Gìn giữ “hồn làng”

23/11/2019 06:23

Trong những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của ĐBDTTS tại chỗ. Và điều đáng mừng, thực hiện chủ trương trên, có nhiều nghệ nhân dân gian ở tỉnh Kon Tum vẫn ngày đêm miệt mài gìn giữ “hồn làng” để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Mới đây, tôi đến nhà nghệ nhân A Biu (thôn Plei Klẽch, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum) khi ông tiếp đón trên 50 thành viên Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam tới thăm. Trong khuôn viên vườn nhà của ông có đầy đủ các loại nhạc cụ truyền thống, công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt... ghi đậm dấu ấn văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Ba Na, mang “hơi thở” núi rừng Tây Nguyên.

Nghệ nhân A Biu (62 tuổi, dân tộc Ba Na) say mê cồng chiêng từ nhỏ. Ông bảo với chúng tôi rằng, do thường xuyên theo cha tham dự nhiều lễ hội của cộng đồng nên tiếng cồng, tiếng chiêng thấm vào máu thịt từ lúc nào không hay, như một lẽ tự nhiên vậy.

Ông A Biu kể, mỗi lần cha đi vắng, ông lại lén lấy bộ chiêng ra tập đánh, riết rồi đâm ra thích. Khi lập gia đình - năm 1977, A Biu mới chính thức học cồng chiêng bài bản từ thầy A Thắt, theo đuổi niềm đam mê khi tham gia đội cồng chiêng của làng.

Để nuôi giữ ngọn lửa đam mê di sản văn hóa của dân tộc, A Biu đi khắp nơi để sưu tầm các bộ cồng chiêng. Ông dành dụm tiền, lặn lội vào các làng mua về một số bộ chiêng để sử dụng và dạy cho những đứa trẻ trong làng. Ông nói, chiêng ngày xưa có rất nhiều công dụng, thể hiện muôn vàn sắc màu âm nhạc, vui tươi cũng có, trầm buồn cũng có. Để hồn chiêng còn sống mãi thì những thế hệ kế cận cũng phải đam mê chiêng, yêu chiêng và gìn giữ chiêng như chính cha ông của mình. Đây là nguồn động lực để A Biu “giữ lửa” chiêng, nhiệt huyết truyền dạy cồng chiêng cho con cháu cũng như các học sinh của mình.

Nghệ nhân A Biu hướng dẫn nghệ thuật đánh cồng chiêng. Ảnh: QĐ

 

Ông A Biu thành lập đội cồng chiêng, múa xoang học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở xã Ngọc Bay; tham gia biểu diễn trong dịp lễ hội, tết cổ truyền của dân tộc, các sự kiện văn hóa do xã, thành phố, tỉnh và Trung ương tổ chức. Nói không ngoa khi cho rằng ngôi nhà của ông như một “bảo tàng” các nhạc cụ truyền thống của đồng bào DTTS Kon Tum thu nhỏ; tại đây có nhiều bộ cồng chiêng, các loại nhạc cụ truyền thống như đàn tơ rưng, đàn ting ning, các công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt của dân tộc Ba Na. Và ông sẵn sàng tiếp đón các du khách gần xa, những người muốn tìm hiểu về văn hóa cồng chiêng.

Bà Y Blưn (69 tuổi, dân tộc Ba Na, làng Kon Tum Kơ Pơng, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) cũng là một nghệ nhân dân gian đa tài. Bà am hiểu rất sâu sắc về nghệ thuật múa xoang, diễn tấu cồng chiêng và hát các làn điệu dân ca. Bà cụ thể hóa những kỹ thuật múa xoang, đánh cồng chiêng thành ngôn từ đơn giản, dễ hiểu để truyền đạt cho thế hệ trẻ và mọi người xung quanh.

Bà thực hành thuần thục những bài chiêng, những điệu múa xoang truyền thống, phát triển và sáng tạo thành những tác phẩm mang giá trị hiện đại. Không những thế, bà Y Blưn còn am hiểu sâu sắc về các giá trị văn hóa truyền thống, không ngừng học hỏi các thế hệ đi trước, ghi chép, sưu tầm để gìn giữ lâu dài.

Bên cạnh đó, bà Y Blưn còn tích cực truyền dạy múa xoang cho thanh thiếu nhi. Từ năm 1980 đến nay, bà đã truyền dạy cho trên 110 người biết về nghệ thuật trình diễn dân gian. Bà được mời tham gia các hội thảo, ngày hội, liên hoan văn hóa từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương; được UBND tỉnh tặng 2 Bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và việc bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

A Thút cùng đoàn nghệ nhân làng Đăk Wơk tái hiện Lễ cầu an của dân tộc Ba Na tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: QĐ

 

Sinh năm 1957 tại làng Đăk Wơk (xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) trong một gia đình mà các thế hệ nối tiếp nhau giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, A Thút (dân tộc Ba Na) cũng được “truyền lửa” niềm đam mê nghệ thuật cồng chiêng, đàn hát dân ca từ nhỏ. Ông học từ cha ông - già A Bek, một nghệ nhân, “báu vật sống” về diễn tấu cồng chiêng, đẽo thuyền độc mộc, đàn hát, kể sử thi.

Từ nhỏ, A Thút theo cha đi khắp các làng Ba Na hát và kể sử thi, diễn tấu và chỉnh chiêng. Vì thế, những giai điệu dân gian và tình yêu với quê hương đã thấm dần vào trái tim, tâm hồn A Thút. Bất cứ khi nào trong làng có lễ hội, A Thút đều nhiệt tình tham gia, nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng ngấm dần trong con người ông từ đó.

A Thút có vốn hiểu biết sâu rộng về âm nhạc dân gian của dân tộc Ba Na. Nhờ kiên nhẫn luyện tập, ông có thể diễn tấu được tất cả các loại nhạc cụ, diễn xướng hầu hết các loại hình âm nhạc dân gian của người Ba Na. Không những thế, A Thút còn thạo việc chỉnh chiêng, một công việc đòi hỏi kỹ năng thẩm âm tốt, phải thuộc những bản cồng chiêng cổ và có đôi bàn tay khéo léo.

Năm 1998, ông tham gia vào dự án và dịch lại toàn bộ Sử thi Tây Nguyên. Năm 2009, ông bắt đầu mở lớp truyền dạy miễn phí cồng chiêng và múa xoang cho lớp thanh niên trong làng, xã. Năm 2007, ông vinh dự cùng cha mình, con trai A Thảo và 15 người con của làng Đăk Wơk tham gia Lễ hội Smithsonian 2007 với chủ đề “Mê Kông - Dòng sông kết nối các nền văn hóa”; sau đó, cùng đoàn cồng chiêng đi biểu diễn ở nhiều nước khác. Tháng 7/2014, ông cùng 9 thành viên trong đội cồng chiêng của làng tham gia Liên hoan Gannat lần thứ 41 tại Pháp (2-29/7/2014). Ngoài ra, Đội cồng chiêng và xoang của làng Đăk Wơk còn tham gia biểu diễn nhiều nơi trong nước, tham gia các hoạt động văn hóa tại Làng Văn hóa - Du lịch cộng đồng các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) để giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc với du khách Việt Nam và quốc tế.

Còn nhiều, rất nhiều nghệ nhân trong các làng đồng bào DTTS ở tỉnh ta có niềm đam mê vô tận với việc sưu tầm, giữ gìn và truyền dạy cho thế hệ trẻ của dân tộc mình “ngọn lửa” đam mê gìn giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa của các dân tộc như nghệ nhân A Biu, Y Blưn, A Thút. Họ chính là những “báu vật của làng”.      

Thảo Nguyên

Chuyên mục khác