Giá trị mang lại từ phát triển du lịch cộng đồng

01/03/2020 06:03

Một số địa phương đã phát triển du lịch cộng đồng, thu hút du khách hòa nhập vào cuộc sống của người dân tại chỗ, giúp du khách gần gũi, cảm nhận bản sắc văn hóa.

Năm 2019 tiếp tục được đánh giá là một năm thành công của du lịch Kon Tum. Tổng lượng khách đến tỉnh đạt 462 nghìn lượt (trong đó, khách quốc tế 185 nghìn lượt), đạt 103,16% so với năm 2018, tổng doanh thu ước đạt 297,3 tỷ đồng, đạt 117,22% so với năm 2018. Đáng chú ý, lượng du khách đến làng Kon Pring, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông chiếm 25% tổng số khách toàn tỉnh. Phần lớn khách du lịch đến Kon Tum đều qua các công ty lữ hành.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa bao gồm: Công ty TNHH MTV Du lịch Kon Tum; Công ty cổ phần Du lịch - Thương mại - Khách sạn Hưng Yên; Công ty TNHH Du lịch sinh thái Miền Cao; Công ty cổ phần Du lịch văn hóa Cao Nguyên; Công ty TNHH MTV Du lịch Y Thiên Vân; Chi nhánh văn phòng đại diện Công ty TNHH MTV Du lịch Quốc tế Hải Vân và Công ty Du lịch Bến Thành - Chi nhánh Vinh Quang 1 tại Kon Tum.

Ông Nguyễn Đô Huynh - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Miền Cao cho rằng, Kon Tum có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt phải kể đến rừng và bản sắc văn hóa lâu đời của người DTTS. Du khách nước ngoài rất thích tìm hiểu văn hóa bản địa ở những nơi họ đến. Kon Tum với đại ngàn xanh Măng Đen, hồ Yaly, Vườn quốc gia Chư Mom Ray, rừng đặc dụng Đăk Uy, suối nước nóng Đăk Tô, khu bảo tồn Ngọc Linh… cùng nhiều di tích lích sử cách mạng, di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật, lễ hội đặc sắc tạo ra sức hấp dẫn tổng thể để cuốn hút du khách đến với các điểm du lịch… Đó chính là “sức mạnh mềm” thiên nhiên Kon Tum tạo nên các sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt.

Du khách nước ngoài thích thú với cồng chiêng Kon Tum. Ảnh: DL

 

Giá trị mang lại từ du lịch cho tỉnh trong thời gian qua là các tour du lịch lữ hành. Khảo sát các công ty du lịch lữ hành trên địa bàn cho thấy, số khách hàng mua tour trọn gói chưa nhiều, nhưng số lượng khách mua dịch vụ lẻ (tour tham quan tại điểm đến) đang có chiều hướng gia tăng. Không chỉ du khách Việt Nam mà du khách nước ngoài cũng thường tìm đến các điểm du lịch sinh thái để tham quan, khám phá, nghỉ dưỡng và tìm hiểu cuộc sống của người dân. Một số địa phương đã phát triển du lịch cộng đồng, thu hút du khách hòa nhập vào cuộc sống của người dân tại chỗ, giúp du khách gần gũi, cảm nhận bản sắc văn hóa.

Thành phố Kon Tum và một số huyện đang tiếp tục  kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư thực hiện các công trình, dự án du lịch; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng tại điểm du lịch cộng đồng Kon K’Tu, xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum) và làng Kon Pring, xã Đăk Long (huyện Kon Plông); triển khai lập hồ sơ công nhận các điểm du lịch mới như di tích Chư Tan Kra (huyện Sa Thầy); Làng Pu Tá, xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) và các đia phương khác.

Phát triển du lịch cộng đồng đang mang lại lợi ích cho người dân địa phương. Cộng đồng dân cư tại địa phương tham gia du lịch cộng đồng với tư cách vừa là nhà tổ chức, lại vừa chủ động cung cấp các dịch vụ như nhà nghỉ, phương tiện vận chuyển, phục vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm, hỗ trợ du khách…Cùng với du khách, người dân là đối tượng được thụ hưởng những lợi ích hữu hình cũng như vô hình của hoạt động này. Họ càng tôn trọng những giá trị bản địa, giá trị cộng đồng.

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Vì vậy bất kỳ tác động nào tới những nhóm ngành khác cũng ảnh hưởng đến du lịch. Hiện nay, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nên hầu hết các doanh nghiệp, công ty lữ hành du lịch đều gặp khó khi các tour, tuyến bị hủy, gây nhiều thiệt hại.

Ông Huỳnh Đức Tiến - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kon Tum cho biết: Chúng tôi xác định đây là “quãng nghỉ” để các đơn vị lữ hành xốc lại nhân sự, đào tạo nhân viên tại chỗ, khai thác, nghiên cứu thị trường, tìm các điểm đến mới và chính quyền địa phương chủ động phòng chống dịch bệnh, những ảnh hưởng xấu có thể xảy ra trong phát triển du lịch cộng đồng để khi dịch bệnh lắng xuống, nhu cầu du lịch tăng trở lại thì sẵn sàng mọi điều kiện tốt nhất để phục vụ du khách, đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường du lịch.

Theo các chuyên gia, việc phát triển du lịch cộng đồng là phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách muốn tìm hiểu văn hoá dân tộc đặc sắc. Tuy nhiên, muốn du lịch cộng đồng phát triển cần giữ nguyên gốc, nguyên sơ, chất phác, chân thực của văn hóa bản địa, đó là giá trị cốt lõi của cộng đồng, không để đánh mất nó.

Dương Lê

Chuyên mục khác