18/01/2025 06:22
Những hàng xóm của Trí cũng vậy. Dù cau có, ức chế, phàn nàn đấy, nhưng cũng phải lo chuẩn bị trước, tránh tình trạng không có nước sinh hoạt như Tết Giáp Thìn 2024.
Nhớ lại chuyện nước sinh hoạt dịp Tết Giáp Thìn, Trí vẫn còn thấy ngán ngẩm cùng lo lắng. Dù tình trạng mất nước máy vẫn xảy ra vào thời gian cao điểm mùa khô hàng năm, nhưng chưa năm nào mà căng như đợt ấy.
Giáp Tết bắt đầu nước máy yếu dần, không lên bồn được, mọi sinh hoạt của gia đình Trí rối tung hết cả lên. Ban đầu nước có nhỏ giọt, nhà lại không có bể chứa, nên Trí huy động hết xô, chậu để hứng nước suốt ngày đêm phục vụ nấu nướng, tắm rửa.
Sau đó nước gần như mất hẳn, ròng rã cả chục ngày trước, trong và sau Tết. Mãi đến ngày mùng 6 Tết nước mới đủ mạnh để lên bồn chứa. Trong khoảng thời gian ấy, cả nhà phải đi đến nhà bà con để tắm giặt, vất vả, bất tiện vô cùng. Còn chuyện vệ sinh nhà cửa ấy à? Nước ăn không có, lấy nước đâu để dùng cho việc khác. Nhà em cũng không có giếng khoan- Trí kể.
|
Năm nay Trí rút kinh nghiệm, đầu tư mua thêm bồn về đặt ngoài sân, mấy hôm nữa sẽ lấy nước chứa đầy bồn phòng mất nước trong những ngày Tết. “Cẩn tắc vô áy náy anh ạ”- Trí cười như mếu.
Một số gia đình hàng xóm của Trí còn “mạnh tay” hơn. Nhà thì quyết định đầu tư một khoản tiền không nhỏ để khoan giếng; nhà thì xây bể chứa, mua máy bơm chuyền, sẵn sàng ứng phó với việc mất nước máy.
Tôi hoàn toàn chia sẻ với Trí và những hàng xóm của cậu. Rõ ràng trong “cuộc chơi” này, người sử dụng nước máy đang thất thế, không thể có chuyện hôm nay mất nước thì ngày mai bạn đổi nhà cung cấp luôn.
Ở thành phố Kon Tum không có đơn vị nào cung cấp nước máy, ngoài Công ty Cổ phần Cấp nước Kon Tum (KOWACO). Tất nhiên, họ có thể khoan giếng, nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện để thực hiện điều này.
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao người dân lại phải lo lắng, bất an về chuyện nước ngay khi Tết chưa đến như vậy?
Nhiều ý kiến cho rằng, câu trả lời nằm ở sự bất cập trong quản lý hoạt động cung cấp nước máy hiện nay. Quá bức xúc, nhiều người dân “lên án” KOWACO. Thôi thì đủ kiểu, trách móc nhẹ nhàng có, châm biếm sâu cay có, nhưng nhiều hơn cả là bốp chát chẳng kiêng dè gì, kiểu “có mỗi việc bơm nước sông lên bán mà cũng làm không nổi”.
Cũng có ý kiến cho rằng không nên “trăm dâu đổ đầu tằm”. Vì nguồn nước sông Đăk Bla cạn kiệt, hạ tầng chưa đảm bảo nên không thể cung cấp nước theo nhu cầu trong mùa khô hạn.
Phía doanh nghiệp cũng lý giải rằng, do biến đổi khí hậu, nắng nóng cực đoan dẫn đến nguồn cung cấp nước cạn kiệt.
Đặc biệt, trong quá trình vận hành, các thủy điện trên thượng nguồn sông Đăk Bla chưa đảm bảo lượng lưu nước cho hạ lưu như cam kết nên mực nước sông Đăk Bla xuống thấp hơn mức an toàn.
Dịp Tết Nguyên đán, thời tiết nắng nóng gay gắt và hầu hết người dân đều có nhu cầu dọn dẹp nhà cửa nên lượng tiêu thụ nước tăng đột biến; hệ số sử dụng đồng thời quá cao, các van vòi khu chợ hoa mở liên tục gây mất áp lực trong hệ thống, do đó tình hình thiếu nước diễn ra trên một số khu vực, dù nhà máy đã hoạt động hết công suất- đại diện KOWACO từng giải thích.
|
Mới đây, KOWACO đã có văn bản số 309/CV-CNKT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan và chính quyền địa phương hỗ trợ đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân vào cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán.
Trong đó, theo dõi, kiểm tra quá trình vận hành, giám sát thông số mực nước, lưu lượng xả duy trì dòng chảy tối thiểu tại các hồ chứa thủy điện và đề nghị các chủ hồ đập thủy điện, nhất là các công trình thủy điện trên lưu vực thượng nguồn sông Đăk Bla thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đơn hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ hoạt động của nhà máy.
Ngày 31/12/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm ký văn bản số 4752/UBND-HTKT chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp có liên quan và chính quyền địa phương có kế hoạch đảm bảo cấp nước sinh hoạt phục vụ cho nhân dân trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các khu vực cuối nguồn, khu vực có nhu cầu sử dụng nước cao đột biến dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán.
UBND tỉnh yêu cầu kiểm tra, rà soát tình hình mạng lưới cấp nước; lập phương án và kế hoạch chi tiết nhằm đảm bảo cấp nước ổn định, liên tục và đảm bảo chất lượng. Nghiên cứu các giải pháp dự phòng nguồn nước, tăng cường kết nối mạng lưới cấp nước nhằm tăng áp lực và lưu lượng cho các khu vực nước yếu, khu vực cuối nguồn, khu vực có nhu cầu sử dụng nước cao đột biến.
Lập kế hoạch cho các tổ đội vận hành, sửa chữa, hành chính để trực sản xuất, khắc phục nhanh chóng các sự cố rủi ro, giải quyết nhanh các khiếu nại liên quan đến các dịch vụ cấp nước trước, trong và sau Tết.
Nhìn một cách khách quan, cũng có thể chia sẻ được với nhà cung cấp, khi hạ tầng cấp nước chưa đủ để giải quyết triệt để tình trạng thiếu nước vào mùa khô và những ngày cao điểm, như dịp Tết.
Nhưng suy cho cùng, người sử dụng nước máy hoàn toàn có quyền yêu cầu sự phục vụ tốt hơn. Họ không đáng phải chịu những ức chế, bực bội vì chuyện nước sinh hoạt ngay trong những ngày Tết. Càng không đáng phải lo lắng chuyện tích trữ nước sinh hoạt khi chưa đến Tết.
Được biết, tháng 12/2024, HĐQT KOWACO đã quyết định thống nhất chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp và mở rộng nhà máy nước công suất 20.000m3/ngày, đêm với tổng mức đầu tư khoảng 117 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 12/2026.
Điều đó đồng nghĩa người dân sử dụng nước máy vẫn còn phải phập phồng lo chuyện nước thêm vài cái Tết nữa.
Hồng Lam