Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

10/04/2017 18:09

​Dù chưa phản ánh hết thực trạng nhưng con số 57 trẻ em gái trên địa bàn tỉnh bị xâm hại tình dục từ năm 2011 đến nay đã khiến không ít người giật mình. Chỉ khi đặt mình vào vị trí nạn nhân, gia đình nạn nhân mới thấy hết những đau xót...

Tự thầm trách mình, các bậc phụ huynh chỉ biết nói: “Giá như”. Giá như gia đình sớm giáo dục cho cháu kỹ năng sống, kỹ năng tự vệ; giá như gia đình dành nhiều thời gian quan tâm đến cháu; giá như gia đình có ý thức căn dặn đề phòng, giáo dục giới tính sớm cho cháu… thì mọi chuyện đâu nên nỗi. Hàng loạt giá như được gia đình một bị hại đưa ra trong tiếc nuối, ngậm ngùi…

Dù cho một trăm cái “giá như” đưa ra thì mọi chuyện chẳng thể cứu vãn được. Chuyện đã xảy ra – người gánh chịu thiệt thòi không ai khác chính là con trẻ.

Nhưng, con trẻ còn quá nhỏ, các em chưa thể biết và chưa thể có ý thức bảo vệ được chính mình. Khi nhiều vụ việc xâm hại tình dục con trẻ ở trên địa bàn tỉnh và ở các địa phương như: Vĩnh Long, Cà Mau, Cần Thơ, Hòa Bình, Phú Thọ… liên tiếp xảy ra thì một vấn đề đặt ra là các ông bố, bà mẹ đã làm những gì để ngăn ngừa hiểm họa này hay phải chờ rơi vào cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”.

Chị S – mẹ của một cô con gái ở phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum thú thật rằng chị đã không khỏi giật mình khi được đặt câu hỏi ấy. Cái giật mình, lo lắng ấy không phải không có lý vì trong phần lớn vụ việc, nạn nhân và kẻ xâm hại đều có quen biết, như cảnh báo của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc “khả năng các em quen kẻ xâm hại là 93%, có 47% số kẻ xâm hại có khả năng ở trong gia đình, họ hàng”. Thực tế qua các vụ việc xảy ra và trong hồ sơ của cơ quan công an, những kẻ xâm hại đó có thể là cha ruột, cha dượng, anh ruột, ông chú, ông bác, người quen hay lui tới gia đình…

Không ít người trong số đối tượng xâm hại này bình thường không tỏ ra biến thái, lệch lạc về tình dục mà còn được đánh giá “hiền lành, mực thước”. Thậm chí có những đối tượng từng được các ông bố, bà mẹ tin cẩn; còn con trẻ thì yêu mến vì mỗi khi gặp ông/anh/chú/bác thường tỏ ra thương mến ôm hôn, quàng vai bá cổ, lúc cho cái bánh, gói kẹo, lúc cho quả cam, trái ổi… Vì vậy, không một gia đình nào có ý thức đề phòng, ngăn chặn. Chuyện chỉ xảy ra khi cơ hội đến. Tức là vào những thời điểm thiếu đi sự giám sát của người lớn, ở những nơi vắng vẻ hoặc có yếu tố kích thích (rượu bia, thuốc kích dục, phim ảnh đồi trụy…) khiến đối tượng không thể chế ngự bản năng.

Cũng đã có những gia đình nêu cao ý thức cảnh giác nhưng cũng có không ít gia đình chủ quan, không chỉ không dạy dỗ con kỹ năng sống, kỹ năng tự vệ mà còn hồn nhiên đưa con gái gửi sang chơi với các anh lớn hơn ở nhà hàng xóm, gửi cho ông chú, ông bác… trông chừng vài ba ngày khi có công việc bận bịu. Và việc gì đến ắt sẽ đến và chuyện chỉ bung bét ra khi không thể giấu kín, khi đã vượt quá ngưỡng cho phép.

Nói về sự chủ quan của các ông bố, bà mẹ phải kể đến những gia đình có con trai nhỏ. Đành rằng, tỷ lệ bé trai bị xâm hại tình dục thấp hơn bé gái (Quỹ Dân số Liên hợp quốc cảnh báo thì cứ bốn bé gái thì có một bé bị xâm hại tình dục, cứ sáu bé trai thì có một bé bị xâm hại tình dục, độ tuổi trung bình khi các em bị xâm hại là 9) nhưng không vì thế mà chủ quan. Vụ Minh Béo bị bắt giam tại Mỹ và hàng loạt vụ việc ở Hà Nội mà đối tượng là nam giới có sở thích chăn dắt, xâm hại trẻ trai vừa bị bắt giữ trong năm 2016 là những vụ việc điển hình, làm ớn lạnh, toát mồ hôi bất cứ bậc cha mẹ nào có con nhỏ.

Nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em thường trực, rình rập con trẻ ở mọi nơi, ngay thời điểm bản thân các em và cha mẹ các em lơ là mất cảnh giác nhất.

Thế nhưng, bố mẹ không thể ở cùng con suốt 24/24 tiếng đồng hồ trong ngày để bảo vệ con trước kẻ xấu, việc ác. Thay vào đó, không để “mất bò mới lo làm chuồng”; không thể nói những câu “giá như” đầy tiếc nuối và ân hận, hơn ai hết, bố mẹ phải là người trang bị cho con “vũ khí” cần thiết để tự bảo vệ mình. Nói cách khác, bố mẹ phải luôn ý thức không nên chủ quan, không sơ hở tạo “cơ hội” cho các đối tượng xấu lợi dụng. Cùng với đó là thường xuyên, liên tục giáo dục giới tính, giáo dục những kỹ năng sống cần thiết, những kỹ năng tự bảo vệ mình ngay từ khi còn nhỏ. Mưa dầm thấm lâu, các em sẽ dần có ý thức và hình thành “lá chắn” tự bảo vệ mình.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác