Duyên nợ với nghề báo

19/06/2024 13:05

20 năm làm ở nhiều cơ quan, đảm nhận nhiều công việc khác nhau, nhưng tôi “loanh quanh” vẫn làm công việc liên quan tới báo chí và nay làm ở cơ quan báo chí. Và ngay việc đi học báo chí với tôi cũng là một cái duyên để tôi gắn bó với nghề báo.

Chuyện là vào những năm 90, quê tôi, một tỉnh vùng cao Tây Bắc, chỉ có vài nhà có cái tivi đen trắng. Tôi cũng chưa nhìn thấy tờ báo giấy bao giờ. Trong khi thời điểm đó, bạn cùng lứa “nhà nhà học sư phạm, người người học sư phạm” thì tôi lại đi học chuyên ngành Phát thanh - Truyền hình. Bạn bè có đứa cổ vũ, có đứa bảo “hâm”, còn bố mẹ tôi thì nhất quyết không cho, sợ ra trường khó xin việc làm, lại phải đóng học phí, trong khi học sư phạm bố mẹ không phải lo nhiều. 

Tuy nhiên, vì thần tượng cô phát thanh viên này, chú biên tập viên kia thông qua chiếc ti vi đen trắng ở nhà, cộng thêm lời động viên của cô bạn thân – giờ là giảng viên mỹ thuật tại một trường cao đẳng ở tỉnh Lào Cai, thế là tôi quyết tâm đăng ký nguyện vọng học chuyên ngành Phát thanh - Truyền hình. 

Ngày tôi đi thi, bố mẹ đang ở dưới Hà Nội vì bố ốm nặng. Ở nhà, 4 chị em tự chăm nhau. Và ở cái tuổi ăn, tuổi lớn cùng không có đồng hồ hẹn giờ như bây giờ, ngày lên đường đi thi tôi ngủ quên. Khi tỉnh dậy, tôi vội vàng xách ba lô chạy từ trên đỉnh dốc xuống con đường lớn, mong chờ chiếc xe nào đó có thể quá giang. Và thay vì 5 giờ chiếc xe khách đi qua đường như thường lệ thì hôm đó 7 giờ xe mới đến, may mà cuối cùng tôi về Hà Nội mọi việc cũng suôn sẻ.

Năm đó, tôi trúng tuyển. Tuy nhiên, bạn bè lần lượt nhập trường cũng là lúc tôi lại đi học may vá, thêu thùa. Tiệm may đồ tôi học đối diện với cổng nhà thầy dạy toán. Thầy là người truyền tình yêu môn toán cho tôi và cũng là thầy duy nhất cho tôi học “chùa” khi học thêm. Biết tính “sĩ diện” của tôi nên “đổi lại” thầy giao tôi quản lý lớp và thu tiền học thêm.

 

 
Phóng viên báo chí tác nghiệp. Ảnh: D.N

 

Biết tôi trúng tuyển, nhưng ngày ngày đi làm, thầy thường nán lại trước cổng, nhìn qua bên này đường, nơi tôi đang cắm mặt vào chiếc bàn may, nhìn thật lâu cô học trò rồi mới đi làm với ánh mắt trách móc.

Vào một buổi chiều nọ, bên bộ bàn trà cũ kỹ, tay bố run run nâng ly trà xanh và hỏi: “Bố mẹ không có điều kiện để nuôi thêm đứa nào học nữa, con có thể tự làm và học được không?”.  Nghe bố nói, tôi òa khóc, nước mắt rơi lã chã. Khóc vì mừng được tiếp tục đi học, hy vọng tương lai tươi sáng hơn, nhưng lại cả lo vì ở cái tuổi 18, chưa bao giờ ra khỏi khỏi lũy tre làng, thì biết làm gì để sống, để học. 

Lại nói về người thầy dạy toán, sau này tôi mới biết, chính thầy gặp bố mẹ tôi nói chuyện, phân tích và thuyết phục để tôi được theo đuổi đam mê của mình.

Tôi về Hà Nội nhập học, mẹ dúi vào tay tôi một cuộn tiền lẻ được cột chặt bằng sợi dây thun và nhắc nhở cất tiền cẩn thận. Đây là lần mẹ gửi tiền đầu tiên và duy nhất. Tôi giữ đúng lời hứa với bố mẹ, tranh thủ ngoài giờ học là đi làm thêm đủ việc, từ rửa bát, quét nhà, giặt đồ, trông em, tới bưng bê kê dọn tại các quán cà phê, phụ may tại 1 tiệm may gần trường.

Tốt nghiệp, tôi ra trường và vào với Kon Tum công tác. Quyết tâm sống trọn với nghề và nhờ người giới thiệu, tôi về làm phóng viên, phát thanh viên tại Đài Truyền thanh - Truyền hình thị xã Kon Tum (nay là Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Truyền thông thành phố Kon Tum). Được vài năm do tinh giản biên chế, tôi xin chuyển về Hội Nhà báo tỉnh, rồi tới Cổng Thông tin điện tử tỉnh và cuối cùng là về làm phóng viên tại Báo Kon Tum.

Nghề báo mang lại cho tôi nhiều niềm vui và lo toan. Gắn bó với nghề báo, tôi được đi nhiều, hiểu rộng, kết giao với nhiều người. Mỗi tác phẩm là sự trăn trở, tìm tòi, sáng tạo và lại thêm lần nữa có cơ hội được tiếp xúc, làm quen với nhiều người, tìm hiểu nhiều sự vật, hiện tượng và vùng đất mới.

Nghề báo còn cho tôi hiểu hơn về cuộc sống, về nhiều cảnh đời, nhiều vùng đất. Trăn trở với nghề, thông qua tác phẩm của mình, tôi góp phần kết nối, xoa dịu đâu đó những mảnh đời bất hạnh, lan tỏa năng lượng tích cực, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” và “lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực”.

Chắc chắn không ai dám khẳng định, con đường mình lựa chọn đã là đúng đắn nhất, nhưng với tôi thì chỉ cần đó là đam mê “có cơ sở”, phù hợp với xu thế của xã hội, cộng với thái độ lao động nghiêm túc, trách nhiệm với nghề thì sẽ là lựa chọn, là hướng đi đúng.           

Dương Nương

Chuyên mục khác