21/04/2020 06:04
Vì sao trẻ em hiện nay lười đọc sách?
Trước sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mọi người chỉ cần lên mạng là có thể tìm kiếm thông tin dễ dàng. Việc này không chỉ phổ biến ở người lớn mà ngay cả giới trẻ cũng vậy. Điều này cho thấy sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số đã trở thành một trong những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ lười đọc sách.
Nguyên nhân khác cũng gây nhiều tranh luận trong phụ huynh là áp lực học hành hiện nay của trẻ là quá lớn, khiến trẻ không có thời gian thư giãn hay đọc sách.
Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh hiện nay chưa có thói quen mua sách cho con. Ngay chính bản thân phụ huynh cũng thờ ơ, không thường xuyên đọc sách nên không thể làm gương cho con mình trong việc đọc sách…
Việc phát triển thói quen, xây dựng văn hóa đọc sách ngay từ khi trẻ biết đọc là điều cần thiết. Tuy nhiên, do sự tác động của nhiều yếu tố mà thói quen đọc sách của trẻ đang bị xem nhẹ, làm cho trẻ thờ ơ với đọc sách.
Gieo mầm văn hóa đọc cho học sinh
Những năm qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có nhiều “sáng kiến” gieo mầm văn hóa đọc cho học sinh. Các trường có nhiều hoạt động thiết thực, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm Ngày Sách Việt Nam 21/4 hàng năm. Trong ngày này, các thầy cô giáo thi trình bày và giới thiệu sách, học sinh tham gia đóng các trích đoạn về các câu chuyện mà các em được học, thi kể chuyện theo sách; phụ huynh và học sinh cùng tham gia quyên góp sách cho thư viện hoặc tặng sách cho các bạn học sinh nghèo... Những hoạt động đó phần nào làm thay đổi nhận thức của học sinh và phụ huynh về sách, đặc biệt là trong bối cảnh rất nhiều học sinh của các trường còn khó khăn, không có điều kiện tiếp cận với sách nhiều.
Qua các hoạt động này, suy nghĩ về sách và thói quen đọc sách của học sinh trong các trường có sự chuyển biến tích cực. Các em hào hứng hơn về sách và thích thú với những câu chuyện giáo dục đạo đức và cách ứng xử. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở huyện Đăk Hà chia sẻ: Văn hóa đọc phải được rèn luyện từ nhỏ và trường học là môi trường tốt nhất để rèn thói quen này cho các em. Bên cạnh việc tổ chức ngày hội đọc sách, việc xây dựng các tủ sách thư viện lưu động ở các lớp hoặc triển khai nhiều hoạt động thú vị tại thư viện trường như: đọc sách và ra những câu đố vui cho các em giải với mục đích tạo cho các em có thêm khả năng tư duy; giới thiệu sách hay trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, giới thiệu dưới cờ, thông qua chương trình phát thanh măng non của nhà trường, học sinh tham gia sưu tầm và triển lãm trang bìa sách, đoạn văn hay, bài thơ hay, hình ảnh đẹp... cũng được ban giám hiệu nhà trường quan tâm tổ chức thường xuyên.
|
Thư viện Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Ngọc Hồi) được xây dựng với không gian mở theo hướng thân thiện. Tại đây, ngoài việc tham gia đọc sách, học sinh được khuyến khích thể hiện suy nghĩ, cảm xúc ở góc sáng tạo. Rất nhiều học sinh đã chia sẻ những câu chuyện hay, những nhân vật mà các em yêu thích, từ đó góp phần thu hút thêm bạn đọc. Nhà trường cũng ưu tiên đầu tư cho thư viện, trong đó sử dụng công nghệ thông tin vào việc tìm kiếm nhằm tạo thuận lợi cho học sinh trong quá trình tra cứu tài liệu.
Như vậy, bằng nhiều cách làm khác nhau, chúng ta vẫn có thể nhen nhóm và làm lan tỏa tình yêu sách đến với tất cả mọi người, nhất là với lứa tuổi học sinh. Để rồi từ những cuốn sách hay, từ những bài học bổ ích…, mọi người có thể viết thêm nhiều câu chuyện mới, câu chuyện về sự bao dung, chia sẻ với những cái kết có hậu, đem đến niềm vui và hạnh phúc cho mọi người.
Đưa “văn hóa đọc” về vùng sâu, vùng xa
Được sự quan tâm của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, tháng 10/2019, Bảo tàng - Thư viện tỉnh tiếp nhận xe thư viện đa phương tiện lưu động với kinh phí đầu tư gần 1 tỷ đồng. Xe thư viện được trang bị 5.000 bản sách, 6 máy tính, 1 máy chiếu, ti vi, loa và bàn ghế. Mỗi chuyến xe thư viện lưu động lăn bánh sẽ mở ra nguồn tri thức mới cho các em thanh thiếu nhi, góp phần rèn luyện cho các em thói quen và niềm say mê đọc sách, đồng thời tạo cơ hội cho người dân ở vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận với sách báo, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Đây là hình thức phục vụ mới nhằm đáp ứng được nhu cầu đọc sách, tìm kiếm thông tin của mọi người dân, nhất là những vùng khó khăn, giúp họ có thể tiếp cận nguồn sách báo và công nghệ thông tin miễn phí tại địa phương mình.
Chị Trần Thị Kim Phương, Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh cho biết: Từ khi đưa xe thư viện lưu động đi vào hoạt động đến nay, xe thư viện lưu động đã tổ chức 15 đợt phục vụ cho 6.300 lượt bạn đọc với 14.932 cuốn sách, 6.861 lượt tài liệu, 125 lượt truy cập internet, trao 413 phần quà; trưng bày 55 ảnh, trong đó 20 ảnh giới thiệu những cuốn sách về địa chí, 35 ảnh về văn hóa các dân tộc, về lễ hội cộng đồng; chiếu 1 bộ phim về “Nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Xơ Đăng”... cho học sinh các trường và đồng bào các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
“Việc phục vụ đọc sách lưu động tuy bước đầu đã đạt được mục tiêu đưa sách đến với người dân, chuyển tải được thông điệp về lợi ích của việc đọc sách, nhưng đó chỉ mang tính chất “gieo mầm”. Bởi lẽ, muốn phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng bền vững thì hoạt động đọc sách cần được trau dồi thường xuyên; cần có sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành, từ gia đình đến xã hội; trong đó, ngành thư viện, nhất là hệ thống thư viện huyện, thư viện trường học đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì phong trào đọc sách. Có như vậy “văn hóa đọc” mới thật sự mới bám rễ trong đời sống cộng đồng” - chị Phương chia sẻ.
Cao Cường