Giải quyết tốt đơn thư khiếu nại về đất đai

14/03/2024 06:35

Dù đã được đặc biệt quan tâm giải quyết, tháo gỡ, nhưng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội vẫn phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo ở lĩnh vực đất đai. Vì vậy, giải quyết tốt nội dung này sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững.

Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, trong những năm qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh luôn quan tâm đến công tác giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai, đặc biệt là vùng DTTS và miền núi.

Theo đó, đã kịp thời ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tranh chấp của công dân.

Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện ngày càng có hiệu quả; nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân. Kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm một số tồn tại, khuyết điểm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Giữa cơ quan hành chính và cơ quan tư pháp đã có sự phối hợp chặt chẽ trong tổ chức, thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Vì vậy, tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai trên địa bàn cơ bản đã được kiểm soát, giải quyết theo quy định pháp luật, tình hình an ninh, trật tự về cơ bản vẫn được giữ ổn định.

Tăng cường đối thoại với công dân khi thu hồi đất triển khai dự án. Ảnh: H.L

 

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội vẫn phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo ở lĩnh vực đất đai.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2023 các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 1.320 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, gồm 62 đơn khiếu nại, 30 đơn tố cáo, 1.228 đơn kiến nghị, phản ánh. Trong đó đơn liên quan đến đất đai chiếm chủ yếu, với 40 đơn khiếu nại, 788 đơn kiến nghị, phản ánh.

Cũng trong năm 2023, các cơ quan, đơn vị địa phương trên địa bàn tỉnh đã tiếp 319 lượt/364 người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trong đó có 186 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về lĩnh vực  đất đai.

Nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất thực hiện dự án; tranh chấp đất lấn chiếm.

Theo UBND tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Về khách quan, hệ thống chính sách pháp luật đất đai còn nhiều bất cập, thường xuyên thay đổi, nên việc áp dụng cho từng trường hợp cụ thể chưa kịp thời.

Những tồn tại có tính lịch sử, như việc cho thuê, cho mượn, cầm cố đất trong nội bộ nhân dân; việc đưa đất vào các tập đoàn sản xuất, các nông, lâm trường nhưng không có hoặc không lưu giữ được các tài liệu, sổ sách.

Nhận thức pháp luật về đất đai của một bộ phận người dân còn hạn chế; vẫn còn tồn tại các phong tục, tập quán truyền thống, luật tục với những quy định lạc hậu về sở hữu đất đai chưa được loại bỏ trong tiềm thức của một bộ phận dân chúng ít có điều kiện tiếp xúc với pháp luật.

Một số trường hợp, mặc dù hiểu rõ các quy định của pháp luật nhưng người dân vẫn cố tình không chấp hành quyết định đã giải quyết đúng pháp luật nên tiếp tục gửi đơn nhiều nơi, vượt cấp.

Một số trường hợp khác, mặc dù không bị xâm phạm về quyền, lợi ích trực tiếp nhưng bị kẻ xấu kích động, xúi giục, lôi kéo nên phát sinh đơn khiếu nại, tố cáo; hoặc không chấp hành kết quả giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền, mặc dù việc giải quyết đã thấu tình, đạt lý.

Rà soát, giải quyết dứt điểm các trường hợp xâm canh, lấn, chiếm, tranh chấp đất đai. Ảnh: HL

 

Về chủ quan, công tác quản lý nhà nước về đất đai, trong đó có liên quan đến đất nông, lâm trường trong thời gian dài còn nhiều hạn chế. Quá trình thực hiện thu hồi đất để thực hiện dự án chưa giải quyết tốt mối quan hệ lợi ích giữa nhà đầu tư với người dân nên đã tạo xung đột về lợi ích.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai của chính quyền các cấp ở một số nơi còn thiếu quyết liệt, tình trạng công dân gửi đơn khiếu nại vượt cấp lên các cơ quan Trung ương vẫn chiếm tỷ lệ cao.

Một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động thuyết phục, hướng dẫn người khiếu nại về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận, trong thời gian tới, tình hình khiếu kiện của người dân vẫn còn những diễn biến phức tạp, tập trung trong lĩnh vực tranh chấp đất đai, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản.

Vì vậy, cần xác định công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng; mọi khiếu nại, tố cáo phải được xem xét, giải quyết với tinh thần trách nhiệm cao, đúng pháp luật.

Trong đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất, trong đó có phần đất liên quan đến nông, lâm trường và các tổ chức sự nghiệp để xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Rà soát, giải quyết dứt điểm các trường hợp xâm canh, lấn, chiếm, tranh chấp đất đai.

Tăng cường đối thoại với công dân trong quá trình giải quyết khiếu nại, nhất là khi triển khai thực hiện các dự án, giải phóng mặt bằng, đền bù, giải tỏa. Thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng cho hộ đồng bào DTTS để sớm ổn định cuộc sống.

Một lợi thế trong thời gian tới là theo Luật Đất đai sửa đổi (được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 18/1/2024, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) đã quy định chi tiết 32 trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Đây là một bước tiến lớn, giúp minh bạch, cụ thể hóa, khắc phục được tính chất chung chung trong thu hồi đất. Từ đó góp phần kéo giảm đơn thư khiếu kiện liên quan đến đất đai.         

Hồng Lam

Chuyên mục khác