28/06/2020 06:06
Thời gian qua, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường phối hợp đẩy mạnh các hình thức truyền thông, vận động xây dựng gia đình hạnh phúc góp phần xây dựng xã hội phát triển. Các đơn vị đẩy mạnh việc cung cấp nội dung giáo dục đời sống gia đình dưới nhiều hình thức; phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong việc lồng ghép nội dung giáo dục đời sống gia đình thông qua các hoạt động của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…
Qua việc đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động, nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng và các thành viên gia đình về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được nâng cao. Quần chúng nhân dân tự giác thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình. Tích cực trang bị kiến thức, kỹ năng sống để thành viên gia đình chủ động phòng chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình; kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.
Các gia đình thường xuyên nhắc nhở các thành viên chăm lo xây dựng gia đình hòa thuận; đoàn kết tương trợ trong cộng đồng; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, sống kỷ cương, giao tiếp ứng xử lễ phép, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước của địa phương; bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống. Nhiều gia đình đã từng bước phát huy được thuần phong, mỹ tục, bảo lưu truyền thống gia đình, dòng họ cùng với việc phát triển kinh tế hộ, đảm bảo nền tảng bình đẳng, hạnh phúc bền vững trong mỗi gia đình.
|
Trong 15 năm qua (2005-2020), đã có 18.500 đầu sách pháp luật liên quan đến công tác gia đình; 55.500 trang tài liệu tuyên truyền, tập huấn, 840 đĩa CD, 1.200 đĩa DVD, 20.000 ap-phich, 35.000 tờ rơi, tờ gấp được in ấn và phát hành đến với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; có khoảng 95% các hộ gia đình trên toàn tỉnh tiếp cận được các biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng các hình thức khác nhau. Các cấp, ngành đã tổ chức 70 hội thi gia đình; trong đó quy mô cấp tỉnh 22 hội thi, cấp huyện 48 hội thi. 100% cơ quan, sở, ban, ngành, đoàn thể, trường học, UBND cấp huyện, xã thường xuyên đăng bài viết, hình ảnh, tài liệu, văn bản pháp luật về PCBLGĐ trên trang thông tin điện tử nội bộ, tập san của ngành, đơn vị, cơ quan.
Ông Trương Xuân Nhật - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Công tác truyền thông, vận động về xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc được các cấp, các ngành chú trọng. Các hoạt động kỷ niệm Ngày quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày quốc tế phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11) hàng năm được các địa phương tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, có sức lan tỏa lớn, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, vị trí của gia đình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đa số các gia đình tham gia phong trào đều thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 101.894/131.929 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 77,23%.
Bên cạnh công tác gia đình, phong trào xây dựng “Người tốt, việc tốt” luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự hưởng ứng của các ngành, đoàn thể, cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Phong trào đã tạo sự đồng thuận xã hội, thúc đẩy tinh thần thi đua sôi nổi trong các ngành, các cấp, các đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp, gia đình, và mang lại hiệu quả thiết thực. Tiêu biểu như phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc“, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Qua các phong trào, xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc trên tất cả các ngành, các lĩnh vực và đã được Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, các ngành kịp thời ghi nhận, khen thưởng.
Ông Phan Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho hay: Qua thực hiện các phong trào, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình văn hóa tiêu biểu trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình hiếu học; ông, bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo; nuôi con khỏe dạy con ngoan, thực hiện tốt “bình đẳng giới”, từng bước thay đổi quan niệm “trọng nam khinh nữ”, nêu cao tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ mọi người. Các gia đình chú trọng việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, nâng cao chất lượng cuộc sống đối với trẻ em
Có thể nói, qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư về “xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, tỉnh Kon Tum đạt được một số kết quả nhất định. Các địa phương quan tâm triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về gia đình. Các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, chức năng của gia đình, đồng thời ý thức trách nhiệm đối với công tác xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đa số gia đình tập trung phát triển kinh tế, chú trọng nuôi con khỏe, dạy con ngoan, sống có trách nhiệm phụng dưỡng, chăm sóc người già trong gia đình. Đồng thời, tích cực đấu tranh phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc; vận động các gia đình tự nguyện, tự giác thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình; giữ gìn, phát huy văn hóa gia đình, truyền thống tốt đẹp của dòng họ gắn với xây dựng những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam trong thời đại mới.
Quang Định