05/09/2017 06:19
Mối quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam được bắt nguồn từ các điều kiện tự nhiên, xã hội, văn hoá và lịch sử, truyền thống chống giặc ngoại xâm của nhân dân hai nước; được xây đắp, nuôi dưỡng bằng công sức, của cải, xương máu của nhiều thế hệ cách mạng người Việt Nam và Lào, do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản đặt nền móng và các thế hệ lãnh đạo hai đảng, hai nhà nước dày công vun đắp.
Ngược dòng về quá khứ, ngay từ khi Ðảng Cộng sản Ðông Dương ra đời, Nghị quyết Hội nghị tháng 10/1930 đã xác định phải khuếch trương phong trào cách mạng cho đều khắp các xứ Đông Dương, nhân dân Đông Dương cần đoàn kết chống ách thống trị của thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc, với tinh thần “Dân tộc Việt Nam đoàn kết chặt chẽ với dân tộc Miên, Lào thì sức mạnh đủ đánh tan thực dân Pháp”, liên minh các nước phải đoàn kết chiến đấu đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Từ đây, phong trào giải phóng dân tộc của cả hai nước có mối quan hệ mật thiết với nhau, cùng ủng hộ, giúp đỡ nhau trên tất cả các mặt trận.
Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945, Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Và chỉ hơn một tháng sau đó, ngày 12/10/1945 tại thủ đô Viên Chăn, Chính phủ lâm thời Lào Itsala được thành lập, thông qua Hiến pháp và tuyên bố nền độc lập trước thế giới. Cũng chính Việt Nam là nước đầu tiên gửi thiệp chúc mừng và tuyên bố thừa nhận Chính phủ Lào độc lập và ký Hiệp ước hợp tác tương trợ Việt Lào vào ngày 30/10/1945.
Ngày 20/01/1949, dưới sự giúp đỡ của cách mạng Việt Nam, đội quân lực lượng vũ trang đầu tiên của Lào được thành lập mang tên Lạtsạvông, là tiền thân của Quân đội Nhân dân Lào hiện nay…
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sự phối hợp chiến đấu có hiệu quả của quân đội, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đã chứng minh lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Kháng chiến của Việt Nam, của Miên, của Lào là của chung của chúng ta. Việt Nam có kháng chiến thành công thì Miên, Lào mới thắng lợi và Miên, Lào có thắng lợi thì Việt Nam mới hoàn toàn thắng lợi. Việt Nam, Miên, Lào như anh em ruột thịt trong nhà...”.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, tình đoàn kết, quan hệ chiến đấu keo sơn giữa nhân dân hai nước tiếp tục được kế thừa, nâng lên và phát triển.
Năm 1962, Hiệp định Geneve về Lào được ký kết, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho cách mạng Lào và Việt Nam.
Với thời cơ và thuận lợi đó, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5/9/1962. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, là dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.
Sau khi hai nước được giải phóng hoàn toàn vào năm 1975, để đưa quan hệ hai nước phát triển toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu, hai nước đã ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác vào ngày 18/7/1977. Hiệp ước đó đã trở thành cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để không ngừng củng cố, phát triển quan hệ giữa hai nước…
Cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng uống chung dòng nước Mê Kông, cùng chung một chiến hào, bởi vậy, suốt chiều dài lịch sử, mối thâm tình Việt - Lào là mối thâm tình của những người tri âm, tri kỷ.
“ Trên đỉnh Trường Sơn ta gặp nhau giữa đường đi chiến đấu…Trường Sơn, hai nước chúng ta đã ghi tạc nghĩa tình từ xưa. Đường dài chiến đấu ta đánh Mỹ, cất cao tiếng ca. Trường Sơn bao la, cao như quyết tâm ta diệt thù. Việt Lào một lòng như sắt đá…”.
Tiếng gọi của quê hương từ hai miền vách núi đã gắn kết hai dân tộc đoàn kết một lòng cùng đứng lên chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Mồ hôi, xương máu của chiến sĩ và chuyên gia Việt Nam đã hòa quyện cùng xương máu, mồ hôi của chiến sĩ và nhân dân Lào, trở thành huyền thoại trong lòng người dân hai nước. Nghĩa trang liệt sĩ Việt – Lào tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An- nghĩa trang duy nhất của Việt Nam mang tên hai quốc gia, hai dân tộc, nơi an nghỉ của hơn 11 ngàn cán bộ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã ngã xuống trong công cuộc đấu tranh giành độc lập của nước bạn Lào là minh chứng rõ nhất cho mối tình thủy chung, son sắt, sự gắn kết giữa hai dân tộc anh em Việt- Lào…
“…Em ở bên này Tây Trường Sơn. Anh ở bên này Đông Trường Sơn. Hai nước nghe chung tiếng gà gáy sáng. Đất nước Chăm Pa, đất nước Tiên Rồng. Chung bước đi lên xây đắp mối tình. Tình Việt Lào anh em. Tình Việt Lào anh em. Mãi mãi không bao giờ phai…”.
Những câu hát vang lên như nhắc nhớ, khơi gợi thêm niềm tự hào về mối quan hệ đặc biệt, hiếm có giữa hai dân tộc. Dù trải qua rất nhiều gian nan, thử thách, cả sự chống phá, chia rẽ của các thế lực thù địch, mối quan hệ đó vẫn vẹn nguyên, không bị rạn nứt, phá vỡ mà ngược lại ngày càng bền chặt.
Trong trái tim của mỗi người dân hai nước Việt - Lào mãi mãi khắc sâu lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt-Lào hai nước chúng ta. Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”, cũng như lời khẳng định của Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào – Việt Nam mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.
Hoàng Thúy