Giảm thiểu hôn nhân cận huyết thống trong vùng ĐBDTTS

26/12/2020 06:03

Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2025” theo Quyết định 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 498), thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố triển khai việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) trên địa bàn, bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 498, Ban dân tộc tỉnh phối hợp chính quyền các địa phương, các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân với cách làm phong phú, linh hoạt, phù hợp với thực tế, từ đó nhận thức của người dân về TH&HNCHT được nâng lên. Đặc biệt, các tổ tư vấn đã làm tốt vai trò thường xuyên tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ cho các hộ gia đình trong thôn hoặc khi có phát sinh các trường hợp có thể dẫn tới TH&HNCHT bằng tiếng phổ thông và tiếng DTTS. Đây là cách làm mang lại hiệu quả trong thực hiện Đề án 498, từ đó góp phần giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong đồng bào DTTS.

Trong giai đoạn 2015-2020, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức 19 hội nghị tuyên truyền trực tiếp cho 2.770 lượt người; Sở Y tế tuyên truyền cho gần 50.000 lượt người; các huyện, thành phố tuyên truyền trên 104.000 lượt người về TH&HNCHT. Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh và các huyện, thành phố đã lắp đặt 15 cụm pa nô, 136 băng rôn, 29 bảng tuyên truyền, cấp phát 30.000 tờ rơi và 200 đĩa DVD cho các thôn có tỷ lệ TH&HNCHT cao để tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.

Đồng bào DTTS đọc báo, nâng cao nhận thức, giảm thiểu TH&HNCHT. Ảnh: T.N

 

Ban Dân tộc tỉnh triển khai xây dựng 2 mô hình điểm tại 2 xã Đăk Nên và Ngọc Tem (huyện Kon Plông), nơi có tỷ lệ TH&HNCHT cao, thực hiện từ năm 2016-2018. Qua đó, đã thành lập 22 tổ tư vấn tại 22 thôn, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động người dân trong việc nâng cao nhận thức về TH&HNCHT.

Sau 3 năm thực hiện, 2 mô hình thí điểm này đã cho kết quả như mong đợi. Cụ thể tại xã Ngọc Tem, năm 2015 có 23 trường hợp tảo hôn và 1 trường hợp HNCHT; năm 2016 giảm còn 9 trường hợp; năm 2017 giảm còn 8 trường hợp; năm 2018 giảm còn 2 trường hợp tảo hôn và không còn HNCHT. Còn ở xã Đăk Nên, năm 2015 có 11 trường hợp tảo hôn; năm 2016 giảm còn 9 trường hợp; năm 2017 giảm còn 8 trường hợp; năm 2018 giảm còn 2 trường hợp tảo hôn và không có trường hợp nào là HNCHT.

Từ kết quả trên, giai đoạn 2018-2020, Ban Dân tộc tỉnh đã nhân rộng mô hình thí điểm nêu trên tại 2 xã Đăk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy) và xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy). Qua 3 năm triển khai, hiệu quả mang lại rất tốt; trước năm 2018, Rờ Kơi có 5 trường hợp và Đăk Tơ Lung có 6 trường hợp tảo hôn, đến nay tại 2 xã này không còn tình trạng TH&HNCHT. 

Để đánh giá việc thực hiện Đề án 498, Ban Văn hoá-Xã hội HĐND tỉnh đã tiến hành khảo sát về vấn đề này; qua đó cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế trong quá trình triển khai.

Theo bà Phan Thị Thủy - Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh, việc triển khai Đề án 498 chỉ thực hiện tốt ở những địa phương có thực hiện mô hình điểm và mô hình nhân rộng (Kon Plông, Kon Rẫy và Sa Thầy); các địa phương còn lại và các cơ quan liên quan chưa quan tâm đến việc triển khai thực hiện. Tình trạng tảo hôn có xu hướng tăng trở lại trên địa bàn các huyện, các xã; trong đó tập trung nhiều ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Chính quyền địa phương còn lúng túng trong việc xử lý, vận động, thuyết phục các cặp tảo hôn chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật.

Mặt khác, công tác phối hợp, hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án của các cơ quan, đơn vị liên quan chưa đồng bộ; việc phân công nhiệm vụ triển khai, theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện Đề án ở cấp huyện còn có sự chồng chéo, chưa có sự thống nhất.

Để nâng cao hiệu quả đề án, trong thời gian tới, bên cạnh việc quan tâm bố trí kinh phí triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án, các ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền về TH&HNCHT, lồng ghép với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; thường xuyên rà soát, nắm bắt, thống kê các trường hợp TH&HNCHT trên địa bàn để có giải pháp xử lý kịp thời.         

Thảo Nguyên

Chuyên mục khác