28/04/2020 06:04
Nếu như khoảng chục năm về trước, tiệm internet công cộng là sự lựa chọn hàng đầu của người chơi game (game thủ), thì hiện tại các game thủ lại chọn thiết bị di động để thỏa niềm đam mê của mình. Bởi, bằng cách này, người chơi có thể chơi mọi lúc, mọi nơi với chi phí rất rẻ.
Dạo một vòng quanh các quán xá, khu vui chơi giải trí công cộng, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những bạn trẻ mắt dán vào màn hình điện thoại, miệng “lẩm bẩm” những “thuật ngữ game” mà chỉ những người đam mê trò chơi này mới hiểu và tay họ lướt lướt, bấm bấm. Những lúc như vậy, hầu như thế giới xung quanh chẳng hề tồn tại với các game thủ.
Trên đường đi chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cô cậu học sinh đang được bố mẹ chở đi học cũng tranh thủ lấy điện thoại ra chơi game, rồi tự độc thoại, hoặc lâu lâu lại... phá lên cười.
Tôi chợt nhớ về thuở trẻ thơ - những năm học bậc tiểu học cũng vướng vào trò chơi game với những đam mê làm mụ mị cả một thời gian, may mà cha mẹ tôi kịp thời phát hiện và “cai game” cho tôi.
Ngày ấy, tôi cũng có sở thích chơi game y hệt những cậu học trò bây giờ vậy. Nhưng để có được một giờ chơi game ở tiệm net, tôi phải giấu bố mẹ nhịn ăn sáng để dành tiền chơi game.
|
Hiện tại, các bạn trẻ chơi game ít tốn kém hơn trước đây. Bởi thị trường công nghệ game di động luôn có chiến lược đáp ứng những “thượng đế” của mình. Game online bây giờ đang có xu hướng phát triển trên điện thoại thông minh với giá rẻ. Nếu như cách đây vài năm phải tốn tầm 10 triệu để có một chiếc smartphone đủ cấu hình chơi những game “hot”, hay nhất thị trường thì hiện tại, chỉ tầm 3 - 4 triệu đồng là đã có một chiếc di động với cấu hình đạt yêu cầu để “chiến” những loại game “hot”; vì thế các bạn trẻ dễ dàng tiếp cận để chơi game.
Vậy mà do bận rộn với cuộc sống mưu sinh, để tiện lợi trong việc biết giờ con tan học, không ít bậc phụ huynh không ngại ngần bỏ tiền ra sắm cho con mình điện thoại thông minh và sẵn sàng “ném” cho các em chơi thỏa mái, mà chủ quan không hề kiểm soát con em mình sử dụng điện thoại. Thậm chí, có phụ huynh coi rằng đó là cách để mình “rảnh tay, rảnh chân” khỏi trông trẻ những lúc chúng ở nhà. Họ cứ nghĩ đơn giản rằng, cách chơi truyền thống, phải ngồi máy bàn, màn hình lớn thì mới nghiện, còn chơi bằng điện thoại chỉ để cho vui, giải trí. Chính lối suy nghĩ đó, vô tình một số phụ huynh biến con em mình trở thành “con nghiện” lúc nào không hay.
Có lần trong một quán cà phê, bắt gặp cảnh một bạn trẻ tầm đôi mươi ngồi bàn kế, đang dán mắt vào điện thoại để chơi game, tôi lân la hỏi chuyện và được bạn ấy bộc bạch: “Mỗi lần buồn em thường tìm đến game, vì nó giúp em lấy lại niềm vui nhanh nhất. Nếu có gặp gỡ bạn bè thì cũng chẳng biết nói chuyện gì, vì ai cũng “chúi mũi” vào trò chơi của mình”. Câu nói của bạn trẻ trên khiến tôi giật mình về “ma lực” của thế giới ảo đã làm không ít bạn trẻ bị mê hoặc, ảnh hưởng đến tâm lý, cảm xúc, thậm chí mất kiểm soát hành động gây ra tội ác, gây ra tệ nạn… một khi các em “nghiện game”.
Phải nói rằng công nghệ càng phát triển, kéo theo việc tiếp cận, hòa nhập với mọi thứ của con người cũng với tốc độ chóng mặt. Hàng ngày trên các trang mạng luôn có một góc riêng để quảng cáo về các loại game, hướng dẫn cài đặt cụ thể, với lời mời chào hấp dẫn, bắt mắt. Với vài thao tác trên điện thoại, các trò chơi “game hot” có thể được cài đặt dễ dàng và sẵn sàng cho người dùng “chiến”. Chẳng đâu xa, ngay chính những cửa hàng bán lẻ điện thoại di động cũng chủ trương quảng cáo điện thoại của mình với những tính năng có liên quan đến game, khuyến khích người dùng trải nghiệm khi đến mua điện thoại.
Cũng giống như rượu hay ma túy, loại “ma túy” mới là game online đang dần len lỏi qua từng chiếc smartphone, không những của các bạn trẻ, mà còn của những người lớn tuổi. Sức mê hoặc của nó là quá lớn khiến số người nghiện game tăng nhanh và để lại những hệ lụy đáng tiếc. Đó là tỷ lệ bị cận thị, suy giảm trí nhớ, thể lực... đang gia tăng. Đó là những ám ảnh bởi cảnh đâm chém, bắn, giết trên game đã in sâu vào suy nghĩ và nhận thức của người chơi, để rồi khi chạm thực tế, họ dễ bị cuốn theo những hành động như thế giới ảo.
Mặt khác, những bạn trẻ nghiện game cũng ít có động lực phát triển bản thân, hòa nhập với đời sống thực. Họ có xu hướng khép mình, ít tham gia các hoạt động xã hội và thường có lối suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc. Với các bạn trẻ nghiện game, một chiếc điện thoại thật xịn, cấu hình thật mạnh, kỹ năng chơi game thật điêu luyện, là thước đo cho giá trị của mình.
Tác hại của trò chơi điện tử đối với cuộc sống mỗi con người, nhất là giới trẻ là quá rõ. Game đang thật sự là thứ “ma túy” trong đời sống xã hội. Đã đến lúc có sự chung tay của gia đình, xã hội và các cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục và cả những biện pháp chế tài phù hợp để ngăn chặn loại “ma túy” này. Còn về phần mình, điều cần làm khác ngay bây giờ của các bạn trẻ là gác chiếc điện thoại sang một bên, lên kế hoạch làm một việc ý nghĩa, hay tham gia một trò chơi vận động sẽ có ý nghĩa hơn nhiều.
Hoàng Thanh