Đường lớn đã mở

24/01/2023 07:27

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị cùng mùa Xuân về mở đường cho các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng phát triển mạnh mẽ hơn.

Chúng ta tự hào, vững tin đón mừng năm mới 2023 với những thành quả đạt được, những đột phá mạnh mẽ trong năm 2022- năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Càng vững niềm tin khi đường lớn vào tương lai đã rộng mở hơn, với Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó là Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Cầu trung tâm hành chính tỉnh. Ảnh: Nguyễn Ban

 

Tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức ngày 14/10/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng: Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển các vùng trong cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng là để quán triệt sâu sắc hơn và tổ chức thực hiện tốt hơn chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển Vùng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững các vùng nói riêng và cả nước nói chung trong thời kỳ chiến lược mới, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trước đó, xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng Tây Nguyên, ngày 18/1/2002, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW; Bộ Chính trị khóa XI đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và ban hành Kết luận số 12-KL/TW, ngày 24/10/2011 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW đến năm 2010 và thời kỳ 2011-2020.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng, phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030 với ba tiểu khu Bắc - Trung - Nam, tiến tới hoàn thành hệ thống 117 đô thị vào năm 2030.

Trong đó, tiểu vùng Bắc Tây Nguyên được xác định gồm Gia Lai, Kon Tum giữ vị trí chiến lược trong việc thúc đẩy phát triển giao lưu thương mại hành lang biên giới giữa 3 nước Đông Dương.

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết và 10 năm thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị khóa IX và khóa XI, 8 năm thực hiện Quy hoạch xây dựng, phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, các địa phương trong Vùng đã nhận thức ngày càng sáng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của Vùng.

Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong Vùng, và giữa Vùng với cả nước.

Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong Vùng và cả nước về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, với nhiều sản phẩm chủ lực, như cà phê, cao su, hồ tiêu, ca cao, cây ăn quả.

Kon Tum là 1 trong 5 tỉnh vùng Tây Nguyên nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương. Ảnh: Thùy Hương

 

Là một trong 5 tỉnh vùng Tây Nguyên, Kon Tum nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương, trong vùng lõi Khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; là điểm kết nối, trung chuyển trên trục Đông - Tây, Núi - Biển.

Triển khai Nghị quyết 10-NQ/TW và Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã chỉ đạo lồng ghép các nội dung trên vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum qua các nhiệm kỳ và các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; quyết liệt cụ thể hóa trong các quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm và hàng năm của địa phương.

Kết quả, kinh tế của tỉnh hàng năm luôn đạt mức tăng trưởng khá và thuộc nhóm cao trong khu vực Tây Nguyên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu nhập bình quân đầu người được cải thiện rõ rệt, năm 2022 đạt khoảng 52,43 triệu đồng.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm thực hiện. Từ một tỉnh với tỷ lệ hộ đói nghèo trên 25% (năm 2002), đến năm 2005 toàn tỉnh không còn hộ đói và đến năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10,86% (Quyết định số 763/QĐ-UBND ngày 22/12/2022 của UBND tỉnh).

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực cả về chất và lượng; mạng lưới giao thông đã nối liền tỉnh Kon Tum với các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, thông thương với các nước bạn Lào, Campuchia và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Hạ tầng kinh doanh thương mại có sự phát triển rộng khắp.

Cải cách thủ tục hành chính được chú trọng; công tác thu hút đầu tư được tăng cường, tính chủ động ngày càng cao; quốc phòng- an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Với những bước tiến vững chắc, Kon Tum ngày càng có đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của Vùng và cả nước. Và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị cùng mùa Xuân về mở đường cho các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng, phát triển mạnh mẽ hơn.

Trong đó, Nghị quyết xác định quan điểm phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững; lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao.

Riêng tiểu vùng Bắc Tây Nguyên (tỉnh Gia Lai và Kon Tum) duy trì công nghiệp thủy điện, phát triển năng lượng tái tạo, cây dược liệu; hình thành các khu du lịch sinh thái, các khu du lịch gắn với vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Không gian phát triển kinh tế của tiểu vùng gắn với các tỉnh khu vực Duyên hải Trung Bộ theo hành lang giao thông Quốc lộ 14, 19, 24 và hành lang biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia.

Hơn bao giờ hết, chúng ta đang đứng trước vận hội lớn để phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Chúng ta cũng nhận thức rõ cần phải quyết tâm hơn nữa; đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ, tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Tất nhiên, luôn có những khó khăn, thách thức trên chặng đường phía trước. Nhưng lửa thử vàng, gian nan thử sức, chúng ta tin tưởng vào sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quản lý, điều hành của UBND tỉnh và tinh thần đoàn kết một lòng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Hoa mai vàng bắt đầu nở rộ trên mỗi nẻo đường, gợi lên trong mỗi chúng ta cảm xúc về những ngày cùng vượt qua khó khăn, với thiên tai, dịch bệnh Covid-19 và tác động của suy thoái kinh tế. Nhưng nhiều hơn cả là những dự cảm tốt lành về tương lai tươi sáng.

Và càng củng cố thêm quyết tâm xây dựng quê hương Kon Tum phát triển bền vững./.

Tú Quyên

Chuyên mục khác