“Giải cứu” trong đại dịch

15/06/2021 05:48

Mấy năm gần đây, “giải cứu nông sản” đã trở thành cụm từ quen thuộc với nhiều người, nhất là cư dân đô thị. Hầu như bất cứ ai đều luôn sẵn lòng mua thêm một ít su hào, củ cải, hành, tỏi, dưa hấu… Trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát đúng mùa thu hoạch, hàng trăm nghìn tấn vải thiều ở “thủ phủ vải” Bắc Giang lại cần được “giải cứu”.

Hiện nay, khắp mọi miền trên đất nước đều hướng về Bắc Giang- nơi tâm dịch của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, đúng vào thời gian và cũng là “thủ phủ” của vải thiều đang bước vào mùa thu hoạch. Hình ảnh giải cứu vải thiều Bắc Giang “chiếm sóng” trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trên mạng xã hội, như facebook và zalo, cũng tràn ngập lời hô hào giải cứu vải thiều. Và tất nhiên, với tinh thần tương thân tương ái và truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của đông đảo người dân. Nhiều hội, nhóm được thành lập với chung mục đích: Giải cứu vải thiều.

Ngay cả Tổng cục QLTT (Bộ Công thương) cũng vào cuộc, phối hợp với Bưu điện Việt Nam (VNPost) triển khai Chương trình hỗ trợ tiêu thụ 3.000 tấn vải thiều Bắc Giang xuyên suốt 63 tỉnh, thành phố bắt đầu từ ngày 5/6. Chương trình được triển khai theo 2 hình thức chính: Thứ nhất, bán hàng trực tiếp thông qua mạng lưới bưu điện, bưu cục và tổ chức các điểm bán hàng lưu động; thứ hai là bán hàng trực tuyến (thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử www.postmart.vn của VNPost). 

Người dân thành phố Kon Tum mua vải thiều hỗ trợ nông dân Bắc Giang sáng 14.6. Ảnh: Phúc Thắng

 

Ở Kon Tum, chương trình “Hỗ trợ nông dân Bắc Giang tiêu thụ 3.000 tấn vải thiều” được Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh khởi động sáng 14/6, với 10 tấn vải đầu tiên được chuyển về trong đêm 13/6, bằng xe đông lạnh.

Thật tình, tôi không hề muốn dùng từ “giải cứu” với các mặt hàng nông sản, trong đó có vải thiều, mà ủng hộ việc dùng từ hỗ trợ tiêu thụ hơn. Như mọi khi, tôi lại tham gia hỗ trợ tiêu thụ bằng việc tìm đến mua mấy kg, đồng thời nhắn tin, gọi điện thông báo cho bạn bè, anh em biết và vận động họ mua, ít nhiều đều quý.

Tại đây, tôi gặp một chị gần nhà đang toát mồ hôi vì mấy chục ký vải. Gần như có phong trào giải cứu nông sản gì chị ấy cũng cố gắng mua vì nghĩ “mình may mắn hơn họ nên phải có trách nhiệm với nông dân”.

Tôi tiến lên đề nghị được xách giúp ra xe, chị gật đầu đồng ý, và cười: Mua nhiều nhiều một chút, về chia sẻ cho hàng xóm, mỗi nhà một ít. Tôi chợt nhớ lại kiểu nói chuyện nửa đùa nửa thật của chồng chị: Cứ có dịp “giải cứu” nông sản nào là y như rằng cô ấy bận tíu tít cả lên. Có khi cô ấy mua cả mấy chục ký dưa hấu, hồi cà rốt Hải Dương cần giải cứu, cũng mua cả tạ về chia. Cả nhà ăn hàng “giải cứu” thành quen.

Sau một lúc cũng đến lượt tôi nhận hàng. Cẩn thận đếm tiền, đưa cho cô bán hàng, tôi nhận một túi nilon nặng trĩu những chùm vải chính hiệu Bắc Giang tươi roi rói được bán với giá 25 nghìn đồng/kg. Nhưng trên đường về, lòng tôi lại không được nhẹ nhõm như những lần tham gia “giải cứu” nông sản trước đó.

Ít lâu sau, một người bạn trực tiếp tham gia triển khai chương trình đầy ý nghĩa ấy báo tin, chỉ trong vài tiếng đồng hồ, 10 tấn vải thiều được bày bán tại 8 điểm ở 7 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã được người dân mua hết veo.

Cứ đà này, việc tiêu thụ 30 tấn vải mà tỉnh Kon Tum đăng ký từ Chương trình cũng sẽ không mấy khó khăn- người bạn phấn khởi nói.

Tôi trân trọng niềm vui của anh, cũng như trân trọng hành động của chị hàng xóm.

Tôi cũng rất xúc động khi đọc tin các bạn trẻ ở huyện biên giới Ia H’Drai tích cực giúp nông dân giải cứu các sản phẩm nông nghiệp, trong đợt này là vải thiều. 25.000 đồng/kg, các bạn trẻ đã tiêu thụ được 1 tấn vải. Ai cũng tin rằng, đã, đang và sẽ có hàng trăm, hàng nghìn tấn vải được giải cứu bởi những tấm lòng tương thân tương ái.

Đoàn viên thanh niên huyện biên giới Ia H'Drai chung tay hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang. Ảnh: HL

 

Từng là phóng viên, viết nhiều về nông nghiệp, tôi đã thắt lòng khi thấy những người nông dân ở Diên Bình nhìn ruộng dưa chín mà không bán được với ánh mắt thẫn thờ. Đã không kìm được nỗi đau khi tận mắt nhìn thấy hàng chục tấn gừng của bà con nông dân xã Đoàn Kết phải đổ bỏ vì không có đầu ra.

Cái tâm của người giải cứu đối với bà con nông dân vùng dịch đang khó khăn không phải bàn cãi. Nhưng điều đáng quan tâm là chuyện giải cứu chỉ là nhất thời, manh mún, nhỏ lẻ, không mang tính lâu dài. 

Phải chăng, đã đến lúc, bà con nông dân cần có trách nhiệm hơn với sản phẩm của mình, thông qua việc thay đổi nếp sản xuất cũ, không nên cứ trồng, cứ chăm sóc sao cho đạt năng suất, sản lượng cao cái đã, đến khi thu hoạch mới đi tìm nơi bán. Mà cần thay đổi quy trình canh tác, hình thành tư duy tìm hướng tiêu thụ sản phẩm ngay từ khi có kế hoạch sản xuất.

Về phía chính quyền và các ngành chức năng liên quan cần có những dự đoán thị trường và khuyến nghị đàng hoàng cho nông dân nên trồng những sản phẩm có đầu ra, giá tốt, đúng thời điểm.

Cho đến nay, Covid-19 không còn là thứ dịch bệnh đột xuất, nó đã xuất hiện hơn 1 năm nay, dự kiến sẽ còn kéo dài và diễn biến phức tạp, trong khi nông sản vốn dĩ được thu hoạch theo mùa vụ. Vì vậy, đã đến lúc cần có các kịch bản tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh xảy ra.

Nhưng trong câu chuyện vải thiều, nếu ngay từ đầu vụ, các địa phương chủ động xây dựng kịch bản, với các dữ liệu về sản xuất, có dự kiến sản lượng, tiêu chuẩn chất lượng…, phối hợp với các ngành, hiệp hội phân tích, lên phương án tiêu thụ thì hẳn rằng sẽ không lúng túng, bị động và tái diễn câu chuyện “giai cứu”.

Như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã phát biểu rất thẳng thắn trong cuộc phỏng vấn của Báo Thanh Niên ngày 4/6: Chúng tôi rất tôn trọng tinh thần thiện nguyện, lá đành đùm lá rách, tương thân tương ái của người dân Việt Nam. Nhưng cần phải có một mô hình mới để giữ được giá trị nông sản, bằng cách xây dựng mô hình kết nối cung cầu chính quy. Nông sản được nâng niu về giá trị để người tiêu dùng thấy đây không phải là một sản phẩm giải cứu.

Về phía người tiêu dùng, không nên tồn tại suy nghĩ đang “giải cứu” không phải trên cương vị người bỏ tiền ra mua nông sản giúp bà con, mà là mua vì sức khỏe, vì quyền lợi của chính mình bởi được sử dụng sản phẩm có chất lượng, để từ đó có thái độ, trách nhiệm sử dụng hiệu quả hơn.

Tôi tin rắng khi ấy, sẽ không còn phải nhắc đến 2 từ “giải cứu”, kể cả trong đại dịch.

Nói là vậy, nhưng với tinh thần tương thần tương ái, tôi đã nhận lời với người bạn, sẽ làm shipper cho đợt bán hỗ trợ tiêu thụ vải thiều tới đây.

Mọi người nhớ ủng hộ tôi nhé!

Hồng Lam

Chuyên mục khác