Giá của thuốc lá

30/05/2023 13:07

Nhiều người vẫn hút thuốc, dù biết hút thuốc lá không những gây tổn thất về sức khỏe mà còn đem lại gánh nặng kinh tế cho mình, cho gia đình và cho cả xã hội.

Mấy ngày nay, nhóm zalo mà tôi đang tham gia lại sôi nổi thảo luận về đề tài thuốc lá và hút thuốc lá.

Chưa bao giờ những “thành viên cá biệt”- chúng tôi gọi những người còn hút thuốc lá trong nhóm như vậy- lại hứng chịu nhiều chỉ trích như vậy.

Của đáng tội, gọi là “thành viên cá biệt” nhưng số lượng của họ lại áp đảo chúng tôi- những người chưa từng hút thuốc hoặc đã bỏ thuốc lá.

Những chỉ trích đều xoay quanh việc họ hút thuốc lá. “Một thói quen xấu, nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe, đến thẩm mỹ và kinh tế” là ý kiến chốt vấn đề.

Tất nhiên, họ cũng có 1.001 lý do biện minh cho việc hút thuốc lá. Nào là thuốc lá không thể thiếu khi uống nước, uống cà phê, ăn nhậu- đặc biệt là ăn những thực phẩm nặng mùi, tanh, béo. Nào là hút thuốc để tiêu sầu. Nào là để giết thời gian. Nào là hút thuốc để lấy cảm hứng làm việc.

Nhưng chính họ cũng hiểu rất rõ đó chỉ là ngụy biện! Ai cũng biết hút thuốc lá không những gây tổn thất về sức khỏe mà còn đem lại gánh nặng kinh tế cho mình, cho gia đình và cho cả xã hội.

Tỷ lệ người hút thuốc lá vẫn cao. Ảnh: HL

 

Tôi cũng đã từng ngụy biện cho “tệ” nghiện thuốc của mình: Do đặc thù nghề nghiệp, phải thức đêm thức hôm để viết bài, nên hút thuốc là cách để giảm căng thẳng.

Dưới góc độ thực tế, suốt những năm hút thuốc, tôi nhận thấy rất rõ tác hại của thuốc lá đối với cơ thể mình.

Tôi thấy mình không khỏe, miệng luôn đắng ngắt mỗi sáng thức dậy, ăn không thấy ngon hay ho khan, thường viêm mũi. Đặc biệt là hơi thở và quần áo luôn ám mùi thuốc.

Nhưng sau khi tôi bỏ thuốc thành công, điều đầu tiên tôi nhận ra chính là hút thuốc và viết bài chẳng liên quan gì đến nhau cả. Không có những điều thuốc mù mịt tỏa khói, tôi vẫn cứ thức đêm được, vẫn cứ viết bài được.

Tôi ăn ngon hơn, thở tốt hơn, đêm về không còn khò khè nữa. Bàn tay không còn ám khói thuốc, quần áo cũng thơm tho bởi không còn những điếu thuốc nhăn nhúm trong túi.

Còn một điều nữa, sau 3 tháng, tôi phát hiện ra có thể tiết kiệm được một khoản không nhỏ cho nguồn “ngân sách” vốn đã rất eo hẹp của gia đình.

Thời điểm tôi bỏ thuốc (năm 2006), giá loại thuốc lá phổ biến mà tôi sử dụng là 15.000 đồng/gói (20 điếu). Bình quân tôi hút 2 gói/ngày, đêm, mỗi tháng hết khoảng 900.000 đồng.

Với thu nhập 3-4 triệu mỗi tháng, để mua thuốc lá tôi phải cắt giảm các chi tiêu thiết yếu khác của gia đình. Nhưng khi tôi bỏ thuốc lá, đã tiết kiệm được khoản chi này vô bổ này.

Còn hiện nay, với mức giá bình quân của một số loại thuốc lá phổ biến là 20.000 đồng/gói, hãy hình dung một ngày bỏ vào hũ tiết kiệm số tiền mua 2 gói thuốc, một năm sẽ là một khoản không nhỏ để mua sắm, chi tiêu cho việc khác.

Dĩ nhiên là mọi sự so sánh đều khập khiễng, bởi như câu nói của ông bà ta “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng dù vậy thì cũng có mẫu số chung là khoản chi cho thuốc lá là không nhỏ, đặc biệt là với các hộ gia đình có thu nhập thấp.

Không chỉ ảnh hưởng kinh tế gia đình, hút thuốc lá còn đem đến những tổn thất lớn hơn, như chi cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc; tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm.

Trở lại với cuộc tranh luận trong nhóm zalo kể trên. Sau khi lên án và các thành viên còn hút thuốc, mọi người bắt đầu nói nhiều về việc làm thế nào để một người nghiện thuốc hạn chế, tiến tới bỏ thuốc lá.

Trong đó, có nhiều người cho rằng, hiện nay khâu quản lý việc bán thuốc lá còn khá lỏng lẻo. Theo quy định tại Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá không được trưng bày quá một bao, một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá; phải treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.

Nhưng mua thuốc lá rất dễ, thậm chí còn dễ hơn mua mớ rau. Bởi mua rau thì cần phải đến chợ, siêu thị, còn mua thuốc lá thì chỉ cần ở bất cứ một cửa hàng tạp hóa, quán xá nào.

Người lớn mua được, trẻ con cũng mua được. Thậm chí có thể mua được cả trên mạng.

Bên cạnh đó, thị trường thuốc lá rất đa dạng sản phẩm và giá cả, đúng nghĩa “thượng vàng hạ cám”, có loại đắt, có loại rất rẻ. Mà thuốc lá giá rẻ chiếm đa số thị phần, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người lao động.

Thuốc lá giá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên cũng như người nghèo.

Theo Bộ Y tế, giá trung bình một bao thuốc lá nhãn hiệu phổ biến tại Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với giá bình quân của tất cả quốc gia, được cho là thấp nhất trên thế giới.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới khuyến cáo tỷ trọng thuế thuốc lá trên giá bán lẻ phải đạt từ 75% mới thực sự tác động giảm tiêu dùng.

Cách đánh thuế này cũng giảm sản phẩm thuốc lá giá rẻ, từ đó giúp giảm sự tiếp cận và sử dụng của thanh thiếu niên.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ảnh: HL

 

Có nhiều giải pháp đã được đưa ra, nhưng tôi cho rằng cần phải siết chặt “đầu vào”, tức là phải quản lý chặt, để “khó bán, khó mua” đồng thời đánh thuế nặng để tăng giá bán, khiến nhiều người muốn mua cũng phải… tiếc tiền.

Phần còn lại là tác động từ các biện pháp như thực thi môi trường không khói thuốc; in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh; truyền thông tác hại, cấm quảng cáo thuốc lá và hỗ trợ cai nghiện.

Bài học từ Hàn Quốc cho thấy, khi tăng giá bán thuốc lá lên gần gấp đôi, số lượng thuốc lá tiêu thụ đã giảm 20,4%. Giá bán thuốc tăng đã giúp phần nào hạn chế người dân Hàn Quốc hút thuốc.

Quan trọng nhất là cần nâng cao ý thức của mỗi người trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Tôi đồng tình với ý kiến rằng, giá của thuốc lá không đơn thuần là bao nhiêu tiền một gói, mà nghiêm trọng hơn, là sức khỏe của chính người hút và những người xung quanh.

Hồng Lam

Chuyên mục khác