Dưới mặt đất hiền lành - Bài 2: Nỗi đau ở lại

27/03/2023 13:08

Rất nhiều nỗ lực, công sức, tiền bạc, thậm chí là máu, để “làm sạch” những mét vuông đất ô nhiễm bom mìn. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng kể cả khi chúng được làm sạch ở khu đất này, nỗi đau vẫn còn ở lại với những nạn nhân và gia đình nạn nhân của bom mìn.

Theo thông tin được công bố tại Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm triển khai hoạt động giáo dục phòng tránh nguy cơ bom mìn, vật nổ do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) tổ chức tháng 12/2022, Kon Tum là một trong 19 tỉnh, thành trong cả nước có 100% xã, phường, thị trấn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ.

Dưới mặt đất hiền lành, dù ở nơi đô thị phồn hoa hay ruộng đồng xanh mát, dù công sở,  trường học hay núi đồi hoang vu vẫn còn đủ loại bom đạn, từ  bom bi, lựu đạn đến các loại mìn, các loại bom, với khoảng 1.642 chủng loại.

Có nơi bom, đạn trồi hẳn trên mặt đất. Có những nơi nằm sâu từ 0,3-0,6m, đặc biệt có những quả bom khoan nằm sâu trong lòng đất đến 10- 15m.

Bình thường, có thể chúng nằm im lìm, như những “tử thần” say ngủ.

Những quả đạn cối được người dân phát hiện khi đào móng nhà. Ảnh: HL

 

Nhưng chỉ cần có một tác động, có thể là vô ý (do đùa nghịch, thi công công trình hay lao động sản xuất) hoặc cố ý (tìm kiếm phế liệu) thì những “tử thần” ấy sẽ “thức tỉnh”. Sau tiếng nổ là hậu quả khó lường đối với tính mạng và tài sản của nhân dân.

Tôi cũng đã một lần đối diện với những “tử thần say ngủ” ấy. Đó là khi gia đình một người quen ở tổ 12, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum san ủi mặt bằng, đào móng xây nhà. Mọi việc đang tiến hành thuận lợi thì thợ đào móng phát hiện nhiều quả đạn cối đã hoen gỉ trồi lên, phô ra bộ mặt chết chóc.

Ngay lập tức, mọi hoạt động được dừng lại, chủ nhà báo cơ quan chức năng. Sau đó, toàn bộ 17 quả đạn cối được đem đi an toàn. Nhưng mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn rùng mình. Hôm ấy, chỉ cần lưỡi gàu của máy đào nhấn sâu thêm một chút nữa, đụng vào những viên đạn cối lì lợm kia, thì không biết hậu quả sẽ thế nào.

Nhưng đó chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ toàn tỉnh Kon Tum. Hiện diện tích ô nhiễm bom mìn vật nổ chiếm 48,68 % diện tích tự nhiên của tỉnh.

Rất nhiều nỗ lực, công sức, tiền bạc, thậm chí là máu, để “làm sạch” những mét vuông đất ô nhiễm bom mìn. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, kể cả khi chúng đã được làm sạch ở khu đất này, nỗi đau vẫn còn ở lại với rất nhiều gia đình có nạn nhân của bom, mìn.

Cho đến nay, đã 6 năm trôi qua, tôi vẫn bị ám ảnh bởi vụ nổ đầu đạn xảy ra ở thôn 5, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum. Khi vụ nổ xảy ra, tôi chỉ cách địa điểm xảy ra vụ nổ chưa tới 100m.

Đó là một ngày cuối tháng 10/2017, tôi tham gia đoàn kiểm tra hiện trường một vụ khai thác cát trái phép. Xe đang đi trên đường thì bỗng nghe một tiếng nổ lớn, trầm đục ở căn nhà phía trước. Rồi tiếng người la hét, tiếng bước chân chạy rầm rập.

Mọi người đổ về ngôi nhà. Chúng tôi tới gần thì một người ngăn lại: “Không nên vào. Nổ đầu đạn đó. Có người chết rồi”. Dù đứng cách vài chục mét, tôi cũng có thể thấy hiện trường đáng sợ của vụ nổ.

Dò hỏi thì được biết, đó là nhà ông A Then. Mới đây đi đánh cá, ông A Then nhặt được một đầu đạn M79 và đem về nhà cất. Hôm nay ông tự tháo để lấy thuốc, bất ngờ đầu đạn phát nổ, ông A Then tử vong tại chỗ, bà Y Đưch (vợ ông) và 2 con bị thương nặng.

Sau này, tôi biết thêm, bà Y Đưch tử vong trên đường đi cấp cứu; hai người con may mắn thoát chết nhưng mang thương tật suốt đời.

Giao lưu với nạn nhân và thân nhân nạn nhân bom mìn thôn Kroong, Klah. Ảnh: Trần Văn Phúc

 

Tuy chưa thể thống kê được số người chết và bị thương do bom, mìn, vật nổ gây ra, nhưng chắc chắn là một con số không nhỏ. Kon Tum có số nạn nhân bom mìn, vật nổ cao thứ hai cả nước.

Kết quả điều tra cho thấy, việc tìm kiếm phế liệu và chơi/đùa nghịch là hai nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn bom mìn, vật nổ; tiếp đến là hoạt động trồng trọt, chăn nuôi.

Nguyên nhân dẫn tới tai nạn là do thiếu hiểu biết và không được cảnh báo, tuyên truyền có hiệu quả về những nơi còn nhiều bom mìn, vật nổ.

T- một nạn nhân của bom, mìn thừa nhận rằng, chính sự thiếu hiểu biết mà cậu phải gánh chịu hậu quả. Cách đây mấy năm, khi làm rẫy, thấy một vật lạ “trông giống quả lựu đạn”, T. đem về nhà. Một lần nghịch ngợm lấy chân đá, bất ngờ vật lạ phát nổ. Dù may mắn chỉ mất một bên chân, nhưng nỗi đau thể xác và tinh thần theo cậu suốt đời.

Điều đau đớn nhất là trong số nạn nhân của bom mìn, vật nổ gây ra thì trẻ em chiếm đa số. Với bản tính hiếu động và còn thiếu hiểu biết, các em thường đùa nghịch, di chuyển, quăng, ném bom bi, đầu đạn, dẫn đến gây nổ.

Chúng tôi từng tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ với 7 em học sinh ở một trường tiểu học. Phải nói là không dễ thuyết phục được các em tham gia, và phải cam kết không để cho gia đình và nhà trường biết.

Câu hỏi chung là: Khi nhìn thấy những vật nghi là bom, mìn, chúng ta cần làm gì?

Kết quả là 5 em lắc đầu và nói “không biết”. Chỉ có 2 em trả lời cần phải tránh xa và nói ngay cho người lớn biết. Vì nếu không may đụng vào, chúng phát nổ có thể gây chết người hoặc bị thương.

Rõ ràng là, công tác giáo dục, truyền thông về phòng tránh tai nạn thương tích do bom, mìn cần được tăng cường hơn nữa.

Ít nhất là biết tránh xa chúng!

(Còn nữa)

Hồng Lam

Chuyên mục khác