Đường đến trường của cậu học trò liệt hai chân

21/11/2023 06:14

Ba tháng qua, người dân làng Plei Rơ Hai 1 (phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum) đã quen với hình ảnh cậu học trò bị liệt 2 chân - A Đinh (sinh năm 2017) chăm chỉ đến trường trên đôi vai gầy của cô bạn thân và học tập trong sự yêu thương của thầy cô, bạn bè.

Ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ, xuống cấp nằm ở cuối thôn Plei Rơ Hai 1. Trước sân, lũ trẻ rượt nhau tạt lon, ném bi rồi ôm nhau cười ngặt nghẽo. A Đinh không lành lặn nhưng cũng hiếu động không kém chúng bạn.

Ông A Đoan (59 tuổi) - ông ngoại A Đinh kể, A Đinh sinh ra bởi mối tình không trọn vẹn và lớn lên trong sự bảo bọc, nuôi nấng của mẹ và ông bà ngoại. Khi lên 1 tuổi Đinh bị một trận sốt, tuy nhiên, vì hoàn cảnh khó khăn nên ông bà chỉ mua thuốc mà không có điều kiện đưa A Đinh đến bệnh viện. Trận sốt qua đi, đôi chân của A Đinh cũng teo dần và bại liệt.

Cuộc sống túng thiếu, đầu năm 2020 mẹ  A Đinh gửi con cho ông bà ngoại chăm sóc rồi xuống tỉnh Bình Dương làm thuê, mỗi tháng gửi về chưa đầy 500.000 đồng. Nhà thuộc diện cận nghèo, không có rẫy, ông A Đoan cùng vợ làm thuê đủ nghề để nuôi cháu và chăm sóc mẹ già 89 tuổi.

Đường đến trường của A Đinh đã dễ dàng hơn nhờ chiếc xe lăn được nhà hảo tâm hỗ trợ. Ảnh: TH

 

Đôi chân không lành lặn, A Đinh chỉ bò, rồi lết quanh xóm. Ngoài thời gian trò chuyện cùng ngoại, A Đinh lại tự tìm tòi học chữ qua những bộ phim hoạt hình, bài hát trên tivi.

Năm lên 6 tuổi, thấy các bạn cùng trang lứa cắp sách đến trường, A Đinh đã nài nỉ xin ông bà cho đi học. Hoàn cảnh khó khăn, làm thuê chẳng đủ nuôi 4 miệng ăn, nhưng với sự động viên của thầy cô và niềm mong mỏi của cháu, ông bà ngoại đã đồng ý cho A Đinh đi học.

Những ngày đầu, A Đinh được ông bà cõng đến trường, nhưng vì cuộc mưu sinh nên không thể đưa đón cháu thường xuyên. Việc đến trường của Đinh trở nên khó khăn.

Như một phép màu, Y Juyên (sinh năm 2017) - cô bé hàng xóm đã tình nguyện đưa bạn đến trường suốt 3 tháng qua. Cứ 6 giờ và 13 giờ 30 hàng ngày, cô học trò nhỏ đều đặn cõng A Đinh đến trường. Lý do để một cô bé 6 tuổi có thể đưa ra quyết định can đảm đó lại vô cùng giản dị: “Em chơi với Đinh từ nhỏ, nên em rất quý mến A Đinh. Bạn muốn đi học nên em cõng bạn, đưa bạn đến trường hàng ngày”.

Đoạn đường từ nhà đến trường chừng 800m nhưng Y Juyên phải dừng nghỉ mấy lần. Những ngày nắng đường đến trường đỡ vất vả, nhưng những ngày mưa đường trơn trượt và không ít lần hai em đã ngã.

Ở lớp, mọi việc từ học tập cho đến sinh hoạt, vệ sinh cá nhân, A Đinh đều được thầy cô và các bạn trợ giúp. Đi học muộn hơn các bạn nên A Đinh luôn chăm chỉ viết bài, chịu khó tập đánh vần. Ngày đầu tập viết, tay của A Đinh mỏi nhừ, mồ hôi chảy dài trên má nhưng vẫn không chịu dừng bút. Về nhà, A Đinh tự giác hoàn thành bài tập được giao. Dần dà, A Đinh đã cầm bút thành thạo, viết chữ đẹp, gọn nét và thẳng hàng, phát âm cũng chuẩn, rõ ràng hơn. Đặc biệt, A Đinh luôn lễ phép với thầy cô, hòa đồng với bạn bè, luôn hăng hái phát biểu xây dựng bài.

Cô Mai Thị Bích Thảo - giáo viên chủ nhiệm của A Đinh cho hay: “Em A Đinh có trí nhớ tốt, mỗi lần nhìn qua các mặt chữ, em đều cố gắng ghi nhớ; chăm chỉ học tập và luôn chú ý nghe cô giảng. Em là tấm gương về nghị lực đối với học sinh của lớp, của trường”.

A Đinh và Y Juyên cùng tập đọc. Ảnh: TH

 

Trò chuyện với A Đinh, em bày tỏ bản thân sẽ học thật tốt để không phụ lòng những người mà em rất mực yêu thương. Ở một tương lai xa, em mong sẽ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người và tìm cách để bản thân có thể đi lại. Ước mơ là động lực, niềm tin để A Đinh vui sống, học tập từng ngày.

Còn đối với ông A Đoan, chẳng hạnh phúc nào bằng đứa cháu kém may mắn của mình luôn mạnh khỏe và lạc quan. Thế nhưng mỗi ngày trôi qua, nhìn A Đinh lớn khôn, bên cạnh niềm vui, ông lại khắc khoải, lo lắng cho chuỗi ngày dài khi tuổi đã lớn.

Nói về cậu học trò đặc biệt A Đinh, cô Nguyễn Thị Lượng - Phó Hiệu trưởng Trường TH-THCS Lê Lợi cho biết, khi A Đinh mới đến lớp, không ai nghĩ cậu học trò này có thể tiếp thu kiến thức tốt. Nhưng em đã khiến toàn trường khâm phục khi đã biến những điều tưởng chừng như không thể thành có thể.

“Nhà trường đã kêu gọi và được nhà hảo tâm hỗ trợ một bàn học, một đèn học, một chiếc xe lăn, một suất học bổng trị giá 6 triệu đồng/năm cùng 38,6 triệu đồng cho A Đinh. Tuy nhiên, về lâu về dài rất cần sự chung tay, góp sức của những tấm lòng nhân ái để em vơi bớt khó khăn, có cuộc sống ổn định hơn” - cô Nguyễn Thị Lượng cho hay.                                            

Thu Hiền

Chuyên mục khác