15/05/2019 13:16
Đưa chúng tôi đi thực tế tại bếp ăn tập thể của Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, cơ sở giáo dục này có 456 học sinh đang theo học nội trú tại đây.
Theo quy định về chế độ ăn ở bán trú, hàng ngày, các em học sinh được ăn 3 bữa: sáng, trưa và chiều. Cô Nguyễn Thị Hà - cán bộ phụ trách công tác cấp dưỡng của nhà trường chia sẻ, hàng ngày, 9 nhân viên phục vụ bếp ăn tập thể của trường phải có mặt từ 4h 30 phút sáng để chế biến thức ăn buổi sáng cho học sinh. Sau khi học sinh ăn sáng vào lớp học tập, các cấp dưỡng chia nhau quét dọn không gian bếp ăn một chiều sạch sẽ. Tiếp đó, bộ phận cấp dưỡng trực sẽ tiếp nhận, kiểm tra thực phẩm tươi sống do các chủ cửa hàng (đã ký hợp đồng đầu mỗi năm học) đưa đến để sơ chế, nấu thức ăn bữa trưa và lưu giữ phục vụ bữa ăn chiều trong ngày cho các em.
Theo đánh giá của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, bếp ăn của Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh được kiểm tra, đánh giá hàng năm đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định, bao gồm: bếp ăn một chiều có phòng nhập thực phẩm tươi sống, phòng sơ chế và chế biến (nấu thức ăn), phòng bảo quản và phòng phân chia thức ăn đã nấu chín, đến khu vực nhà ăn có đủ bàn ghế phục vụ gần 500 chỗ ngồi đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Nhà trường có đầy đủ các hợp đồng ký kết với các cơ sở cung cấp thực phẩm tươi sống rõ ràng, cơ bản đảm bảo nguồn gốc về nơi trồng (các loại rau, củ quả...), chăn nuôi (gia súc, gia cầm) và sơ chế ban đầu tại các lò mổ có địa chỉ kiểm định an toàn của ngành chức năng tỉnh.
Thầy Hồ Thân Em - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh cho biết thêm, để đảm bảo cho học sinh có đủ sức khỏe học tập vui chơi và phát triển về thể chất, nhà trường luôn quan tâm đến việc đảm bảo dinh dưỡng từng bữa ăn. Ban giám hiệu đã giao cho Tổ cấp dưỡng và nhân viên y tế của trường cùng phối hợp, giám sát tất cả công đoạn ở bếp ăn như: chọn mua thực phẩm phải đảm bảo rõ nguồn gốc hàng hóa tươi, sống; quá trình chế biến thực phẩm phải đảm bảo sạch sẽ, an toàn. Ngoài ra, nhà trường còn huy động học sinh trồng thêm rau xanh, củ quả để cung cấp bữa ăn phong phú hơn.
|
Đến tham quan bếp ăn tập thể của Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (thành phố Kon Tum), đúng 10h 45 phút, gần 500/800 học sinh đăng ký ăn trưa tại trường đã được các cô cấp dưỡng phục vụ bữa ăn. Cụ thể, mỗi học sinh có một khay đựng đồ ăn riêng với định suất: 1 phần cơm, 1 phần thịt bò kho với cà sốt và 1 phần canh bầu nấu tôm, được trình bày khá đẹp mắt.
Đoàn kiểm tra đột xuất đã dạo quanh khu vực chế biến thức ăn trước đó của trường. Qua quan sát, nhà bếp có nơi chế biến thực phẩm được quét dọn sạch sẽ, không có ruồi nhặng xuất hiện sau khi đã hoàn tất các khâu nấu thức ăn chín. Các trang thiết bị chế biến thức ăn sau khi sử dụng xong cũng được rửa dọn. Quá trình học sinh sử dụng thực phẩm đã chế biến, thì bộ phận cấp dưỡng tiến hành đưa các mẫu thực phẩm lưu (đã qua chế biến) về khu vực bảo quản lưu mẫu theo quy định.
Cô Lê Thị Ánh Tuyết - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ thông tin: Đối với công tác quản lý bếp ăn tập thể của đơn vị, nhà trường đã phân công 1 Phó Hiệu trưởng trực tiếp kiểm tra, giám sát việc nhập nguyên liệu đảm bảo rõ nguồn gốc, hàng hóa có thời hạn sử dụng rõ ràng; các địa chỉ cung cấp thực phẩm phải là cơ sở được các ngành chức năng tỉnh cấp giấy chứng nhận kinh doanh - sản xuất đạt yêu cầu về an toàn; quá trình chế biến thực phẩm đến phục vụ bữa ăn hàng ngày cho học sinh ở bán trú phải đảm bảo đúng quy định bếp ăn một chiều.
|
Ông Nguyễn Trường Hồng - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết thêm, hàng năm, đơn vị đều phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành kiểm tra việc tổ chức bếp ăn tập thể ở các trường học. Trong đó, 2 bếp ăn tập thể trên được đánh giá đạt các tiêu chuẩn cơ bản về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, năm học 2018-2019, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh thực hiện kiểm tra tại 53 bếp ăn, căn tin trường học trong toàn tỉnh vẫn cho thấy có vài thời điểm và vài trường học chưa thực hiện đúng cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn ở bếp ăn tập thể, ví dụ như: khu vực chế biến thực phẩm chưa đảm bảo vệ sinh do đặt gần nhà vệ sinh chung; nguồn nước sử dụng chưa được kiểm định về an toàn, nhưng vẫn được đưa vào sử dụng hàng ngày...
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trường Hồng cho rằng, công tác kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm trong các bếp ăn trường học đã được thực hiện, nhưng theo quy định hiện nay, chỉ tiến hành kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất 1-2 lần/đơn vị/năm. Để hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc, mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở trường học, các ngành chức năng cần quan tâm mở cơ chế kiểm tra, giám sát đột xuất nhiều hơn nữa. Đồng thời, một vài trường học có hạn chế, tồn tại sau mỗi đợt kiểm tra cần sớm khắc phục để đảm bảo vệ sinh an toàn trong bếp ăn tập thể.
Mai Trâm