cực của chính quyền để duy trì và phát triển.

Tại Làng Du lịch cộng đồng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum), khách nơi xa đến tham quan có cơ hội được ngắm cảnh sắc nên thơ, tìm hiểu nét đẹp văn hóa truyền thống và trải nghiệm sinh hoạt dân dã, gần gũi của đồng bào Ba Na bên dòng sông Đăk Bla hiền hòa. Hằng ngày, các bà các chị miệt mài bên khung cửi, dệt nên những tấm thổ cẩm mang đậm sắc màu dân tộc luôn là hình ảnh lôi cuốn mọi người. Trong một chương trình thực tế của Đài truyền hình Việt Nam được thực hiện tại đây, các bạn trẻ đã không ngại một lần được thử sức làm quen với sợi thô và khung cửi, để lại ấn tượng khó quên.

Nghề dệt thổ cẩm gắn bó với người phụ nữ Ba Na từ lâu đời. Ngày trước, khuôn vải nói chung, tấm thổ cẩm nói riêng được làm nên từ sợi bông ở rẫy gần rừng xa; dệt thành chiếc áo, chiếc váy, chiếc khăn, chiếc khố, tấm choàng... Sau này, có nhiều sợi vải, chỉ len công nghiệp thay thế nguyên liệu thủ công, thổ cẩm vẫn được gìn giữ và trao truyền.  

Trước Tết Canh Tý, nhà dệt ở thôn Plei Tơ Nghia (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) diện tích hơn 120m2 đã được khánh thành, liền kề với căn nhà dệt cũ được xây dựng từ năm 2006, rộng 66m2. Hai hạng mục được làm mới và tu bổ này có tổng kinh phí đầu tư hơn 520 triệu đồng, từ nguồn ngân sách địa phương. Ngày 3/2/2020, nhà dệt mở cửa, đón nghệ nhân và những người học nghề đến làm việc. Ông A Hlút - Thôn trưởng thôn Plei Tơ Nghia, phường Quang Trung phấn khởi nói: Plei Tơ Nghia không còn nhiều người dệt thổ cẩm đâu. Trước đây, mấy chị em chỉ dệt ở nhà, nhờ có phường và thành phố hỗ trợ làm nhà dệt, mọi người tập trung ra đây, thuận lợi lắm. Hàng hóa trưng bày, giới thiệu tập trung ở đây, khách đến cũng dễ  thấy, dễ tìm.

Chị Y Thoach hướng dẫn, chỉ dạy cho thế hệ trẻ học dệt. Ảnh: TN

 

Chị Y Thoach (40 tuổi) là nghệ nhân dệt thổ cẩm kỳ cựu ở thôn Plei Tơ Nghia được giao quản lý hoạt động của nhà dệt. Vừa trực tiếp dệt, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, chị vừa đảm nhận hướng dẫn, chỉ dạy cho người học dệt. Mẹ Y Thoach là nghệ nhân Y Chrứt dệt thổ cẩm nổi tiếng nhất Plei Tơ Nghia, nay đã già yếu, không còn ngồi bên khung cửi được nữa. Y Thoach và các con gái chị đang tiếp bước bà.

Cùng với con gái Y Thơi (18 tuổi) đã khá lành nghề, con gái Y Thâm  mới 10 tuổi cũng đang học dệt bằng tay. Người hàng xóm Y Lệ Chi gần 40 tuổi mới làm quen với khung dệt chia sẻ rằng ban đầu vất vả lắm, nhưng chịu khó ngồi vài ba buổi thì đã quen và nhanh chóng dệt được những đường cơ bản.

Với người dệt, ban đầu chỉ là dệt trơn hàng thẳng hàng ngang; khi đã thạo rồi mới chuyển sang dệt thổ cẩm. “Chưa dệt được thổ cẩm, coi như chưa thành thợ dệt. Dệt thổ cẩm giỏi mới trở thành nghệ nhân” - Y Thoach  cho hay.

Mô hình Thanh niên với du lịch cộng đồng Kon Klor được Thành đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên thành phố Kon Tum phối hợp tổ chức tại khu vực Nhà rông Kon Klor (phường Thắng Lợi) có một phòng dành riêng cho dệt thổ cẩm.

Căn phòng khá rộng được bố trí khung dệt, khung vắt sợi và không gian trưng bày sản phẩm. Đến đây, mọi người được tận mắt chứng kiến quy trình dệt vải thủ công của người Ba Na; từ khâu vắt sợi, đến các công đoạn dệt, cho ra sản phẩm trang phục, khăn, tấm choàng, tấm dồ... Những bộ trang phục thổ cẩm có sức hút rất riêng với du khách gần xa. Họ thuê những bộ trang phục để lưu lại những hình ảnh kỷ niệm yêu thích. Thổ cẩm trở nên gần gũi với mọi người. Nghệ nhân Y Hanh (làng Kon Klor) được giao phụ trách gian hàng, cùng một số nghệ nhân trong làng vừa dệt tại chỗ, vừa hướng dẫn vắt sợi và dệt thổ cẩm cho con cháu. Chị phấn khởi khoe: Các chị các cô các cháu gái đến mượn đồ thổ cẩm chụp hình nhiều, thấy cũng mừng. Trang phục của dân tộc mình đơn giản vậy mà được mọi người quan tâm, hãnh diện lắm.

Bà Y Trech (55 tuổi) là một trong những người dệt thổ cẩm của làng Kon Klor tham gia dệt và giới thiệu sản phẩm thổ cẩm ở khu vực nhà rông cho hay: Mình mới biết dệt mấy năm nay thôi, nhưng cũng quen rồi. Ban đầu học thấy khó, nhưng mà đã biết rồi thì thích dệt, ham dệt lắm, nhất là dệt hoa văn đó, nhiều loại khác nhau. Siêng làm thì hoa văn nào cũng dệt được thôi.

Bà Y Trech cho biết thêm: “Dệt thì ai học rồi cũng biết, nhưng vắt sợi thì không phải ai cũng có thể làm được. Vắt sợi đòi hỏi người dệt phải có kinh nghiệm, có bí quyết, phải là người giỏi tay nghề... Vắt sợi đẹp mới cho ra những tấm thổ cẩm độc đáo, mang nét riêng của người dệt.

Được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của tỉnh và thành phố Kon Tum, cách đây 8-9 năm, dệt thổ cẩm đã được quan tâm khôi phục ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn, trong đó có làng Kon Klor (phường Thắng Lợi). Trong tổng số 62 thôn (làng) đồng bào DTTS thuộc 17/21 xã, phường của thành phố hiện nay, ngoài các làng được hỗ trợ để phát triển nghề truyền thống như Kon K’tu, Kon Klor, Plei Tơ Nghia..., nhiều thôn (làng) đồng bào dân tộc Ba Na, Gia Rai đều giữ gìn và duy trì nghề dệt thủ công, nhờ nỗ lực và tâm huyết của các nghệ nhân lớn tuổi.

Gắn yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS với phát triển kinh tế - xã hội, mà trọng tâm là hình thành và phát triển du lịch cộng đồng, hình thành và phát triển các sản phẩm đặc trưng theo chương trình OCOP của địa phương, thời gian tới, tại địa bàn thành phố Kon Tum, nghề dệt thổ cẩm vẫn cần được quan tâm quy hoạch, hỗ trợ phát triển hợp lý; nhất là cần được đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm; góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.   

Thanh Như 

Chuyên mục khác