Gian khó và nguy hiểm khi phản ánh vấn đề tiêu cực

21/06/2017 09:40

Thời gian qua, nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng được nhiều nhà báo phát hiện, phản ánh trên mặt báo, sau đó cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Để có được những bài báo đó, nhà báo phải gian khổ, lăn lộn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng trong quá trình tác nghiệp…

Không nói đâu xa, mới sáng 13/6 này, nhóm phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam đang tác nghiệp tại địa bàn xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn (thành phố Hà Nội) để đưa tin về vấn đề lấn chiếm đất công và trong khi đang tác nghiệp, nhóm phóng viên đã bị một chiếc xe chạy đâm thẳng vào người và máy quay.

Rất may là cả 4 phóng viên trên đã kịp thời né tránh được nên không ai bị thương. Điều này cho thấy, không chỉ tính mạng nhà báo bị đe dọa trong quá trình tác nghiệp, mà còn thể hiện sự liều lĩnh, bất chấp pháp luật của người điều khiển xe ô tô, vì vậy cơ quan chức năng cần điều tra, truy tìm thủ phạm, xử lý nghiêm trước pháp luật.

Gặp khi trời mưa, đường lầy lội cũng là nỗi vất vả trong quá trình tác nghiệp. Ảnh: V.P

 

Câu chuyện của nhóm phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam bị tấn công cho thấy việc chống tiêu cực của nhà báo thực sự không phải chuyện dễ, thậm chí rất gian khổ và nguy hiểm đến tính mạng.

Với tôi, trong gần 20 năm làm ở Báo Kon Tum, tôi cũng đã nhiều lần lăn lộn đi vào những “điểm nóng” để phản ánh về tình trạng tiêu cực trên địa bàn tỉnh và cũng gặp nhiều khó khăn gian khổ khi đi thực tế phản ánh những vấn đề tiêu cực. Trong những chuyến đi thực tế đó, tôi cũng gặp khá nhiều tình huống nguy hiểm đến tính mạng nhưng đã may mắn được bình an.

Nói về những kỷ niệm đó, với tôi, cho đến nay đã hơn 15 năm tôi vẫn còn nhớ như in lần thâm nhập vào bãi khai thác vàng trái phép tại thôn Đăk Ri Pen, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô để tác nghiệp. Khi ấy, biết là nếu đi một mình thì sẽ nguy hiểm bởi sự manh động của “vàng tặc” nên chúng tôi liên hệ với Công an huyện Đăk Tô cùng phối hợp thâm nhập bãi vàng. Anh Tuấn- Cảnh sát Hình sự huyện Đăk Tô (hiện nay đang là Phó Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh) cùng một số đồng nghiệp của anh giúp đỡ chúng tôi thâm nhập bãi vàng vào ban đêm.

Khi chiếc xe của chúng tôi vào tới giữa các lán trại ở bãi vàng, lúc này không những đối tượng không sợ mà còn dùng đá tấn công vào đoàn chúng tôi làm kính của chiếc xe U oát bị vỡ.

Thấy đối tượng khai thác vàng đông, lại liều lĩnh, manh động, trong khi đó đoàn chúng tôi chỉ có mấy anh em, anh Tuấn liền điện thoại cho lãnh đạo đề nghị huy động thêm lực lượng hỗ trợ; đồng thời đề nghị xã Tân Cảnh huy động lực lượng dân quân cùng hỗ trợ để dẹp “vàng tặc”.

Trong trường hợp này, chúng tôi buộc phải cố thủ trong xe U oát cho đến khi lực lượng hỗ trợ tới ứng cứu. Lúc này các đối tượng mới bỏ chạy, chúng tôi mới thâm nhập được vào tận “địa đạo” vàng tặc khai thác. Và sau đó, chúng tôi có loạt phóng sự về bãi vàng này và được độc giả đánh giá cao.

Một kỷ niệm khác mà tôi thấy thực sự nguy hiểm khi phản ánh những vấn đề tiêu cực là khi chúng tôi thâm nhập vào khu rừng Mô Rai (huyện Sa Thầy) phản ánh tình trạng lâm tặc phá rừng, cách đây cũng hơn 10 năm. Khi ấy, vùng rừng này đang là điểm nóng về tình trạng khai thác rừng trái phép.

Để có những tấm ảnh, chứng kiến sự thật về tình trạng trên, tôi cùng anh Xuân Nhàn (khi ấy là Trưởng phòng Phóng viên kinh tế Báo Kon Tum và hiện nay đang là phóng viên Báo Lao động thường trú tại Bình Định) thâm nhập các điểm khai thác.

Để có được những hình ảnh chân thực nhiều khi phóng viên gặp rất nhiều nguy hiểm. Ảnh: V.P

 

Chúng tôi cải trang làm người đi săn, bẫy chim lội vào tận khu vực lâm tặc đang khai thác để ghi nhận thực tế, chụp ảnh. Biết là nguy hiểm nếu bị lâm tặc phát hiện, vì vậy hai anh em chúng tôi hết sức cẩn thận, tìm đến những gốc cây to, hoặc chọn bụi rậm để quay phim, chụp ảnh. Khi đã đầy đủ tư liệu, chúng tôi trở về xã tìm gặp người được cho là chủ khai thác để lấy thêm bằng chứng rồi trở về thành phố.

Trong suốt chặng đường từ xã về thành phố, dường như 2 anh em chúng tôi cùng có một sự cảm nhận nguy hiểm nên “cắm đầu cắm cổ” chạy thật nhanh. Đến khi về tới thành phố, 2 anh em mới thở phào nhẹ nhõm.

Chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ, trách nhiệm của báo chí. Dù biết là nguy hiểm, nhưng trong cuộc đấu tranh này, nhà báo phải thực sự dũng cảm, yêu nghề, lăn lộn thì mới có được những bài báo hay, phản ánh chân thực vấn đề…  

Văn Phương

Chuyên mục khác