Gặp gỡ Ia Đal

23/06/2018 07:00

​Nhắc tới Ia Đal, tôi lại nhớ đến những người mà tôi từng gặp nơi đây. Họ - những con người “xù xì, cũ kỹ”, nhưng tâm hồn lúc nào cũng phóng khoáng, sống chân thành như cây rừng, vững chãi như những ngọn núi vươn lên trời cao...

Đây là lần thứ 3 tôi lên Ia Đal, xã biên giới của huyện Ia H'Drai.

Lần đầu tiên, tôi đã rất ấn tượng bởi thông tin xã có đường biên giới với nước bạn Campuchia dài hơn 40km và hơn chục cột mốc chính...

Lần thứ 2, tôi hết sức ngỡ ngàng khi đến thôn 6, một thôn có hơn 50 nóc nhà, nằm cách đường biên giới Việt Nam-Campuchia không xa. Này nhé, đường bê tông phẳng phiu, sạch sẽ, những ngôi nhà khang trang quét sơn xanh chạy dọc hai bên đường, cổng, tường rào cùng kiểu và thẳng tắp, không “thò ra thụt vào”, cờ đỏ sao vàng tung bay trước nhà...

Điện về xã biên giới Ia Đal. Ảnh: T.H

 

Riêng lần này, tôi được gặp gỡ, được tâm tình với những người bám đất và “hiền như đất”. Những anh Lê Văn Hào, Hà Văn Tình, chị Hà Thị Xiêng... Họ - những con người “xù xì, cũ kỹ”, nhưng sống chân thành như cây rừng, vững chãi như những ngọn núi vươn lên trời cao...

Ở Ia Đal, mỗi lần có khách "dưới xuôi" lên chơi là một lần nhà nhà “trải lòng đón khách”, nhiệt tình và chu đáo. Như hôm nay chẳng hạn, Chủ tịch xã Ngụy Đình Phúc đã phải chấp nhận "nhường", theo tôi về làm khách nhà anh Lê Văn Hào - thôn trưởng thôn 3.

"Nhà có khách nhé"- anh Hào đứng ở cổng gọi với ra như vậy. Lát sau đã thấy mấy cậu thanh niên hàng xóm chạy sang, miệng cười tay làm, người bắt gà, vịt, người cầm tay lưới lội ào xuống ao bắt cá.

Ít phút sau, lại có mấy chị sang nhà anh Hào phụ giúp nấu nướng. Chuyện cứ nổ như bắp rang. Chén đũa đủ chưa? Chưa à. Để em về lấy. Gạo này có ngon không? Để em về nhà lấy một ít gạo mới xay xát hồi sáng sang ăn thử nhé...

Tình người ở Ia Đal là vậy. Nó không màu mè, không lấy lòng, mà tự nhiên, đậm đà như thế. Nó là động lực để họ vượt qua và chiến thắng gian nan, thử thách.

Nhoáng cái, một bữa cơm tươm tất đã được dọn lên trong nếp nhà sàn của anh Hào. Gà thả đồi, cá dưới ao, rau xanh trong vườn, được chế biến bởi những đôi tay khéo léo của những chị phụ nữ dân tộc Thái nên bắt mắt và dậy hương. Rượu gạo được chị Dung - vợ anh Hào ủ bằng men và chưng cất bằng bí kíp riêng của người Thái, rót tràn ly. Mọi người nâng ly, chúc cho cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.

Ngồi bên cạnh, anh Hào cứ giục tôi ăn. Ơ, sao mà anh lại ngồi chống đũa vậy? Tôi thắc mắc. Anh cười hiền: Nhìn mâm cơm hôm nay, lại nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, mâm cơm chỉ có ít rau rừng, cá khô...

Ký ức ùa về, mắt anh Hào như có sóng. Những câu chuyện ở Ia Đal mới chỉ cách ít năm thôi mà nghe cứ như từ năm nảo năm nào.

Rời quê hương Thanh Hóa, gia đình anh Hào bồng bế nhau theo chân bạn bè vào Ia Đal làm công nhân cao su. Thật khó có thể kể lại tường tận những gì mà gia đình nhỏ ấy đã chịu đựng, đã vượt qua trên quê hương mới.

Rừng núi mịt mùng, thăm thẳm, trừ Quốc lộ 14C còn có hình dáng con đường ra, tất cả đều là đường rừng, lâu lâu mới thấy nếp nhà tuềnh toàng, mái tôn, vách ván, nền đất... Mùa nắng thì như nung, gió quất hừng hực; mùa mưa thì  đúng nghĩa mưa rừng, sầm sập, ào ào, ngày này qua ngày khác.

Nhiều đêm, nằm nghe tiếng mưa gõ đùng đùng trên mái tôn, có lần anh Hào đã nao núng, muốn bỏ quách mấy lô cao su nhận khoán và căn nhà tạm, dắt díu vợ con về quê...

Nhưng rồi, anh Hào không bỏ cuộc. Và, rất ít người bỏ cuộc!

Khó khăn rèn giũa con người nơi đây sự kiên cường, dẻo dai và chịu đựng.

Rồi chính khó khăn đã kéo mọi người lại gần nhau hơn, sống quây quần, đùm bọc, yêu thương nhau hơn.

Giữa đại ngàn này, chỉ cần biết bên cạnh mình còn có người khác làm bạn thì chúng ta sẽ thấy ấm lòng, thấy vững tin hơn vào ngày mai...

Từ những bữa cơm thiếu muối, những cơn sốt rừng, những ngày đào gốc le rộp tay, bây giờ anh Hào đã có một nhà cửa khang trang, gà đầy chuồng, cá đầy ao; con cái được học hành đàng hoàng...

Đời sống của người dân thôn 3 nói riêng và cả xã Ia Đal nói chung đã và đang dần được nâng cao, nghèo thì vẫn còn, nhưng đói thì "cắt hẳn". Đường giao thông được đầu tư mở rộng, nâng cấp; điện lưới quốc gia kéo tới từng nhà; những ngôi nhà xây dần thế chỗ những nhà tạm.

Mãi rồi anh Hà Văn Tình cũng tới. Màn chào hỏi rôm rả làm không khí bữa cơm bớt trầm lắng. Anh kéo kéo tay tôi: Chiều nay 2 vợ chồng tranh thủ thu hoạch ít bắp trồng ở bờ lô cao su nên về muộn...

Theo anh Tình, không phải gia đình nào cũng có được mấy sào đất để trồng bắp, mì như anh, vì toàn là đất nông trường, đã trồng cao su hết cả, vì vậy, các bờ lô, hợp thủy đều đã được tận dụng để sản xuất.

"Nghĩ cũng lạ, đất rừng Ia H’Drai mênh mông là thế, nhưng để kiếm được miếng đất gieo vạt lúa, thả hom mì cũng chẳng dễ"- anh Tình phàn nàn.

Chủ tịch xã Ngụy Đình Phúc trầm ngâm: Đúng là chuyện đất sản xuất nông nghiệp đang là “bài toán khó” của địa phương. Hiện nay, toàn xã chỉ có khoảng 130ha đất trồng lúa nước cả vụ mùa và vụ đông xuân, trong khi cao su thuộc các doanh nghiệp là hơn 9.197ha. Xã lại chưa có công trình thủy lợi nào, nên không chủ động được mùa vụ, và thường mất mùa do hạn hán. Mặt khác, bà con chủ yếu sử dụng giống lúa cũ và giống khác chưa rõ nguồn gốc, nên năng suất còn thấp...

Nói gì thì nói, việc đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ vẫn là ưu tiên số 1 của chính quyền xã Ia Đal. Vì vậy, trong thời gian tới, xã tiếp tục vận động bà con tích cực tận dụng bờ lô, hợp thủy để sản xuất; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng năng xuất, sản lượng. Đặc biệt, xã đã có định hướng hỗ trợ người dân trồng thử nghiệm cà phê, điều, tiêu, cây ăn quả... Theo bà con thì đất, khí hậu ở đây rất hợp với  các loại cây trồng trên - Chủ tịch xã Ngụy Đình Phúc cho biết... 

Thế là câu chuyện rẽ sang bàn chuyện làm ăn lúc nào không hay. Vợ chồng anh Hào kể chuyện đầu tư hàng chục triệu đào ao nuôi cá, mở quán tạp hóa, trồng thử nghiệm chanh dây. Mọi người vỗ tay rầm rầm...  

Gần 7h tối, đến lúc tôi phải về huyện, Chủ tịch xã Ngụy Đình Phúc "xung phong" đưa tôi về, dù bà con cố giữ ở lại "trò chuyện thâu đêm". Xe bon bon chạy trên đường tuần tra biên giới, ánh điện từ những mái nhà ven đường chiếu xua tan hơi lạnh núi rừng. Ia Đal hôm nay đã không còn hiu quạnh, hoang vu như xưa nữa, mà đang dần trở nên trù phú. Có được điều ấy, một phần là nhờ sự “bám rễ” của những người như ông Sáu, anh Hào...

Tôi vẫn nhớ, hôm ấy tôi đã hứa sẽ sớm trở lại với Ia Đal. Và sẽ ngủ lại để trò chuyện thâu đêm với người Ia Đal...!

Thành Hưng

Chuyên mục khác