Gắn bó với nghề

21/06/2018 07:15

Công việc “bếp núc” ở tòa soạn đã gắn bó với chúng tôi suốt hơn 20 năm qua và để lại vô vàn những kỷ niệm khó quên. Trong quãng thời gian đó, không phải công việc lúc nào cũng trơn tru, đôi khi cũng gập ghềnh chông gai, nhưng chính điều đó đã giúp chúng tôi ngày càng trưởng thành và gắn bó hơn với công việc.

Tôi và chị đồng nghiệp đúng là có duyên với nhau. Năm 1993, khi Xí nghiệp In Kon Tum tuyển người đưa đi đào tạo về công nghệ in hiện đại bằng máy in offset để thay thế công nghệ in typo, cả hai chị em đều trúng tuyển và cùng được phân đi học về dàn trang chế bản trên máy vi tính ở Thành phố Hồ Chí Minh. Công việc này hồi đó còn khá mới mẻ, nên đi học về chúng tôi là những người đầu tiên ở Kon Tum biết chế bản trên máy vi tính.

Vào giữa năm 1995, khi Xí nghiệp In áp dụng công nghệ mới, Báo Kon Tum triển khai in thử nghiệm, rồi dần chuyển khâu in báo từ Bình Định về đây. Năm 1996, khi chuẩn bị xuất bản 2 số/tuần, để công việc được chủ động hơn Tòa soạn đã tuyển người về triển khai dàn trang chế bản tại báo. Thế rồi một lần nữa, cơ duyên lại đưa cả tôi và chị đồng nghiệp cùng về làm cho Tòa soạn.

Thời đó, Tòa soạn chưa tới 20 người làm việc ở 2 dãy nhà cấp bốn. Về Tòa soạn, công việc chính của hai chị em lúc đó là đánh máy bản thảo và chế bản trên máy vi tính.

Cả cơ quan lúc đó chỉ có hai máy vi tính là tài sản có giá trị nhất và được ưu tiên phục vụ công tác xuất bản. Hồi đó công việc văn thư vẫn phải dùng máy chữ để gõ, còn tất cả bản thảo của phóng viên và cộng tác viên đều viết tay, các trưởng phòng phóng viên biên tập xong chuyển cho Thư ký tòa soạn lúc đó là anh Hà Xuân Vinh biên tập rồi phân trang.

Anh Nguyễn Dũng lúc đó là họa sĩ có nhiệm vụ nhận bản thảo từ Thư ký tòa soạn rồi lên maket các trang, sau đó mới chuyển cho hai chị em đánh máy. Công đoạn đánh máy tốn khá nhiều thời gian, một số báo phải đánh máy mất cả ngày. Khi đó đánh máy bằng chương trình VietRes, đánh xong phải thêm một công đoạn chuyển mã font về Vni rồi mới dàn trang bằng chương trình Corel Ventura. Khi dàn trang phải đo chính xác từng milimet mỗi bài trên maket của họa sĩ vẽ ra, sau đó in ra giấy A4 để morat đọc sửa lỗi chính tả. Khi sửa lỗi morat xong, chúng tôi in ra giấy cal rồi cắt, ghép các bài thành từng trang để họa sĩ đem các trang ghép lại cùng với ảnh xuống nhà in...

Đến năm 2003, Tòa soạn thay đổi chương trình dàn trang từ Corel Ventura sang PageMaker chuyên cho dàn báo và quan trọng nhất là mua được máy in khổ A3 từ đó việc dàn trang đỡ vất vả hơn so với trước rất nhiều. Mỗi trang báo được in nguyên trang nên rất dễ kiểm soát, không sợ bị hụt hay thừa như trước.

Cán bộ Phòng tòa soạn tập trung cao độ xuất bản báo

 

Về khâu ảnh đã có bước đột phá khi các máy máy ảnh cơ dùng phim được thay bằng máy kỹ thuật số, ảnh vừa chụp xong có thể gửi ngay cho Tòa soạn chỉnh sửa.

Cuối năm 2012, quy trình xuất bản báo tiếp tục có bước đột phá mạnh mẽ. Khi đó, nhà báo Trịnh Văn Tâm mới về giữ chức Tổng Biên tập nhận thấy quy trình xuất bản vẫn còn nhiều khâu bất cập đã quyết định cho thay đổi quy trình tiếp nhận tin bài, biên tập, gắn trách nhiệm của mỗi cá nhân ở từng khâu.

Theo đó, Tòa soạn áp dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu. Phóng viên không còn viết tay trên bản thảo mà sử dụng máy vi tính, viết xong nộp file cho trưởng phòng biên tập. Các trưởng phòng xử lý xong tiếp tục chuyển file cho Tòa soạn biên tập, lên trang. Ban Biên tập cũng duyệt ấn phẩm qua các file nên rất thuận tiện khi đi công tác xa.

Quy trình này bước đầu gặp rất nhiều sự phản đối từ cán bộ, phóng viên, biên tập viên vì nhiều người đã quen với nếp làm cũ, ngại thay đổi, phần thì phải cập nhật kiến thức công nghệ thông tin... nhưng khi áp dụng nhuần nhuyễn ai cũng thấy “mê” quy trình này vì những tiện ích nó mang lại. Phóng viên có thể viết, nộp bài ở bất cứ đâu chỉ cần có sóng điện thoại hoặc internet; các biên tập viên cũng không cần phải ngồi tại phòng làm việc vẫn có thể xử lý công việc. Chính nhờ quy trình này, các nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa đã có những dòng tin nóng hổi khi sự kiện còn đang diễn ra đăng trên các ấn phẩm của Báo Kon Tum.

Đối với Phòng Tòa soạn, quy trình này “trên cả tuyệt vời” khi không còn phải căng mắt đo đo, cắt cắt từng milimet; không còn phải kỳ cạch gõ từng bản thảo... Thời gian xuất bản nhờ đó mà giảm đi rất nhiều, các sai sót cũng giảm thiểu. Rất nhiều báo bạn đã cử người tiếp cận, học hỏi quy trình xuất bản của Báo Kon Tum.

Cũng trong thời gian này, Tổng Biên tập cũng quyết định chuyển đổi chương trình dàn trang mới đó là chương trình InDesign hiện đại và đồng bộ cùng với các nhà in lớn trong thành phố để thuận lợi cho việc in ấn báo xuân.

Không phải chúng tôi tự hào chứ để có được quy trình làm báo khoa học như ngày hôm nay là cả một quá trình không ngừng học hỏi, phấn đấu, tiếp thu đổi mới, cải tiến thay đổi công nghệ của cả tập thể phòng và quan trọng hơn cả đó chính là chủ trương, định hướng từ Ban Biên tập. Mặc dù, khối lượng công việc tăng hơn gấp rất nhiều lần so với trước đây (1kỳ/tuần), hiện báo ra 4 kỳ/tuần và cả báo điện tử, cán bộ, nhân viên trong phòng vẫn vậy, không tăng thêm biên chế, với cách sắp xếp hợp lý cùng với đội ngũ có trách nhiệm hết lòng vì công việc, vì thế mà công việc của phòng luôn nhịp nhàng, trôi chảy.

Nhìn lại một chặng đường dài cống hiến, chúng tôi rất tự hào vì tờ báo ngày càng đẹp hơn về hình thức và phong phú về chất lượng nội dung được độc giả ngày càng đón nhận. Còn với tôi, cùng với việc tham gia trong ê kíp xuất bản báo, đôi khi tôi cũng thả hồn vào những con chữ để thỏa lòng háo hức và sẻ chia cảm xúc với đồng nghiệp.

Bài và ảnh: Gia Thịnh

Chuyên mục khác