15/02/2018 08:07
Giữa đại ngàn Ngọc Linh
Mường Hoong, Ngọc Linh tuy là 2 xã, nhưng lại giống như một địa phương. Bởi 2 xã nằm khá gần nhau, có nhiều nét tương đồng về địa hình, dân cư, văn hoá, tập quán sản xuất...
Có thể nhận thấy rõ nhất là Ngọc Linh và Mường Hoong đều nằm trong quần thể của dãy Ngọc Linh, những làng đồng bào dân tộc thiểu số Xơ Đăng trên lưng chừng núi bao đời nay sống cố kết, cùng phong tục tập quán, cùng canh tác lúa trên các thửa ruộng bậc thang; người dân nơi đây giờ còn biết trồng sâm dây, sâm Ngọc Linh, cà phê xứ lạnh... để làm giàu. Thế nên mọi người hay gọi nơi đây là đại ngàn Ngọc Linh.
Mùa này, đến Mường Hoong, Ngọc Linh, chúng tôi say sưa ngắm hoa mua nhuộm tím những con đường làng. Những thửa ruộng như nấc thang lên trời chạy tít tắp từ thung lũng tới lưng chừng dãy Ngọc Linh quanh năm mây phủ.
Chiều xuống, những làng quê ở ngang lưng núi thật êm đềm, khói bếp quện với màn sương lãng đãng, chỉ cần đưa tay ra là với được.
|
Mặt trời đỏ lừ gác trên ngọn núi rồi vụt tắt ngấm, nhường chỗ cho màn đêm buông xuống. Trong mỗi căn nhà, người lớn trẻ nhỏ quây quần bên bếp lửa hồng, tíu tít kể chuyện xua đi cái lạnh giá của miền sơn cước.
Nghe những người già nơi đây kể rằng, ngày xưa Mường Hoong, Ngọc Linh là miền đất xa xôi và cao vời vợi trong xứ sở mây ngàn. Vùng núi Ngọc Linh này rất hiểm trở, rừng già, cây cối cao to rậm rạp; nhiều khe suối sâu, thác hiểm...
Thế nên, vùng đất này cũng chứa đựng rất nhiều câu chuyện huyền bí, nào là chuyện về các thợ sơn tràng một đi không trở lại, những tốp người tìm trầm, tìm sâm mất tích bí hiểm đến khó tin; rồi cả chuyện người từ nơi khác vào vùng đất này đều mắc phải những căn bệnh lạ do “ma rừng” hoặc bị Yàng trừng phạt…
Trong thời kỳ chống Mỹ, đại ngàn Ngọc Linh là nơi có các khu căn cứ địa cách mạng quan trọng của tỉnh ta. Trước kia, nơi đây là vùng đất khó bởi giao thông cách trở, đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở biệt lập trên núi cao nên Ngọc Linh rất xa vắng.
Từ khi Tỉnh lộ 673 được được thảm nhựa, bê tông hoá, thế cô lập của Ngọc Linh dần được phá vỡ. Hiện nay, tỉnh đang mở một con đường nối từ thôn Ngọc Hoàng (xã Măng Bút, huyện Kon Plông) sang huyện Tu Mơ Rông, vắt về xã Ngọc Linh, tạo bước đột phá về giao thông nối Ngọc Linh gần hơn với các vùng quê khác. Giờ thì, những cảnh đi bộ ra huyện, đường lầy mỗi khi mưa xuống chỉ còn trong ký ức của những người lớn.
Đồng bào Xơ Đăng ở Mường Hoong, Ngọc Linh luôn rất tự hào về nền nông nghiệp của mình.
Chủ tịch xã Mường Hoong- Lê Bá Thế tỏ ra hồ hởi khi giới thiệu: Toàn thung lũng Mường Hoong có gần 1.000ha đất nông nghiệp, trong đó đất trồng lúa chiếm gần một nửa. Cây lúa mỗi năm cho đồng bào nơi đây trên 1.000 tấn lúa, đủ để người dân không phải đi mua gạo bên ngoài.
Còn ở xã Ngọc Linh, người dân trong xã cũng tự hào không kém bởi toàn xã cũng có tới 301ha ruộng bậc thang. Các thế hệ người Xơ Đăng bằng bàn tay, sức người đã khai khẩn từng vạt đất bám theo vành núi tạo nên những thửa ruộng xếp chồng từ dưới chân suối lên đến lưng núi. Những thửa ruộng bậc thang ở Ngọc Linh mỗi năm làm ra nguồn lúa đủ để con cháu ăn từ năm này qua năm khác.
Mùa tết cũng là mùa đồng bào Xơ Đăng lấy nước làm ruộng bậc thang. Từ trên cao nhìn xuống thấy những thửa ruộng bậc thang trải dài hun hút, tuyệt đẹp mới hiểu được bao đời qua, nhiều gia đình đồng bào Xơ Đăng ở đây đã cần mẫn, đổ biết bao công sức để cải tạo, đắp bờ, giữ nước và gieo trồng...
Phía trên những ruộng bậc thang bây giờ là những rẫy sâm dây, sâm đương quy. Giáp lên đỉnh núi, dưới tán rừng rậm, người dân trồng một loại cây dược liệu đặc biết quý giá gọi là sâm Ngọc Linh.
Bên cạnh những câu chuyện kinh tế nông nghiệp; mấy ngày ở lại Ngọc Linh, đêm về bên bếp lửa bập bùng, trong men rượu cần ngây ngất, chúng tôi còn nghe những người già chia sẻ về những nếp sống mới của đồng bào Xơ Đăng nơi đây. Trong đó, đáng nói nhất là chuyện người dân đã dần quen với tục đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Già A Toả (làng Tu Hoong, xã Mường Hoong) chia sẻ: Ngày trước, người dân mình chỉ ăn mừng những lễ hội của dân tộc như tết bắc máng nước, tết lúa đã về kho... nhưng giờ mọi nhà đã quen với việc ăn Tết Nguyên đán. Ngay sau ngày xã tổ chức ngày hội bánh chưng xanh, các gia đình trong làng cũng rủ nhau mổ heo, gói bánh chưng, bánh tét và cả bánh lá của dân tộc mình nữa để đón tết. Bà con ở đây không có tục thờ cúng tổ tiên, nhưng ngày mùng Một tết hầu hết các gia đình đều làm mâm cơm cúng Bác...
Giấc mơ thơm mùi dược liệu
Từ ngàn đời nay, người Xơ Đăng dưới chân núi Ngọc Linh đã truyền nhau một loại dược liệu chữa được rất nhiều bệnh, còn bồi bổ sức khỏe, tăng sức đề kháng, giúp con người chống chọi với khí hậu lạnh giá, rừng thiêng nước độc. Trong những chuyến đi rừng kéo dài nhiều ngày, mọi người nhất định phải đem theo cây “thuốc giấu” này để bảo vệ sức khỏe và nó còn giống như niềm tin về sự hộ thân.
Loài cây “thuốc giấu” ấy có tên sâm Ngọc Linh – một món quà của vùng đất đại ngàn này ban tặng cho người dân nơi đây giờ đang trở thành loại cây dược liệu có giá trị kinh tế rất cao.
Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh - A Tiên kể rằng: Ngày xưa, thế hệ cha ông mình, mỗi chuyến đi rừng có thể kiếm được cả lưng gùi sâm ấy, bấy giờ chỉ để nấu nước uống cho khỏe, chọn mấy củ to đem phơi khô để dành làm thuốc chữa bệnh cho người nhà thôi chứ chưa biết mua bán với ai. Giờ nó thành của hiếm rồi. Có đi mỏi chân đến các khu rừng già cao trên 2.000m cũng khó tìm ra cây sâm tự nhiên.
Thế nhưng, không trông chờ vào nguồn sâm tự nhiên, người dân Mường Hoong, Ngọc Linh hiện giờ đã biết trồng loài sâm này. Tuy chưa có con số thống kê chính xác về diện tích, nhưng theo như một số cán bộ xã Ngọc Linh và Mường Hoong bật mí, số gia đình trồng được từ 400 – 500 gốc sâm Ngọc Linh trở lên rất nhiều.
Chủ tịch UBND xã Mường Hoong - Lê Bá Thế tiết lộ: Muốn đến được vùng đất của sâm Ngọc Linh, người đi phải dũng cảm leo núi lên đến độ cao trên 1.800m. Tuy nhiên, đây là vùng đất cấm, người ngoài không ai được phép biết và tiếp cận. Người trồng sâm vốn sống ở vùng lõi các khu rừng già nên có ý thức bảo vệ rừng rất cao, họ đặt ra luật lệ riêng để phạt những ai chặt phá hay đốt rừng...
|
Ở xã Ngọc Linh, các gia đình trong các làng Tân Rát, Tu Rang, Tân Út, Đăk Rít còn biết liên kết nhau hình thành các nhóm hộ trồng sâm Ngọc Linh, mỗi nhóm từ 20 – 30 gia đình. Họ rủ nhau cùng xuống giống, gieo trồng sâm ở một vùng đất rồi mua dây thép gai về rào lại, cắt cử người thay nhau canh giữ, trông coi bảo vệ loài cây quý.
Theo người dân Ngọc Linh, loài sâm này có một quy trình sinh trưởng rất khác biệt, vào đầu xuân, từ rễ củ dưới đất, sâm Ngọc Linh đâm lên một thân rồi tỏa lá. Vài tháng sau nhô lên một chùm hoa vàng nhạt, tỏa hương mỡ màng. Mỗi năm sâm chỉ ra được một đốt và mỗi đốt chỉ một thân lá đó. Đến tháng 8, khi hạt chín thì lá cũng lụi dần và sâm chuyển sang thời kỳ “ngủ đông”.
Mùa này, cây sâm Ngọc Linh đang ngủ đông dưới lòng đất, chờ khi có nắng ấm đầu xuân sẽ bắt đầu đâm chồi nảy lộc, ra hoa.
Sâm Ngọc Linh đã có danh tiếng. Kho báu giữa đại ngàn này hàng ngày đang được người dân bảo vệ, vun trồng, mở rộng diện tích. Rồi đây, khi người dân có sản phẩm sâm Ngọc Linh thu hoạch, cuộc sống chắc chắn sẽ bước sang một trang mới. Và dĩ nhiên, giấc mơ đổi đời của họ sẽ không còn xa vời.
Bên cạnh loài sâm quý ấy, cây sâm dây (hồng đảng sâm) hiện nay đang được coi là loại cây biến giấc mơ cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống của người dân thành hiện thực.
Nhà nhà ở Ngọc Linh, Mường Hoong bây giờ đều biết trồng sâm dây. Những rẫy sâm dây dần thay cho rẫy bắp, rẫy mì; mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân.
Từ cây sâm dây, đời sống của bà con vùng núi cao Ngọc Linh đã có những đổi thay rõ nét. Nhiều hộ dân đã sắm được phương tiện nghe nhìn hiện đại, mua được xe máy đi lại; nhà tranh tre, nứa lá đã được thay bằng những ngôi mái tôn, mái đói đỏ tươi; cái đói, cái nghèo dần được đẩy lùi; con trẻ được học hành, được chăm lo đầy đủ.
Như chia sẻ của Chủ tịch xã - A Tiên: Dù chưa có những triệu phú sâm, nhưng thời gian gần đây đã có nhiều gia đình có thu nhập 50 – 60 triệu đồng, thậm chí cao hơn từ việc trồng và bán sâm dây như nhà A Đông (làng Kon Tua), A Đua (Kon Tuông), A Bim (làng Tân Rát). Những hộ thu có thu nhập khoảng chục triệu đồng mỗi năm từ sâm dây thì rất nhiều. Mức thu này tuy chưa thể nói là cao, nhưng với người dân sống ở một vùng xa xôi, khó khăn vào hàng bậc nhất của tỉnh thì đây là số tiền không hề nhỏ. Vả lại, bà con ở đây hầu như đều tự túc được về lương thực, thực phẩm nên nguồn thu từ việc bán sâm chủ yếu là để dựng nhà, mua sắm vật dụng, cải thiện đời sống, cho con em đi học...
Với chúng tôi, ấn tượng nhất là ở Mường Hoong, Ngọc Linh, người ta đãi khách cũng bằng những món ăn được chế biến từ sâm dây. Củ sâm đem hầm xương, lá sâm đem nhúng lẩu hay nấu canh thành những món ăn rất bổ dưỡng.
Những ngày ở Ngọc Linh, chúng tôi đã được nghe rất nhiều những câu chuyện đất, chuyện người; chuyện hôm qua, chuyện hôm nay dài như câu chuyện sử thi. Nhưng, qua những câu chuyện ấy, chúng tôi cảm nhận được vùng đất đại ngàn này đang trở mình lớn mạnh, người dân nơi đây đang từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển kinh tế...
Thuỳ Hương