Đường Bắc Kạn (thành phố Kon Tum): Xanh nhưng chưa sạch, đẹp

29/11/2019 06:08

Đường Bắc Kạn (thành phố Kon Tum) dài khoảng 2km, nối trung tâm thành phố với một số điểm du lịch có tiếng của địa phương nên thường ngày có khá đông du khách qua lại. Con đường khá nên thơ, uốn lượn dưới hàng cây xanh mát... Nhưng vẻ đẹp ấy đã và đang bị hoen ố bởi các hành vi lấn chiếm lòng lề đường.

Dịp cuối tuần, bạn từ Nha Trang lên chơi. Háo hức giới thiệu với bạn vẻ đẹp của phố núi, sau khi thưởng thức ly cà phê sớm bên bờ kè sông Đăk Bla, tôi đưa bạn đi thăm các điểm du lịch như: Ngục Kon Tum, Nhà thờ Gỗ... và tất nhiên không thể thiếu nhà rông Kon Klor, cầu treo Kon Klor, các làng trong phố và làng du lịch bên kia sông Đăk Bla.

Vừa từ đường Đào Duy Từ rẽ vào, bạn trầm trồ “đẹp quá”. Con đường thoai thoải, hơi uốn lượn dưới 2 hàng cây xanh mát đu đưa vờn gió. Với bạn, một người vốn quen với đường phố xô bồ xe cộ chen chúc, không gian mở ra trước mắt có sức hút kỳ lạ.

Đi được hơn 20m, khi còn đang trút nỗi niềm về những khói bụi phải khổ sở chịu đựng ở nơi đang sống để so sánh với vẻ xanh mát nên thơ nơi đây thì bạn lại chợt thốt lên “sao lạ thế?!”.

- “Sao vậy bạn?” - tôi ngạc nhiên hỏi.

- Ngay cổng trường học mà sao có bãi rác thế này?

Một địa điểm bán le trên đường Bắc Kạn. Ảnh: TB

 

Nghe bạn hỏi, tôi băn khoăn không biết trả lời sao khi cách cổng Trường THCS Nguyễn Công Trứ dăm mét là một bãi rác đủ các bịch to, bịch nhỏ. Trên thân cây ngay đó có treo biển “Cấm đổ rác” nhưng dưới gốc lại là một thùng rác khá to và…. trống rỗng.

Bạn ngạc nhiên, khó chịu vì cho rằng, bãi rác trước cổng trường không chỉ mất mĩ quan, ảnh hưởng đến việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh mà còn đặc biệt gây hại rất nhiều đến sức khỏe của trẻ, vì sức đề kháng chưa tốt.

Qua cổng trường học thêm dăm mét, nguyên một đoạn dài vỉa hè phía bên trái là một… “bãi le”. Le chỗ được dựng đứng từng bó, cột rào khá cẩn thận, chỗ thì bỏ lộn xộn cây đâm ngang, cây đâm dọc và trên một thân cây treo biển “Bán le”. Phía bên vỉa hè đối diện, xịch xuống dưới một chút là những đống cây bời lời nối tiếp nhau.

Chưa kịp phân bua với bạn, mới chỉ đi thêm hơn chục mét, vừa qua ngã tư giao với đường Bùi Đạt, chúng tôi đụng ngay một “công trường”... đúc bộng giếng. Ngay trên lòng đường, có đến vài tốp công nhân đang bận rộn trộn bê tông đổ vào khuôn. Người qua đường, cả ô tô xe máy ùn ứ, nép về phía bên kia đường để tránh bê tông văng vãi.

Bạn tôi như không còn bất ngờ, chỉ hỏi: Ở đây quản lý đô thị dễ thế, giữa phố mà cũng làm nơi đúc bộng giếng được... Tôi vội thanh minh: Không đâu, thành phố Kon Tum có xây dựng làng nghề H'Nor, đưa tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp tập trung về đó. Đây chắc họ thi công công trình nào đấy một vài ngày thôi...

Một cửa hàng chiếm dụng vỉa hè làm nơi để vật liệu. Ảnh: TB

 

Nói với bạn thì vậy, nhưng những mảng bê tông đã chuyển màu bạc thếch, dày cộp bám trên mặt đường nhựa, rồi la liệt bộng giếng có cái đã rêu bám xanh nằm hai bên vỉa hè... như chứng minh điều ngược lại - “công trường” này không chỉ mới xuất hiện ngày một, ngày hai.

Vừa tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, mới chen qua “công trường” thì đụng ngay chợ. Nói chợ thì cũng hơi quá, nhưng cảnh lộn xộn xe chen ngang, người chen dọc thì cũng chẳng kém. Hai bên đường, hàng thực phẩm tươi sống xen hàng rau củ, hàng khô; người bưng bê thúng mẹt ngồi ngay cạnh hàng quán, ki ốt; người mua ngồi ngay trên xe chọn món hàng mình cần; người chậm chân, xe không vào sát được thì dựng ngay đấy bước bộ len vào...

Giữa khung cảnh nhốn nháo chen lấn buôn buôn, bán bán có vô số đống cây mục, xà bần… Mấy cửa hàng vật liệu xây dựng, bán cây bời lời... dùng luôn cả lưới, rào quây vỉa hè làm nơi chứa vật liệu.

Đến đoạn trước cổng Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội, đường thoáng đãng đôi chút nhưng chưa kịp thư giãn thì một mùi thối khắm xộc vào mũi làm cả tôi và bạn nhộn nhạo muốn nôn. Một bãi rác to đùng ngay sát chân tường rào Trung tâm.

Bãi rác sát bên tường rào Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội. Ảnh: TB

 

Bạn tôi chép miệng: Rác nhiều thế này chắc là nơi tập kết trung chuyển rác của Công ty Môi trường đô thị quá. Bãi rác ngay sát thế này, các cụ, các em ở trong Trung tâm thở thế nào cho nổi. Còn sân bóng bên kia nữa, ai dám ra đây tập luyện...

Tôi nín thinh nhưng trong lòng nghẹn dâng nỗi buồn bực, chỉ một đoạn đường ngắn mà sao... Bao hăm hở, tự hào muốn giới thiệu vẻ đẹp đặc trưng của phố núi, nơi mình gắn bó bao năm qua với bạn như chùng hẳn xuống, nhưng tôi vẫn cố thuyết phục bạn đi tiếp...

Ào ào ào... tiếng nẹt pô như xuyên qua tai, dội lên não, mấy thanh thiếu niên đầu trần nằm rạp trên những chiếc xe máy lao xẹt qua, tôi vội vàng tấp sát vào lề đường, lòng bàn tay mướt mồ hôi. Tôi chợt nhớ có lần anh Nguyễn Văn D. - giáo viên Trường PTDTNT tỉnh, nhà ở khu dân cư cuối đường Bắc Kạn dặn: Anh nên đi mấy đường phía trong cho an toàn, đường Bắc Kạn thanh niên hay đua xe, nhất là vào chiều tối, nguy hiểm lắm.

Lấy lại bình tĩnh, anh bạn tôi than mệt đòi về, tôi cũng đành chiều ý. Tôi hiểu, bạn đang ngán ngẩm đoạn đường chỉ non cây số vừa đi.

Áy náy với bạn, tôi chia sẻ nỗi niềm với những người bạn ở các khu dân cư cuối đường Bắc Kạn, gần như ai cũng tặc lưỡi: Chuyện đó diễn ra lâu rồi! Và ai cũng mong chính quyền địa phương, ngành chức năng, các đoàn thể, nhất là Hội Nông dân phường Thắng Lợi - đơn vị đảm trách tự quản xây dựng đường Bắc Kạn xanh - sạch - đẹp quan tâm, có những biện pháp cụ thể, hiệu quả vận động, huy động người dân trong khu vực giữ gìn vệ sinh chung, tuân thủ các quy định trật tự an toàn giao thông, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường... trả lại vẻ đẹp thơ mộng cho con đường Bắc Kạn.

Thái Bình

Chuyên mục khác