Dưới mặt đất hiền lành - Bài 1: “Tử thần” rình rập

25/03/2023 13:07

Với Kon Tum, chiến tranh đã đi qua 48 năm, kể từ ngày 16/3/1975, nhưng dưới mặt đất hiền lành vẫn còn đủ loại bom đạn như “tử thần” đe dọa con người. Dù đã rất nỗ lực, với bao công sức, tiền bạc, thậm chí là máu, để khắc phục, nhưng chúng ta vẫn còn cách “vạch đích” rất xa.

Kết thúc chiến tranh, Việt Nam được xếp vào một trong những nước có tình trạng ô nhiễm bom, mìn nặng nề nhất trên thế giới.

Theo thống kê, chỉ tính riêng số bom, mìn, vật nổ từ năm 1945 đến 1975 được sử dụng ở Việt Nam nhiều gấp 4 lần so với Chiến tranh thế giới thứ hai. Báo cáo hiện trạng tồn lưu, ô nhiễm bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam (giai đoạn I) cho thấy, 63/63 tỉnh thành phố trên toàn quốc đều bị ô nhiễm vật nổ sau chiến tranh, diện tích đất đai bị ô nhiễm là hơn 6,1 triệu héc ta, chiếm 18,71% diện tích cả nước.

Số bom, mìn, vật nổ chưa nổ luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng, ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế, xã hội, con người và môi trường.

Với Kon Tum, chiến tranh đã đi qua 48 năm, kể từ ngày 16/3/1975, nhưng mối đe dọa của bom đạn, vật nổ chưa bao giờ chấm dứt.

Lực lượng Công binh rà phá bom mìn, vật liệu nổ tại huyện Đăk Hà. Ảnh: HL

 

Năm 2011, trong một lần làm việc với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, tôi đã sốc khi được cung cấp một thông tin: Tất cả các diện tích trên địa bàn toàn tỉnh đều bị ô nhiễm bom, mìn.

Bộ CHQS tỉnh từng phối hợp cùng Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, Bộ Tư lệnh Công binh tiến hành khảo sát, hoàn thành bản đồ ô nhiễm bom, mìn, vật nổ trên địa bàn toàn tỉnh Kon Tum. Theo đó, tổng diện tích bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh là hơn 467.848ha, trải rộng trên 9 huyện và thành phố Kon Tum.

Điều đó có nghĩa 100% xã, phường, thị trấn được xác định là bị ô nhiễm bom mìn vật nổ; diện tích ô nhiễm bom, mìn, vật nổ, chiếm 48,68 % diện tích tự nhiên của tỉnh.

Theo thông tin được công bố tại Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm triển khai hoạt động giáo dục phòng tránh nguy cơ bom, mìn, vật nổ do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) tổ chức tháng 12/2022, Kon Tum là một trong 19 tỉnh, thành trong cả nước có 100% xã, phường, thị trấn bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ.

Hội nghị cũng lý giải, tỉnh Kon Tum là một trong những địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng nên hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, địch đã xây dựng nhiều căn cứ điểm liên hoàn như Đăk Tô, Tân Cảnh, Đăk Siêng, Đăk Pét, Plei Kần, Măng Đen, Măng Bút.

Ta cũng đã tiến hành công phá nhiều sân bay quân sự nhằm phá vỡ thế trận phòng thủ của địch tại chiến trường Bắc Tây Nguyên.

Vì vậy Kon Tum là một trong những địa phương hứng chịu nhiều bom mìn, vật nổ của cuộc chiến tranh nhất nước.

Lực lượng Công binh (Bộ CHQS tỉnh) xử lý quả bom phát hiện tại một khu vườn nhà dân. Ảnh: Trung Kiên

 

Để ổn định sản xuất và định canh, định cư cho nhân dân địa phương, ngay từ những năm đầu sau khi chiến tranh kết thúc, các lực lượng vũ trang tỉnh đã nỗ lực dò tìm và tháo gỡ nhiều loại bom, mìn, vật liệu nổ phục vụ giải phóng mặt bằng cho xây dựng khu dân cư, sản xuất, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Công tác dò tìm, xử lý bom, mìn, vật nổ càng được quan tâm hơn khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 504/QĐ-TTg ngày 21/4/2010 về việc phê duyệt chương trình hành động Quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh.

UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án rà phá bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2010-2015 tại Quyết định số 397/QĐ-UBND ngày 27/4/2012 với tổng diện tích 10.000ha; tổng mức đầu tư trên 399 tỷ đồng, trong đó, từ nguồn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ, vốn hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài và sự hỗ trợ của cá nhân nước ngoài và tổ chức, cá nhân trong nước.

Mục tiêu Đề án là rà phá bom, mìn, vật nổ một cách cơ bản, trọng tâm ở các khu vực, các vùng đất đai nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế, bảo đảm an toàn cho lao động sản xuất và hạn chế tối đa các tai nạn, các hiểm họa do bom mìn, vật nổ gây ra.

Trong đó, tập trung cho địa bàn thành phố Kon Tum và các huyện Ia H'Drai, Ngọc Hồi, Đăk Hà, Đăk Tô, vốn là những địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế và ô nhiễm bom, mìn nặng, cần phải xử lý, khắc phục.

Theo tài liệu mà chúng tôi có được, trong giai đoạn 2012 - 2015, các lực lượng chức năng đã thực hiện “làm sạch” 405ha trên địa bàn các huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Tô. Giai đoạn 2016-2020 có 1.269ha đất trên địa bàn các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi, Ia H’Drai và huyện Kon Plông được dọn bom mìn, trả lại sự hiền lành vốn có.

Cũng từ năm 2012 đến năm 2020, đã thu gom, xử lý hơn 1.100 quả bom, mìn, vật nổ các loại với tổng khối lượng ước tính gần 17.000kg. Diện tích, phạm vi khu vực đã giải phóng ô nhiễm bom, mìn được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng.

Thật khó kể hết những vất vả, hiểm nguy mà các lực lượng, chủ chốt là lực lượng công binh của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, phải chịu đựng, phải vượt qua để  hoàn thành nhiệm vụ. Đó là thời tiết khắc nghiệt, địa hình nhiều khu vực hiểm trở, nhiều nơi bà con đã làm nhà, sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt là mật độ bom, mìn rất dày, đa dạng chủng loại, nằm dưới đất lâu ngày nên gỉ sét, có thể gây nguy hiểm cho người xử lý bất cứ lúc nào.

Đến nay, các diện tích đất được làm sạch đã được người dân khai thác có hiệu quả, đem lại nguồn lợi kinh tế cao, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển.

Hiện nay tỉnh ta đang tiếp tục thực hiện Dự án giải phóng ô nhiễm bom, mìn, vật nổ giai đoạn 2021 – 2025 với khoảng 2.300ha trên địa bàn các  huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi, Ia H’Drai, Đăk Hà và thành phố Kon Tum.

Ngoài ra, Bộ CHQS tỉnh tham mưu UBND tỉnh phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước thông qua Trung tâm Hành động bom, mìn quốc gia để hỗ trợ cho các nạn nhân chịu ảnh hưởng của bom, mìn.    

(còn nữa)

Hồng Lam

Chuyên mục khác