19/05/2021 13:04
Ký ức những ngày vượt Trường Sơn cứu nước
Tháng 6/1970, người thanh niên Trịnh Văn Thìn (xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) xung phong vào bộ đội. Sau hơn 3 tháng huấn luyện trong quân ngũ, ông cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào Nam chi viện cho chiến trường.
Theo đường chiến lược 15, ông Thìn và đồng đội đi qua Hà Tĩnh, Quảng Bình. Thời gian này, Đoàn 559 đã “lật cánh” sang tổ chức vận chuyển ở Tây Trường Sơn. Tuyến giao liên Đông Trường Sơn vẫn chỉ là những lối mòn, luồn lách giữa đại ngàn; khi vượt núi cao chất ngất, vách đá cheo leo; khi luồn qua hang sâu, khe cạn…
Mặc dù đã được tập luyện để vượt qua khó khăn trong điều kiện dầm mưa, dãi nắng, mang nặng đường xa và chuẩn bị tinh thần hành quân vượt Trường Sơn là cực kỳ gian khổ, nhưng gian khổ mà bộ đội Trường Sơn phải trải qua còn vượt xa những gì được nghe và tưởng tượng. Những thử thách khốc liệt của những tháng ngày hành quân vượt Trường Sơn thật là khốc liệt. Ngày đi, đêm nghỉ, cơm vắt, ngủ rừng, cuối cùng ông Thìn và đồng đội trong đoàn hành quân đã đến tỉnh Quảng Trị.
|
Lúc bấy giờ, chiến trường Tây Nguyên bị bao vây chia cắt. Đường Trường Sơn bị quân Mỹ - Nguỵ phản kích đánh ra vòng ngoài bằng các cuộc hành quân lớn nhằm cắt đứt con đường chi viện lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược từ miền Bắc vào miền Nam. Ông được biên chế vào D bộ, E9, F304 tham gia chiến dịch phản công vào Đường 9 - Nam Lào của quân ta.
Hằn sâu trong ký ức của ông Thìn là lực lượng tham gia chiến dịch của quân ta ngày ấy gồm nhiều đơn vị chủ lực mạnh, có đến 5 sư đoàn bộ binh và một số đơn vị binh chủng cùng lực lượng tại chỗ của các Mặt trận B4 (Quân khu Trị - Thiên), B5 (Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị), Đoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn). Sau gần 50 ngày đêm chiến đấu, từ ngày 8/2/1971 đến 23/3/1971, ta đã đánh cho quân đội Mỹ - Nguỵ một đòn chí mạng, đập tan ý đồ cắt đứt đường Trường Sơn của quân địch, làm phá sản một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ. Tròn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 còn được ghi nhớ mãi trong lòng ông và các đồng đội đã tham gia chiến dịch này.
Câu chuyện về tinh thần yêu nước
Đến bây giờ, cựu chiến binh Sư 304 - Nguyễn Xuân Vị (xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi) vẫn nhớ như in con đường vượt Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ nhiều gian khổ. Năm 1965, thất bại trong “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuyển sang “Chiến tranh cục bộ”. Trước tiếng gọi của Tổ quốc, ông Vị cùng hàng triệu thanh niên miền Bắc lên đường vào Nam. Sau 6 tháng 15 ngày vượt Trường Sơn, ông và đồng đội đặt chân đến chiến trường Tây Nguyên (B3) - một địa bàn chiến lược vô cùng quan trọng. Tây Nguyên không chỉ là căn cứ địa, mà là bàn đạp, là nơi phát động những chiến dịch tiến công lớn của các binh đoàn chủ lực để tạo ra những đột biến có tính chất bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ông Nguyễn Xuân Vị kể: Trước ngày đi B, tôi được về phép 3 ngày, chỉ nói với mẹ được một câu: “Chiến thắng con về”. Và rồi tôi đã trở về, nhưng vẫn còn bao đồng đội tôi đã hy sinh máu xương để góp phần đổi lấy độc lập, thống nhất đất nước cho dân tộc Việt Nam. Đến nay, vẫn còn nhiều đồng đội tôi nằm lại ở đại ngàn Tây Nguyên mà chưa tìm được mộ.
“Có lẽ còn duyên nợ với Tây Nguyên, sau khi về phục viên năm 1976, từ vùng ngập của lòng hồ thủy điện Sông Đà, tôi lại chuyển vào xây dựng quê hương mới tại thôn Hào Lý, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi đến hôm nay. Hiện tôi làm Chi hội trưởng CCB thôn Hào Lý” - ông Vị bộc bạch với chúng tôi trong tâm trạng bồi hồi xúc động.
Cùng chung dòng hồi tưởng về những ngày tháng vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, ông Đinh Công Tặng cho biết, sau 3 tháng huấn luyện tại Lạc Thủy - Hòa Bình, năm 1968 ông được lệnh vào Nam. Đơn vị của ông là Công trường 5, F27. Hai tháng sau, đơn vị của ông đặt chân đến Khe Sanh, Quảng Trị - chiến trường ác liệt nhất thời bấy giờ. Bởi, trong bản đồ quân sự của Mỹ, Khe Sanh chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng, từ đây có thể uy hiếp đường Hồ Chí Minh và bảo vệ Vùng I chiến thuật, nên chúng ra sức đánh phá nhằm cắt đứt đường Hồ Chí Minh. Những năm tháng chiến đấu ở Trường Sơn đã trở thành năm tháng không bao giờ quên trong cuộc đời của ông Đinh Công Tặng và hàng triệu thanh niên Việt Nam không quản hy sinh thân mình để giữ con đường Trường Sơn - con đường ra trận - luôn thông suốt, góp phần vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Đinh Công Tặng tâm sự với chúng tôi rằng, trong những giờ phút chiến đấu ác liệt nhất, ranh giới giữa cái chết và sự sống dường như chỉ còn trong gang tấc. Có những đồng đội mới vài giây phút trước còn nằm bên nhau mà chỉ trong tích tắc đồng hồ đã vĩnh viễn ra đi. Sự bình yên ngày hôm nay đã được đánh đổi bằng máu và nước mắt của thế hệ cha anh đi trước.
Sau chiến tranh, trở về với đời thường, các chiến sĩ vượt Trường Sơn năm xưa vẫn giữ vững bản chất của người chiến sĩ cách mạng trung với Đảng, hiếu với dân, chăm lo xây dựng cuộc sống, gia đình và xã hội, đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Các cựu chiến binh tiếp tục truyền cho nhau nghị lực để vượt khó vươn lên làm giàu trên quê hương mới, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển tỉnh Kon Tum.
Dương Lê