Ghi ở xóm “14 hộ”

04/02/2017 05:57

Tôi viết những dòng này tặng riêng cho bà con ở xóm “14 hộ”- cái xóm nghèo nằm lẻ loi nơi chót cùng xã Ia Dom (huyện Ia H’Drai), cặp sát Quốc lộ 14C. Ở đây, nhà nào cũng nghèo như nhau, cho nên gắn bó, tình nghĩa lắm, nhất là khi tết về, dù còn khó khăn, thiếu thốn nhưng ấm cúng vô cùng...

1. Đã mấy lần chú em Xa Quang Đạt gọi điện thoại trách tôi sao lâu rồi không lên thăm lại bà con. Chẳng lẽ anh không còn nhớ đến cái xóm nghèo này sao?

Biết là trách vui, nhưng vẫn thấy cay cay sống mũi. Tôi quên làm sao được những ngôi nhà chênh vênh trên vạt đất nhỏ nhoi và những phận người cũng nhỏ nhoi, thầm lặng nhưng lại hết sức bền bỉ, kiên cường ấy.

Còn nhớ năm ngoái, cũng dịp gần tết, tôi gặp Đạt khi cậu về học ở Trường Quân sự tỉnh (Đạt là Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự xã Ia Dom). Đạt rủ tôi lên chơi, tôi đã buột miệng đùa: Trên đó có gì vui?

Đạt ngẩn người: Có nhà. Những ngôi nhà vách gỗ, mái tôn bạc phếch tuềnh toàng giống nhau y chang, gió thổi qua khe ván vi vút, không bao giờ thấy đóng cửa. Mà đóng làm chi anh? 14 nhà, hầu hết là người Thái Đen từ huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa dắt nhau vào đây làm công nhân cao su từ năm 2009, sẻ chia cho nhau từng chén gạo, dúm muối thì còn sợ mất gì.

Còn có những con người thật thà như đất, hiền lành như đất, quanh năm dầm dãi mưa nắng, chẳng mấy khi thảnh thơi. Nhà ít thì nhận khoán 1-2ha, nhà nhiều 6-7ha cao su. Do chưa đi vào khai thác, doanh nghiệp lại gặp khó khăn về vốn liếng nên tiền lương cũng không đáng là bao, khéo lắm thì đủ trang trải cuộc sống đạm bạc. Thú vui duy nhất là mỗi khi mặt trời khuất sau dãy núi, thắp ngọn đèn dầu - vì đã có điện đâu - tụ tập ngồi uống trà ở một nhà nào đó, quanh quẩn chuyện nhận khoán, chăm sóc vườn cây, chuyện cơm áo... uống đến khuya rồi ai về nhà nấy.

Thể nào cũng có người lẩm bẩm: Đến bao giờ thì cái cột ăng ten cao ngất phía sau xóm này phát sóng nhỉ? Để lâu thế này thì hỏng mất. Ấy là họ đang nhắc đến cột thu phát sóng di động của Viettel dựng lên mấy năm nay, nhưng không hoạt động được do... thiếu điện. Rồi đến chuyện con đường. Đoạn Quốc lộ 14C chạy qua xóm đang đào bới dang dở, ngập trong bụi đỏ, đi lại khổ thấu trời xanh, nghe nói phía gần xã đã được trải nhựa láng cóng mà thèm.

Vậy là tôi lên cùng Đạt. Những ngày cuối năm ở đây, nắng cứ vàng quánh lại, làm săn da mặt. Gió quất rào rào qua những lô cao su. Bữa cơm đón khách có thịt gà, cơm nếp và những chai rượu gạo được cất bằng men truyền thống của dân tộc Thái trong văn vắt. Cả xóm tụ lại, cô gái Thái có cái tên như người - Trương Thị Hiền - và chồng “ép” tôi uống liền một chén rượu đầy. Vậy là tôi chếnh choáng say trong sự nồng hậu.

Quốc lộ 14C qua xóm ''14 hộ'' đã được trải nhựa

 

Đêm nằm lơ mơ, nghe tiếng rì rầm bàn tính chuyện tết nhất của mấy ông chồng uống nước trên tấm phản gỗ. Thôi thì đủ chuyện cần làm. Ngoài vườn cây, chuyện tỉa cành, chống cháy đang rộn cả lên, nhưng tết tới thì ăn tết chứ. Cả xóm nuôi được mấy con heo rồi; mai mốt xúm vào sửa sang nhà cửa đi, để xập xệ vậy coi sao được; nói vợ kêu người bán ít bắp, ít mỳ sắm đồ mới cho mấy đứa nhỏ, mua ít bánh mứt, còn dư thì cho cậu em mấy đồng về quê ăn tết...   

2. Loáng cái, tết lại hùi hụi tới. Từ thành phố Kon Tum, tôi khoác ba lô, chạy xe máy vượt gần 150km vào đến xóm “14 hộ” đúng lúc lên đèn. Từ đầu dốc nhìn xuống, xóm nghèo vẫn thế, những ngôi nhà vách gỗ tuềnh toàng, những ánh đèn dầu le lói, dễ làm cho người ta cảm giác bị bỏ quên. Khác chăng là đoạn Quốc lộ 14C qua xóm đã được trải nhựa - tôi nghĩ vậy.

Nhưng nếu hòa mình vào trong đó, ta sẽ nhận ra đang có sự thay đổi nơi xóm nghèo này, tuy sự thay đổi ấy còn chậm rãi và chưa rõ nét. Bên bồn nước, mấy bà, mấy chị đang cọ rửa chén đĩa, cười cười nói nói, mấy đứa trẻ đùa giỡn dưới gốc bằng lăng già. Trên các mái nhà, khói ấm bốc lên, ánh đèn nhảy nhót ở các ô cửa sổ bé tẹo...

Người đầu tiên tôi gặp là anh Nguyễn Đình Chung - một người có mặt đầu tiên ở xóm này. Anh kéo tuột tôi vào nhà ông Trương Văn Trương, giới thiệu với mấy người đang ngồi bên mâm cơm ấm cúng. Khi họ nâng ly rượu trao cho tôi, tôi nhận ra rượu ở đây vẫn trong văn vắt.

Anh Chung khoe: Bây giờ không gọi là xóm “14 hộ” nữa nhé, gọi tổ 8 đàng hoàng và tớ là tổ trưởng. Hôm nay mấy anh em gặp nhau bàn chuyện ăn tết. Thật ra ở đây ba ngày tết bà con có đi đâu xa, lòng vòng chúc nhau thôi, nhưng năm nay mấy nhà đã được khai thác mủ cao su, như chú Huy con ông Trương đây này, thời điểm cuối năm giá cả cũng nhích lên, nên tính ăn tết to hơn mọi năm. Mình lớn thì lùi xùi chút không sao, nhưng con cháu không có gì ăn tết coi sao được.

Cả xóm chỉ có tổ trưởng Chung không phải người Thái. Quê anh ở Nghệ An, vào làm công nhân trồng cao su được 7 năm nay, vợ và 2 con đều ở ngoài quê, một mình một nhà gỗ, lủi thủi đi về. Hỏi sao anh không về quê làm ăn, Chung thủng thẳng “ở đây quen rồi”. Lạ thế!

Câu chuyện bên bếp lửa lan man thế nào lại rẽ ngoặt về phong tục đón tết cổ truyền của dân tộc Thái. Ông Trương như bừng tỉnh, kể say sưa: Tết của người Thái cũng đúng vào thời điểm Tết Nguyên đán của người Kinh. Sau phiên chợ cuối năm (25 tháng Chạp), mọi người tham gia dọn dẹp đường làng ngõ xóm; tối 29 tết bắt đầu gói bánh chưng. Người Thái thường gói hai loại bánh chưng màu đen và màu trắng; để làm bánh màu đen, phải đốt rơm lên, lấy tro sạch trộn lẫn gạo nếp, khi sàng sạch muội tro gạo vẫn giữ lại màu đen.

Sáng 30 tết, các nhà luộc bánh chưng và thịt heo; tối 30 tết làm cơm tất niên mời bà con, họ hàng, bạn bè. Sau lễ cúng giao thừa bằng cá, thịt, bánh, các đồ thổ cẩm, bạc nén... nhà nào có chiêng hay cồng thì mang ra đánh và múa hát.

Mùng Một dậy sớm, múc nước luộc bánh chưng cho mỗi người uống một ít. Sau đó dọn ra hai hoặc ba mâm cúng, mâm đặt trên cao là để cúng tổ tiên nhà chồng, còn mâm thấp hơn cúng tổ tiên nhà vợ. Cúng xong, tất cả con trai trong nhà để cho phụ nữ ăn trước, đây là ngày duy nhất trong năm phụ nữ được ăn trước đàn ông.

Sáng mùng Một, người ta nườm nượp đến nhà nhau chúc tết chứ không kiêng cữ gì đâu, chỉ kiêng vứt lá dong xuống gậm sàn, kiêng quét nhà vào ngày mùng Một tết thôi. Trong những ngày đầu năm mới, mọi người đặc biệt quan tâm đến cách ứng xử với hàng xóm, bạn bè và người thân trong gia đình, không ai to tiếng vì sợ sẽ bị “dông” cả năm...

Tôi lặng lẽ bước ra sân, hơi lạnh núi rừng xua tan cái váng vất hơi men. Không biết trong nhà, ông Trương kể chuyện gì mà tiếng cười bung lên. Nghe những tiếng cười trẻ trung ấy, chợt thấy cuộc sống nơi xóm nghèo này tươi mới lên, bao nhiêu khó khăn trôi qua hết, lại thấy tràn trề hy vọng cây cao su trả nghĩa. Và trong tôi có một niềm tin mãnh liệt: Những con người chân chất, hiền lành nhưng bền bỉ, kiên cường nơi đây sẽ có tương lai tươi sáng...

Vườn cao su phía sau nhà xào xạc lá khô. Dường như tôi nghe được cả tiếng cựa mình của mầm non đang dưỡng sức chờ ngày bung lá. Còn ít ngày nữa là tết...!

Lê Hải

Chuyên mục khác