Giao mùa, số trẻ em nhập viện tăng cao

28/10/2022 06:02

Hiện nay, đang là thời kỳ giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột, độ ẩm không khí cao, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm lớn đã tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển và lây lan. Đây là thời điểm trẻ em dễ bị suy giảm sức đề kháng và mắc bệnh. Chính vì vậy, thời gian qua, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số lượng trẻ em nhập viện tăng cao.

Theo số liệu thống kê, từ đầu tháng 9/2022 đến nay, Khoa Nhi- Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận trên 1.700 lượt bệnh nhi đến khám và điều trị; trong đó có gần 1.000 trẻ phải nhập viện, tăng đáng kể với các tháng khác trong năm.

Các bác sĩ ở Khoa Nhi cho biết, vào thời điểm giao mùa này, trẻ em thường mắc các bệnh hô hấp như hen phế quản, viêm tiểu phế quản cấp, viêm phổi, viêm mũi họng, cảm cúm; các bệnh về tiêu hóa như viêm dạ dày ruột cấp, tiêu chảy cấp và các bệnh lây nhiễm như sốt xuất huyết, sốt siêu vi, sởi, tay-chân-miệng. Trong đó, đáng chú ý là 2/3 số trẻ em đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong thời gian qua mắc các bệnh về hô hấp.

Hiện nay, mỗi ngày Khoa Nhi tiếp nhận 50-60 bệnh nhi đến khám, khoảng 20 bệnh nhi nhập viện để chăm sóc và điều trị. Do số lượng bệnh nhi nhập viện tăng cao, ngoài 95 giường bệnh theo chỉ tiêu được giao, Khoa Nhi đã bố trí thêm 35 giường bệnh để đáp ứng so với nhu cầu thực tế, nhưng vẫn quá tải.

Khám và điều trị bệnh nhi nhập viện. Ảnh: T.L

 

Để phòng tránh các bệnh giao mùa ở trẻ em, bác sĩ khuyến cáo cần tiêm bổ sung cho trẻ các loại vắc xin HIB, Cúm, Rotavirus để nâng cao sức đề kháng và hệ miễn dịch. Khẩu phần ăn cho trẻ cần đa dạng, đầy đủ, đảm bảo cung cấp các loại vitamin và khoáng chất cần thiết; không cho trẻ uống nước đá, ăn kem lạnh. Phụ huynh cần giữ vệ sinh khu vực sống, chủ động diệt lăng quăng/bọ gậy; vệ sinh sạch sẽ thân thể cho trẻ; giữ ấm cho trẻ khi trời chuyển lạnh, nhất là các vị trí quan trọng như bàn tay, bàn chân, ngực, cổ, đầu. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc nhiều người, nhất là với những người có biểu hiện bị cảm ho và dùng khẩu trang cho trẻ ở nơi công cộng.

Ở giai đoạn giao mùa, triệu chứng bệnh thường gặp nhất ở trẻ là sốt cao. Phụ huynh cần theo dõi nhiệt độ sốt của trẻ, nếu sốt từ 38,5oC trở lên phải nhanh chóng cho uống thuốc hạ sốt có chứa hoạt chất paracetamol theo đúng liều lượng trên bao bì, tránh tình trạng trẻ bị sốt quá cao, co giật; tiến hành lau bằng khăn ấm khắp cơ thể để trẻ nhanh hạ sốt hơn. Trẻ bị sốt sẽ bị mệt mỏi, đau nhức, rất cần được nghỉ ngơi trong môi trường trong lành, không tiếng ồn.

Nếu thấy trẻ có một số dấu hiệu như ho nhiều, sốt cao khó hạ, thở nhanh, nôn tất cả mọi thứ, không uống được, co giật, bỏ bú, nằm li bì, đi cầu phân lỏng có nhầy máu cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, chăm sóc và điều trị tích cực.

“Nhiều phụ huynh tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh cho trẻ khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Đây là thói quen không tốt, dẫn đến làm tăng khả năng vi khuẩn kháng lại thuốc kháng sinh, gây khó khăn trong điều trị bệnh ở trẻ sau này. Khi trẻ bị bệnh, phụ huynh nên đưa con đi khám và uống thuốc theo đơn của bác sĩ”- bác sĩ Mạc Thị Như Thủy, Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh lưu ý thêm.    

Tấn Lộc

Chuyên mục khác