Gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống

04/08/2020 06:01

Với hơn 60% dân số là đồng bào DTTS, Kon Rẫy được biết đến là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Những năm qua, xác định giữ gìn các giá trị văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, huyện Kon Rẫy luôn quan tâm, có các chính sách giữ gìn, khôi phục, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc trên địa bàn.

Xem nhà rông là linh hồn của làng, là nơi khí thiêng của đất trời tụ lại để bảo vệ cho dân làng, từ bao đời nay, người dân trên địa bàn huyện Kon Rẫy vẫn luôn gìn giữ, bảo vệ những mái nhà rông truyền thống.

“Đã có làng là phải có nhà rông. Nhà rông là sức sống, là cội nguồn, là chốn linh thiêng để các vị thần trú ngụ. Làng mà không có nhà rông, không khác nào nhà không có bếp” – già làng A Reo, thôn 10, xã Đăk Kôi nhấn mạnh.

Có lẽ bởi vậy mà Kon Rẫy  là một trong những điểm sáng của tỉnh trong việc giữ gìn, khôi phục nhà rông truyền thống. Những ngôi nhà rông bằng tranh tre, nứa, gỗ được dựng với niềm tin, hợp sức của cả cộng đồng luôn sừng sững giữa làng, thể hiện sự kết nối của con người với thiên nhiên.

“Việc tìm kiếm nguyên liệu cũng “bí” lắm. Nhưng, để gìn giữ bản sắc văn hóa, bà con dân làng mình cùng hợp sức, đồng lòng để làm” – già làng A Winh, làng Kon Dơ Xing, xã Đăk Tờ Re bảo vậy.

Không chỉ giữ gìn nếp làng qua những mái nhà rông, với sự chỉ đạo thường xuyên của UBND huyện trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, người dân tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện còn giữ gìn, khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc: đàn hát dân ca, hát ru, hát kể sử thi, diễn tấu cồng chiêng, múa xoang...

Như tại thôn 11, làng Kon Ktủ, xã Đăk Ruồng, nhiều năm nay, già làng A Blếch và chị Y Liễu – Chi hội trưởng phụ nữ vẫn duy trì việc dạy cồng chiêng, múa xoang cho các em nhỏ. Mỗi ngày, sau giờ làm việc vất vả, cả đội lại tập hợp để học đánh cồng chiêng. Từ 1 lớp, 2 lớp, dần dà, vượt qua những khó khăn, tre già, măng mọc, vào các lễ hội, từ lớp trẻ đến lớp gạo cội đều hăng hái tham gia.

Giữ gìn nghề đan truyền thống. Ảnh: BA

 

Già làng A Blếch tâm sự: “Cồng chiêng, múa xoang là giá trị văn hóa không thể thiếu trong đời sống của dân tộc Ba Na. Chúng tôi sẽ cố gắng truyền dạy để giá trị văn hóa mãi được phát huy”.

Ngoài việc khuyến khích truyền dạy cồng chiêng, mỗi năm, huyện còn tổ chức nhiều hội thi, hội diễn, liên hoan văn hóa cồng chiêng cấp huyện và cấp cơ sở, để cho tiếng cồng chiêng mãi ngân vang. Tính đến nay, toàn huyện Kon Rẫy còn lưu giữ hơn 100 bộ cồng chiêng với khoảng 50 đội cồng chiêng. Điều đó cho thấy, dòng chảy văn hóa vẫn mãi êm đềm nối dài.

Bên cạnh đó, các nghề thủ công truyền thống: đan lát, dệt thổ cẩm, làm rượu cần… cũng được chính quyền các cấp khôi phục và truyền dạy cho các lớp trẻ. Các lễ hội: ăn lúa mới, lễ tết dân tộc, cúng máng nước, lễ tết con dúi,...  cũng như văn hoá ẩm thực các dân tộc thiểu số khác nhau nên tạo ra những món ăn đặc trưng của từng dân tộc như: rượu ghè, cơm lam, thịt nướng (chuột, cá khô, thịt rừng,...), lá mì,... đều được gìn giữ và phát huy.

Cùng với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, việc thực hiện nếp sống văn hóa mới trong đồng bào DTTS có nhiều chuyển biến tích cực. Các hủ tục đã được xóa bỏ; việc ma chay, hiếu hỉ được thực hiện đúng quy định về nếp sống văn minh; nhiều mô hình, điển hình tốt được phát huy. Công tác tổ chức lễ hội theo hướng đơn giản, tiết kiệm, không phô trương hình thức.

Phát huy những kết quả đạt được, hiện nay, trên địa bàn huyện đang triển khai Đề án Phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Kon Rẫy, giai đoạn 2015 – 2020. Bên cạnh đó, huyện cũng đang triển khai phát động phong trào hiến, tặng, sưu tầm và trưng bày những hiện vật văn hóa truyền thống các DTTS; triển khai việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống các DTTS tại chỗ trên địa bàn huyện.

“Đây là cơ sở cho công tác triển khai và thực hiện việc phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, qua đó xây dựng kế hoạch bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, từng bước tạo ra những sản phẩm mới trong hoạt động văn hóa, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xóa đói giảm nghèo, đi đôi với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc” – bà Đinh Thị Hồng Thu, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, huyện xác định tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân để cùng gìn giữ, phát huy các thiết chế văn hóa ở cơ sở theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; ưu tiên đầu tư nguồn lực để bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống; lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với phát huy bản sắc văn hóa của địa phương; vận động các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội và nhân dân tự nguyện đóng góp nguồn lực để duy trì hoạt động thường xuyên của các thiết chế văn hóa cơ sở.

“Chúng tôi sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ sưu tầm, tôn tạo và khôi phục các làng nghề truyền thống, các giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn, thực hiện có hiệu quả công tác phát triển du lịch gắn với phát triển văn hóa. Đặc biệt, tổ chức hướng đến quy hoạch các địa bàn, khu dân cư nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa trong vùng đồng bào DTTS...” – bà Đinh Thị Hồng Thu cho biết thêm. 

Bình An

Chuyên mục khác